Đầu tháng này, tin về việc Công ty Bio – Rad của Mỹ bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán và đã trả 7,5 triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức tại ba quốc gia là Nga (4,6 triệu USD), Thái Lan (hơn 700 ngàn USD) và Việt Nam (2,2 triệu USD) trong các năm 2005-2009 để giành hợp đồng. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập một tổ công tác thu thập hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra gồm mười thành viên do Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn làm tổ trưởng và gửi công văn đến các đơn vị trực thuộc trong ngành đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến việc cấp phép, nhập khẩu, mua bán, sử dụng các trang thiết bị cũng như hóa chất, vật tư sinh phẩm liên quan đến Công ty Bio – Rad. Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an để điều tra, làm rõ vụ việc. Một công hàm tới Đại sứ quán Mỹ đề nghị hỗ trợ xác minh thông tin cũng đã được bộ này gửi đi.
Đến ngày 14-11, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết đã có 13 công ty được cấp giấy phép nhập khẩu chín mặt hàng thiết bị phân tích, xét nghiệm, hóa chất và vật tư tiêu hao đi kèm theo máy. Có 26 sản phẩm là sinh phẩm chẩn đoán đi kèm theo máy xét nghiệm. Trong số 30 đơn vị báo cáo mua sản phẩm của Bio – Rad thì có bảy viện, 16 bệnh viện, ba trường đại học, một ban quản lý dự án và ba sở y tế.
Theo Bộ Y tế, trang thiết bị y tế của Công ty Bio – Rad có thể được đưa vào bệnh viện theo nhiều nguồn như viện trợ, đấu thầu từ ngân sách, nguồn vốn vay hoặc xã hội hóa. Với hình thức xã hội hóa, công ty đặt máy xét nghiệm ở bệnh viện, cùng khai thác, lợi nhuận được chia theo thỏa thuận. Chi hoa hồng trong ngành y tế là chuyện phổ biến và một số người am hiểu cho biết Bio – Rad trả tiền cho tất cả khách hàng mua sản phẩm của họ tới 20% tiền hoa hồng. Sắp tới, nếu việc chi hoa hồng đó được khẳng định có cơ sở, có căn cứ thì cả Ban Nội chính Trung ương cũng sẽ vào cuộc để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Nguyễn Thắng