Dòng chủ lưu thời sự tuần qua tập trung vào các biện pháp có thể được triển khai sau khi Quốc hội trong phiên họp ngày 24-11 đã thông qua nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.
Nghị quyết này cho phép một cơ chế thông thoáng về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập cán bộ, công chức, viên chức.
Như nhận định của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, với 18 nội dung thuộc năm lĩnh vực, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 này chính là “một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời”, tạo điều kiện cho TP.HCM và các bộ ngành, Chính phủ cũng như Quốc hội triển khai trong ba năm cuối nhiệm kỳ 2016-2020.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM chiếm 9% dân số cả nước nhưng đóng góp gần 22% GDP và khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế trong 30 năm qua bình quân 10,7%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của thành phố cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, sự phát triển của thành phố đã giảm tốc, thậm chí tụt hậu so với cả nước ở một số lĩnh vực (thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh), các yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường ngày càng xấu. Tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy cao nhất và số vụ án được xét xử ở TP.HCM nhiều nhất cả nước (chiếm khoảng 16% trong khi dân số chỉ chiếm hơn 9% dân số cả nước).
Trong 18 nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết thì 12 nội dung cần có quy định của Hội đồng Nhân dân Thành phố. Ngay kỳ họp diễn ra vào tháng 12 tới, HĐND sẽ ra nghị quyết nhằm triển khai hiệu quả những nội dung về cơ chế đặc thù. Trên cơ sở đó, chính quyền thành phố sẽ có chương trình thực hiện trong ba năm 2018-2020 và kế hoạch triển khai hằng năm.
Một trong những cơ chế quan trọng với nghị quyết này là TP.HCM được phép “vượt rào” khá nhiều quy định trong quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Trong quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, Quốc hội cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Với nghị quyết này, sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng Nhân dân Thành phố được quyết định một số vấn đề.
Cụ thể được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại nghị quyết này.
Cho phép các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định của nghị quyết.
Đáng chú ý là thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018 và sau ba năm thực hiện Chính phủ sơ kết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020.
Trong một diễn biến liên quan, UBND TP.HCM ngày 26-11 đã chính thức công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025”.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Phó trưởng ban Ban điều hành Đề án “Đô thị thông minh”, cho biết thành phố đã chọn quận 1 và quận 12 là hai khu vực triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh. Dựa trên cơ sở hạ tầng hiện hữu, một số giải pháp công nghệ sẽ được triển khai nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân (môi trường, ùn tắc giao thông…).
Tùy theo từng lĩnh vực, các sở ngành sẽ lần lượt triển khai đề án theo kế hoạch cụ thể; các vấn đề quan trọng, bức xúc của người dân sẽ được triển khai trước. Bên cạnh các chương trình ứng dụng CNTT trên diện rộng; sẽ có các giải pháp công nghệ được triển khai ngay để cung cấp các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp…
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đối tác tư vấn khung về công nghệ thông tin – truyền thông của TP.HCM, cho biết khung công nghệ cho đô thị thông minh sẽ quan tâm tới tính mở và kế thừa trong quá trình triển khai. Đồng thời, hệ thống vận hành sẽ thực hiện việc phân tích, đưa ra các dự báo dựa trên nền tảng dữ liệu lớn.
Sắp tới sẽ có nhiều ứng dụng được triển khai cho các nhóm giải pháp khác nhau như giao thông, môi trường, giáo dục, y tế… Trong đó, đáng lưu ý là nhóm giải pháp về an ninh trật tự với các hệ thống định vị thuê bao di động, tích hợp hệ thống camera giám sát an ninh của ngành chức năng với các hệ thống xã hội hóa, triển khai giải pháp điều phối lực lượng phản ứng nhanh kèm theo công cụ định vị cho các phương tiện tuần tra…
Cụ thể như Sở Công thương TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM sẽ triển khai chương trình cung cấp thông tin quy hoạch của các quận huyện thông qua ứng dụng, số hóa bản đồ quy hoạch.
Lộ trình triển khai Đề án sẽ có ba giai đoạn; giai đoạn 1 (2017-2020) sẽ triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh; tập trung vào hạ tầng điện toán đám mây. Xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng, nền tảng dữ liệu mở, kho dữ liệu dùng chung… Giai đoạn 2 (2020-2025) tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành; một số giải pháp đã triển khai ở giai đoạn 1 sẽ được mở rộng và cập nhật dữ liệu. Giai đoạn 3 (sau 2025) sẽ đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ mới, hướng tới tầm nhìn dài hạn.
Qua đề án, người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng…
Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.
Đô thị thông minh cũng giúp chính quyền sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tối ưu, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai.
- Gia Minh