Nói về những bí quyết, kinh nghiệm khi tìm kiếm việc làm, có lẽ không ai giỏi hơn các chuyên gia “săn đầu người” (headhunter). Mark Jaffe – chủ sở hữu của Wyatt & Jaffe (www.wyattjaffe.com), một công ty tư vấn tuyển dụng ở Mỹ, cộng tác với Businessweek.com để thực hiện chuyên mục Headhunter Hints, cung cấp những bí quyết trong viết lý lịch xin việc, tham gia phỏng vấn và nhiều vấn đề khác xoay quanh vấn đề tìm việc làm. Dưới đây là 17 điều được chọn lọc từ chuyên mục này.
1. Đừng trở thành con mồi của những dịch vụ “ma”
Nếu có ai đó gọi cho bạn và đề nghị viết lại lý lịch xin việc để làm nó trở nên “có sức hấp dẫn hơn” hoặc mời gọi bạn ứng tuyển vào một thị trường việc làm nghe có vẻ bí ẩn thì nên từ chối ngay, cho dù mức phí dịch vụ đưa ra hợp lý đến đâu chăng nữa.
2. Hãy thư giãn
Trong quá trình tìm việc, đừng tự dằn vặt hay trách móc bản thân nếu chưa tìm được việc làm phù hợp. Hãy bình tĩnh nghĩ rằng đó là tình hình chung của nền kinh tế. Tỏ ra quá hồ hởi, mừng vui khi được phỏng vấn có thể làm giảm bớt giá trị của bạn.
3. Nên biết tận dụng thời cơ
Những người thành công thường là những người biết tận dụng cơ hội trong những lúc khó khăn. Hãy tìm ra cách làm sáng tạo để giải quyết tốt những công việc mang tính thử thách cao và tiến về phía trước.
4. Trung thực với lý lịch
Hãy viết lý lịch bằng văn phong giản dị, dùng nhiều câu trực tiếp. Độ dài của lý lịch không quan trọng bằng nội dung. Nên tạo ấn tượng bằng những câu chuyện có thật về thành tích làm việc của bạn.
5. Viết thư xin việc ngắn gọn
Thư xin việc gửi kèm theo lý lịch cần ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề để có thể gây sự chú ý cho người nhận trong vòng vài giây đầu. Kết thúc thư bằng việc đề nghị quan tâm tới lý lịch gửi kèm và hy vọng được là nhân viên mới của công ty.
6. Gây sự chú ý cho nhà tuyển dụng theo cách truyền thống
Nếu bạn có những thành tích đáng nhớ trong lĩnh vực chuyên môn hay ngành nghề của mình, các nhà tuyển dụng sẽ tự tìm đến bạn, dù công ty cũ của bạn có cố tình che đậy điều đó.
7. Đừng nên viết những từ sáo rỗng trong đơn xin việc và lý lịch
Khi soạn hai văn bản này, không nên dùng những câu sáo rỗng như “tôi là người làm việc với động cơ rất cao, luôn hướng đến kết quả, có tầm nhìn…”. Các nhà tuyển dụng chỉ quan tâm nhiều đến những thành tích mà bạn đã đạt được.
8. Hãy là chính mình trong phỏng vấn
Khi bước vào phỏng vấn, đừng lệ thuộc vào hồ sơ, tài liệu mà bạn đã chuẩn bị trước. Lệ thuộc vào những thứ ấy chỉ làm cho bạn thêm mất tự tin, nhất là khi người phỏng vấn hướng câu chuyện sang những đề tài không nằm trong nội dung chính của lý lịch của bạn.
9. Bình tĩnh với những câu hỏi khó
Người phỏng vấn có thể hỏi: “Anh chị đã có một quyết định hay chọn lựa sai lầm nào trong nghề nghiệp của mình hay chưa?”. Khả năng trả lời những câu hỏi như vậy một cách tự tin sẽ chứng minh được bạn là một người trung thực đến đâu.
10. Sử dụng dịch vụ của những trang web tuyển dụng hàng đầu
Khi đăng ký ở những trang web này, bạn có thể nhận được các thông tin cập nhật về các vị trí đang được tuyển dụng trên thị trường và mở rộng thêm cơ hội tìm việc.
11. Cập nhật tình hình thị trường
Tranh thủ cơ hội nói chuyện với các chuyên gia trong ngành để cập nhật thêm thông tin về thị trường lao động, nhất là thị trường thuộc lĩnh vực, ngành nghề chuyên môn của bạn.
12. Đừng lạm dụng các quan hệ
Các mối quan hệ quen biết của bạn là một nguồn quý giá và bạn cần phải trân trọng chúng. Bạn có thể tranh thủ các mối quan hệ này khi đi tìm việc nhưng cần phải khéo léo, lịch sự. Chỉ nên hỏi thông tin tham khảo chứ đừng yêu cầu họ tìm việc cho bạn.
13. Lạc quan trong phỏng vấn
Hãy giữ thái độ tích cực và lạc quan khi tham gia phỏng vấn. Ai cũng muốn có nhân viên giỏi và đàng hoàng, trung thực. Đừng bao giờ chỉ trích công ty hay sếp cũ của bạn.
14. Làm cho nhà tuyển dụng cảm thấy họ là người quan trọng
Các công ty săn lùng nhân tài thường tỏ ra là một tổ chức tốt, được nhiều người mến mộ. Khi nhà tuyển dụng nói về họ thì hãy tỏ ra quan tâm đặc biệt với sự hiểu biết và thích thú, nhưng không nên bộc lộ quá mức.
15. Thể hiện tinh thần tập thể
Dù cho đang trong quá trình phỏng vấn, hãy giao tiếp bằng đại từ nhân xưng “tôi” và nói nhiều về thành tích của tập thể mà mình là một thành viên.
16. Đừng quan tâm đến những điều nhỏ nhặt
Đặt ra quá sớm những câu hỏi về những vấn đề lặt vặt như khả năng có thể bị điều chuyển công tác đến một nơi xa chỗ ở hiện tại, phương tiện đi lại, chỗ ngồi trong văn phòng… sẽ tạo ra ấn tượng không tốt cho nhà tuyển dụng.
17. Không trúng tuyển chưa phải là kết thúc mọi thứ
Không được tuyển dụng là một chuyện rất bình thường. Hãy giữ quan hệ tốt với nhà tuyển dụng. Có thể nhà tuyển dụng biết được những cơ hội khác phù hợp hơn với bạn và sẽ giới thiệu cho bạn. Hãy viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng sau cuộc phỏng vấn và đừng ngại nhờ họ giúp cho việc ấy.