Nếu đã lâu rồi không đi phỏng vấn xin việc, bạn sẽ thấy bất ngờ khi thấy mọi thứ đã thay đổi đến mức nào. Nhưng đừng lo lắng, vì chúng tôi đã tổng hợp những tuyệt chiêu trả lời câu hỏi “hiện đại và hiệu quả nhất”. Chúng ta sẽ bắt đầu với việc học cách trả lời những câu hỏi phỏng vấn thường thấy nhất trong năm 2019!
Dưới đây là 10 câu hỏi phỏng vấn thường gặp mà bạn cần phải chuẩn bị và đưa ra một số “điều nên làm” và “điều không nên làm” đối với mọi câu hỏi để bạn có thể tránh lặp lại những sai lầm phổ biến nhất.
1. Hãy nói về bản thân bạn
2.Tại sao chúng tôi nên thuê bạn?
3.Điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?
4.Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
5.Tại sao bạn muốn làm việc cho chúng tôi?
6.Tại sao bạn đã rời khỏi công việc trước?
7.Thành tựu lớn nhất của bạn là gì?
8.Hãy miêu tả một tình huống công việc khó khăn và điều bạn đã làm để vượt qua nó.
9.Bạn thấy tương lai 5 năm sau của mình sẽ như thế nào?
10.Bạn có câu hỏi nào cho tôi (người phỏng vấn) không?
Tôi sẽ đồng ý nếu bạn nói một số câu hỏi ở đây đã quá đại trà, nhưng tôi xin đảm bảo với bạn rằng vào năm 2018, các công ty trên toàn thế giới vẫn sử dụng những câu hỏi này khi phỏng vấn. Vì vậy bạn vẫn cần phải chuẩn bị trước!
1. “Hãy nói về bản thân bạn…”
Câu hỏi mở màn kinh điển này thật sự cần bị xoá bỏ, song tính tới thời điểm này thì nó vẫn là một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà bạn sẽ phải đối mặt. Tuy đã xuất hiện rất nhiều, nó vẫn có thể khiến các ứng cử viên ấp úng.
Nên:
- Trả lời ngắn gọn và xúc tích
- Trả lời cụ thể về công việc. Hãy nói với người tuyển dụng về tình hình hiện tại của bạn, bạn đã học được những gì từ những công việc trước và tại sao bạn lại thấy hào hứng vì cơ hội này.
- Nghiên cứu về công ty và tìm hiểu xem họ đang tìm kiếm những điểm mạnh và phẩm chất gì. Khi trả lời, hãy cố thể hiện sao để người tuyển dụng thấy được rằng bạn có sở hữu những phẩm chất đó (bạn có thể lên trang web của họ để tìm kiếm những điểm mạnh và phẩm chất này).
Không nên:
- Đừng bắt đầu huyên thuyên về chuyện đời tư.
- Nhà tuyển dụng sẽ không muốn nghe bạn kể mình từng sống ở đường nào và trùng hợp thay cả hai đều có một người em tên Joel đâu!
- Đừng nói về những kinh nghiệm không liên quan tới công việc bạn đang phỏng vấn.
Lời khuyên: Khi đã trả lời xong, hãy đặt ngược lại một câu hỏi cho nhà tuyển dụng để họ thấy rằng bạn đã hiểu chính xác vấn đề mà công ty muốn bạn giải quyết.
2. “Tại sao chúng tôi nên thuê bạn?”
Đây cũng là một câu hỏi rất thông thường. Nó cũng là một cơ hội để bạn nổi bật và cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể làm gì cho công ty.
Một điều bạn cần phải nhớ: trả lời một cách cụ thể.
Hãy nghiên cứu về công ty và bảng mô tả công việc để hiểu chính xác lý do tại sao họ lại đang tuyển dụng vị trí này. Nhân viên mới sẽ phải giải quyết những vấn đề/lỗ hổng gì? Bạn cần cho họ thấy rằng bạn là ứng cử viên hoàn hảo nhất để giải quyết những vấn đề/lỗ hổng đó.
Nên:
- Cho nhà tuyển dụng thấy bạn là ứng cử viên phù hợp nhất với vị trí này. Hãy trở thành người giải quyết các “vấn đề” của họ.
- Cho họ thấy bạn có kiến thức về những chi tiết quan trọng và hình thức làm việc chung của công ty vì bạn đã nghiên cứu và có chuẩn bị trước.
- Kể cho họ nghe về một “câu chuyện thành công” để nhấn mạnh rằng bạn có những ‘phẩm chất’ cần thiết để thỏa mãn những nhu cầu của họ.
Không nên:
- Đừng cảm thấy nhụt chí khi nhà tuyển dụng bảo “họ đã có nhiều ứng cử viên sáng giá” trước khi dẫn dắt vào câu hỏi này. (Đây là kiểu “dẫn dắt câu hỏi” khá thông thường)
- Đừng quá khiêm tốn. Đây là thời điểm để bạn tỏa sáng. Hãy tận dụng cơ hội mình có.
- Nhưng cũng đừng đi quá đà và tỏ ra ngạo mạn.
- Đừng quá ngại ngùng hay trả lời câu hỏi một cách mập mờ.
- Đừng trả lời câu hỏi “tại sao” bạn muốn công việc này, mà hãy trả lời câu hỏi “tại sao bạn là người hoàn hảo nhất” cho công việc này.
3. “Điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?”
Đây là một câu hỏi khá thẳng thắn. Bạn sẽ trả lời bằng một “điểm mạnh” mà bạn biết công ty rất coi trọng.
Nên:
- Nắm lấy cơ hội mà câu hỏi đã cho bạn. Câu hỏi này sẽ giúp bạn dẫn dắt buổi phỏng vấn theo ý muốn. Đây là cơ hội để bạn kể về một vụ việc thành công và ấn tượng, nên hãy biết tận dụng nó!
- Nhấn mạnh vào một điểm mạnh quan trọng tới công việc. Nghiên cứu về công ty và bảng mô tả công việc để biết công ty coi trọng những điểm mạnh gì.
Không nên:
- Đừng nói những điều bạn không thể minh hoạ bằng một ví dụ đơn giản.
- Đừng quá khiêm tốn, nhưng cũng đừng tỏ ra mình là Superman hay Superwoman.
- Đừng chọn một điểm mạnh không hề liên quan đến công việc.
4. “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”
Rất nhiều người cảm thấy sợ hãi khi bị hỏi câu hỏi kinh điển này, nhưng bạn không nên thế. Miễn sao bạn chọn một điểm yếu không quá ảnh hưởng đến công việc và thể hiện rằng mình đang cố gắng vượt qua nó thì bạn sẽ ổn thôi. Nhưng đừng cố né tránh vấn đề nhé.
Nên:
- Cho thấy bạn biết rõ điểm yếu của mình và bạn đã nỗ lực như thế nào để vượt qua chúng.
- Cho họ thấy bạn rất “cẩn trọng về bản thân” và bạn có khả năng cải thiện con người mình.
Không nên:
- TUYỆT ĐỐI không được trả lời bằng những câu như “tôi là một người cầu toàn” hay đại loại vậy. Nhà tuyển dụng sẽ biết ngay bạn đang nói dối.
- Đừng nhấn mạnh vào điểm yếu mà các nhà tuyển dụng coi là quan trọng và cần thiết trong công việc. (Hãy hiểu tất tần tật về bảng mô tả công việc).
- Đừng cố né tránh câu hỏi này.
5. “Tại sao bạn muốn làm việc cho chúng tôi?”
Nhà tuyển dụng sẽ dùng câu hỏi này để hiểu được động cơ ngầm của bạn, tại sao bạn lại muốn công việc này. Bạn ở đây chỉ vì tiền, hay bạn thật sự muốn trở thành một thành phần quan trọng của công ty và phát triển cùng họ? Bạn phải cho họ thấy rằng bạn thật sự muốn trở thành “một thành viên của gia đình”.
Bạn cũng hãy cho họ thấy “ước muốn” của bạn phù hợp với “nhu cầu” của họ như thế nào.
Nên:
- Liệt kê cụ thể những điều bạn thích về công ty. Hãy nghiên cứu trước buổi phỏng vấn và cho nhà tuyển dụng biết bạn rất háo hức để “phục vụ những nhu cầu đó”.
- Đưa ra lời khen. Hầu hết mọi người ai cũng thích được nịnh bợ. (Bạn đừng đi quá đà là được).
- Cho họ thấy các điểm mạnh của bạn rất phù hợp với công việc và văn hoá của công ty.
Không nên:
- Đừng để công ty nghĩ bạn là một nhân viên làm được vài tháng rồi nghỉ.
- Đừng trả lời bằng câu “vì tôi cần tiền”. (Bạn sẽ bất ngờ khi biết có bao nhiêu người thật sự trả lời như thế này vì họ nghĩ nó nghe “dễ thương”. Đừng làm theo nhé.)
Lời khuyên:
Nếu tìm được một điều gì đó quan trọng trong quá trình nghiên cứu về công ty, hãy đem nó vào cuộc trò chuyện bằng cách nhắc tới nó trong câu trả lời một cách tự nhiên.
Ví dụ như nếu bạn biết công ty gần đây vừa tổ chức một sự kiện hội tụ nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, hãy nhắc tới nó! Sự kiện này (hay bất cứ điều gì thú vị bạn đã tìm ra được) sẽ thể hiện được lý do tại sao bạn ngưỡng mộ công ty và muốn làm việc cho họ. Chiến thuật này sẽ khiến bạn nổi bật giữa một rừng đối thủ và giúp nhà tuyển dụng hình dung được hình ảnh của bạn trong vị trí đó.
6. “Tại sao bạn đã rời khỏi công việc trước?”
Câu hỏi này có thể khiến cho nhiều ứng cử viên tá hỏa. Nếu thật sự bị sa thải, bạn sẽ phải dũng cảm thừa nhận nó, cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã rút kinh nghiệm và đã làm gì để đối phó với những nguyên nhân khiến mình bị đuổi việc.
Còn nếu bạn tự nguyện rời đi, hãy giải thích rõ lý do tại sao. Ví dụ: bạn muốn một thử thách mới. Gợi ý: công ty và vị trí bạn đang ứng tuyển đang cho bạn chính thử thách đó .
Nên:
- Nếu bạn đã tự nguyện ra đi, hãy nhắc đến một đặc điểm bạn thấy hứng thú ở công ty bạn đang ứng cử. Đặc điểm này công ty cũ của bạn đã không có.
- Nếu bạn bị đuổi việc, hãy thành thật thừa nhận và giải thích cho nhà tuyển dụng biết bạn đã học hỏi được những gì. Vì họ biết bạn chỉ là một con người và bạn đã phạm sai lầm, họ chỉ muốn thấy bạn đã nỗ lực để vượt qua nó.
- “Cắt giảm nhân viên”, “cắt giảm ngân sách” và “lý do kinh tế” là những câu trả lời tốt chỉ khi chúng là sự thật và đúng là lý do bạn đã nghỉ việc.
Không nên:
- Đừng nói xấu công ty cũ, sếp cũ hay bất cứ ai tương tự vậy.
- Đừng trả lời bằng câu “đã tới lúc thay đổi nghề nghiệp và tôi muốn thử sức ở vị trí công ty đang đưa ra” hay “tôi thấy buồn chán khi phải làm đi làm lại mãi một thứ”. Hãy đưa ra một lý do tích cực và cụ thể cho việc thay đổi hướng đi của bạn.
- Đừng chối cãi nếu bạn bị sa thải.
7. “Thành tựu lớn nhất của bạn là gì?”
Câu hỏi này khá giống với câu “điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?”, và cách trả lời của hai câu cũng tương tự. Bạn nên chọn một thành tựu cho thấy bạn có sở hữu những phẩm chất mà công ty coi trọng và có giá trị đối với vị trí bạn đang ứng cử.
Sự thật là bạn có thể có nhiều thành tựu để chọn lựa. Hãy chọn cái sẽ gây ấn tượng nhất.
Nên:
- Chia sẻ về một thành tựu nói lên lý do tại sao bạn là người hoàn hảo cho công ty và công việc mình đang ứng cử.
- Cố thể hiện niềm đam mê chân thật khi nói về những thành tựu của mình.
Không nên:
- Đừng nghĩ thành tựu của bạn là “quá nhỏ bé”. Sự thật là một thành tựu bé nhỏ nhưng có liên quan đến “những phẩm chất mà công ty coi trọng” lại có nhiều sức mạnh hơn một thành tựu không hề liên quan tí nào. (Bạn hãy nhớ: “Tập trung không phải ở bạn, mà là ở họ.”
Lời khuyên: Nếu “sự tích thành tựu vĩ đại nhất” của bạn nhấn mạnh vào những kỹ năng sẽ hữu ích cho công việc bạn đang ứng cử, bạn nên nhấn mạnh vào chủ đề đó. Ví dụ nhé, giả sử như bạn đang kể về một câu chuyện bao quanh chủ đề “đồng đội”, bạn có thể kết thúc câu trả lời như sau: “…đó là lý do tại sao tôi rất hào hứng về khả năng được làm việc ở một môi trường đồng đội như thế này. Tôi nghĩ mình rất giỏi trong những tình huống phải hợp tác và tôi rất muốn đem kỹ năng đó đến cho công ty XYZ…”
8. “Hãy miêu tả một tình huống công việc khó khăn và điều bạn đã làm để vượt qua nó”
Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn về cách ứng xử. Chúng vô cùng phiền phức, và cũng là một trong những câu hỏi phổ biến nhất. Trong trường hợp này, bạn cần có sẵn một “câu chuyện thành công”. Hãy thuật lại một câu chuyện về một lần bạn đã giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa. Bí quyết ở đây là bạn phải chọn một câu chuyện sao cho nhà tuyển dụng thấy được bạn đang có những phẩm chất/kỹ năng công việc và công ty bạn ứng cử yêu cầu.
Nên:
- Chọn một vấn đề có thể xảy ra ở công ty bạn đang ứng cử, và phải chắc chắn bạn có thể giải quyết được nó. Điều này sẽ cho họ thấy giá trị của bạn.
- Kể một cách chính xác và vừa đủ lâu.
- Sử dụng phương pháp S.T.A.R (Situation, Task, Action, Result: Tình huống, Nhiệm vụ, Hành động, Kết quả)
Không nên:
- Đừng nói xấu ai trong câu chuyện của bạn. (Bao gồm cả đồng nghiệp, sếp hay khách hàng!)
- Đừng lảm nhảm.
Lời khuyên
Để thật sự nổi bật, hãy kể lại một câu chuyện vừa thể hiện khả năng giải quyết vấn đề có thể phát sinh trong công việc bạn đang ứng cử và cho thấy bạn cũng có những phẩm chất khác mà công ty yêu cầu – những cái này bạn đã biết trước trong bài nghiên cứu về công ty đúng không nào. Ví dụ nhé, bạn có thể kể một câu chuyện về lần bạn giải quyết vấn đề về năng suất ở công ty cũ bằng cách thể hiện sự lãnh đạo và khả năng xử lý xung đột giữa các đồng nghiệp. (Nói ngắn gọn thì bạn đang kết hợp nhiều tố chất họ đang tìm kiếm vào cùng một câu trả lời.)
9. “Bạn thấy tương lai 5 năm sau của mình sẽ như thế nào?”
Câu hỏi này có thể khiến các ứng cử viên mất cảnh giác. Vì ở bên ngoài nó có vẻ như là một câu hỏi đơn giản, nhưng khi đào sâu vào trong, bạn sẽ nhận ra rằng mình sắp có thể rơi vào cạm bẫy.
Bạn MUỐN thể hiện bản thân là một người đầy tham vọng, NHƯNG bạn cũng phải cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không phải dạng người mơ mộng và bạn luôn tập trung vào công việc.
Nên:
- Giải thích thêm về câu trả lời của mình khi được hỏi về mức độ cam kết của bạn với công việc bạn đang ứng cử.
- Sau đó hãy lập ra một chiến lược phát triển thực tế. Chiến lược đó phải có kết nối trực tiếp với vai trò của bạn và các nhu cầu cũng như giá trị của công ty.
- Nhấn mạnh rằng bạn muốn có một sự nghiệp lâu dài ở công ty.
Không nên:
- Đừng tỏ ra quá tham vọng, như kiểu công việc này đơn giản chỉ là “một bước đệm” cho bạn mà thôi. Bạn cần phải thể hiện sự cam kết.
- Đừng nói rằng bạn muốn trở thành CEO của công ty sau 5 năm.
- Đặc biệt đừng nói với nhà tuyển dụng rằng “Thật ra thì tôi muốn được ngồi ở vị trí của anh/chị sau 5 năm nữa.”
10. “Bạn có câu hỏi nào cho tôi không?”
75% ứng cử viên sẽ trả lời câu hỏi này như sau “Không, tôi nghĩ vậy là đủ rồi”.
Đây là một câu trả lời tồi tệ.
Câu hỏi này cho bạn một cơ hội tuyệt vời để khiến bản thân trở nên nổi bật và thể hiện kiến thức cũng như sự đam mê tới công ty hay tổ chức bạn đang ứng cử. Luôn chuẩn bị sẵn một vài câu hỏi, và dựa trên một điều gì đó bạn đã khám phá được trong quá trình nghiên cứu công ty, hãy đặt riêng ra một câu hỏi về chủ đề này.
Nên:
- Tập trung vào những câu hỏi về công ty và liệu bạn có thể làm gì cho họ.
- Hỏi về một điều gì đó bạn khám phá được trong quá trình nghiên cứu về công ty. Điều này sẽ cho họ thấy sự đam mê và kiến thức về công ty của bạn.
- Hỏi xem liệu có lý do nào để nhà tuyển dụng không có ý định thuê bạn không. (Câu hỏi này có hơi đáng sợ, NHƯNG lại rất có lợi. Nó sẽ giúp bạn hiểu được khúc mắc mà nhà tuyển dụng đang suy nghĩ trong đầu nhưng chưa nói ra.)
Không nên:
- Đừng bao giờ nói “Không, tôi nghĩ vậy là đủ rồi”. Nên luôn có sẵn câu hỏi để hỏi!
- Các câu hỏi không nên tập trung vào bản thân.
- Đừng hỏi những câu bạn có thể tìm ra câu trả lời một cách dễ dàng.
- Đừng hỏi về thời gian nghỉ và những quyền lợi từ công ty.
- Đừng hỏi liệu bạn phải chờ bao lâu để bắt đầu nộp đơn cho các vị trí khác trong công ty.
Lời khuyên: Tuy các nhà tuyển dụng hay đặt ra câu hỏi này vào lúc kết thúc buổi phỏng vấn, nhưng trước đó bạn vẫn có thể tự đặt ra câu hỏi này. Thật ra thì đặt ra nhiều câu hỏi xuyên suốt từ đầu tới cuối là cách tốt nhất để biến một buổi phỏng vấn từ “buổi chất vấn” thành “một cuộc trò chuyện giữa các đồng nghiệp”. Việc này sẽ khiến người phỏng vấn nhìn nhận bạn như một đồng đội và giúp bạn bớt run (đó là nếu bạn thật sự có hơi lo lắng).
Điều quan trọng bạn cần nhớ là khi trả lời bất cứ câu hỏi phỏng vấn nào, bạn phải tập trung vào nhu cầu của công ty thay vì của bản thân mình. Mọi buổi phỏng vấn xin việc và mọi câu trả lời của bạn nên được “thiết kế độc đáo” để phù hợp với công ty bạn đang ứng cử.