Hơn một năm sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), 11 thành viên còn lại của TPP tự định đoạt lấy tương lai, khai sinh một hiệp định mới là CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) được ký kết vào ngày 8-3-2018 tại Chilê.
CPTPP được xem là phiên bản mới của TPP với một vài thay đổi được cho là “ít mang tính ràng buộc” hơn so với dự án ban đầu. Các nền kinh tế tham gia phiên bản mới của TPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chilê, Mexico, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Tương tự như TPP trước kia, CPTPP cũng dựa trên nguyên tắc cơ bản là xóa bỏ các hàng rào quan thuế, tự do hóa các luồng giao thương, tư bản và dịch vụ…
Tháng 1-2017 khi Hoa Kỳ tuyên bố rút lui khỏi TPP, 11 thành viên còn lại trong vành đai Thái Bình Dương tiếp tục theo đuổi mục đích đạt đến một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn nhất thế giới.
Thiếu Mỹ, GDP của 11 quốc gia kể trên cộng lại chỉ bằng 13,4% tổng sản lượng toàn cầu so với 27% nếu có Mỹ tham gia. Dù vậy, cùng với New Zealand, hai trong số tám nền công nghiệp phát triển nhất trên thế giới là Nhật Bản và Canada đã đóng vai trò chủ chốt để hiệp định CPTPP được ra đời.
Các bên đã phải vượt qua nhiều bất đồng để hoàn tất và công bố CPTPP, qua đó đã quyết định “tạm đình chỉ” hơn 20 điều khoản chủ yếu do Mỹ áp đặt trước đây, bị cho là mang tính ràng buộc quá đáng trong một số lĩnh vực như dược phẩm, quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, hay chế độ cung ứng cho khu vực nhà nước.
Những vấn đề tồn tại đã được xử lý trước khi 11 nước ký kết bao gồm nội dung liên quan đến lao động của Việt Nam, bảo lưu về văn hóa của Canada, bảo lưu về cơ chế dành cho Tập đoàn Petronas của Malaysia.
Trong bản thông báo phiên bản mới TPP-11 hôm 21-2-2018 tại Wellington, thủ đô New Zealand, các bên đã nhấn mạnh đến những lợi thế một khi CPTPP có hiệu lực – trễ nhất là vào giữa năm 2019 sau khi được Quốc hội các nước thành viên thông qua.
Bộ Thương mại New Zealand dự báo CPTPP mở ra thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng cho một quốc gia với vỏn vẹn 4,7 triệu dân như New Zealand, và vào trung hạn, khu vực xuất khẩu của New Zealand hằng năm thu về thêm hơn 220 triệu USD nhờ các hàng rào quan thuế được bãi bỏ với 10 đối tác trong khu vực Thái Bình Dương.
Trong khi đó, ông Lim Hng Kiang, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore quả quyết “các doanh nghiệp Singapore hưởng lợi nhiều” nhờ hiệp định này. Úc và Canada đặt trọng tâm vào vế tạo thêm công việc làm cho công dân hai nước.
Về phía Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 4% khi CPTPP có hiệu lực. Ngoài lợi ích trước mắt là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Úc hay Canada, Việt Nam tin rằng hiệp định CPTPP sẽ là động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh cải tổ, tăng khả năng cạnh tranh của cỗ máy sản xuất và xuất khẩu trong nước.
Theo phân tích của chuyên gia về chiến lược Barthélemy Courmont – Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS, Hiệp định CPTPP là lời cảnh cáo của 11 nền kinh tế trong vùng Thái Bình Dương nhắm tới cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc: Nhật Bản xem CPTPP là một lá chắn làm đối trọng với sức mạnh cả về mặt kinh tế lẫn thương mại của Trung Quốc ở châu Á. Việt Nam chia sẻ quan điểm này. Úc và New Zealand thì quyết tâm tăng cường trao đổi mậu dịch với các đối tác châu Á, đồng thời tránh để bị quá lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Vẫn theo ông Courmont, CPTPP là một dấu hiệu cho thấy sự thất bại của Mỹ trên bàn cờ thương mại và quan hệ quốc tế.
Theo hãng tin Kyodo, ngày 28-2 Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong một báo cáo thường niên, nêu rõ ông Trump “đã cho thấy sự sẵn sàng cam kết với các nước thành viên CPTPP khác, dù là với từng nước hay tất cả, về các điều khoản sẽ dẫn tới những kết quả cải thiện đáng kể thị trường. Trong năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục những nỗ lực xây dựng các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn và công bằng hơn với Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, New Zealand và Brunei”.
Tuy nhiên, báo cáo không đề cập đến gợi ý của ông Trump trong những tuần gần đây rằng Washington có thể tái tham gia CPTPP nếu có một thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ.