IESE là phân khoa thương mại của Trường Đại học Navarra, Tây Ban Nha, nổi tiếng là một trong những trường thương mại tốt nhất châu Âu. Mới đây, trường này đã tiến hành một cuộc khảo sát 181 thành phố trên thế giới và công bố danh sách các thành phố được xếp hạng về chỉ số thông minh, theo đó 10 thành phố thông minh nhất, xếp theo thứ tự từ 1 đến 10 gồm: New York (Mỹ); London (Anh); Paris (Pháp); San Francisco (Mỹ); Boston (Mỹ); Amsterdam (Hà Lan); Chicago (Mỹ); Seoul (Hàn Quốc); Geneva (Thụy Sĩ), và Sydney (Úc).
Trong Top 10 thành phố thông minh nhất thế giới, Mỹ chiếm đến bốn; Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Úc, mỗi nước có một thành phố tiêu biểu. Seoul của Hàn Quốc là thành phố duy nhất của châu Á lọt vào tầm ngắm của IESE. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản năm trước được xếp hạng 1, nay lọt khỏi Top 10, rơi vào thứ hạng 12. Riêng thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc xếp hạng 92. Trong những nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Singapore được xếp hạng 22, Bangkok (Thái Lan) hạng 84, Kuala Lumpur (Malaysia) hạng 88; Manila (Philippines) hạng 145; TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) hạng 158 và Jakarta (Indonesia) hạng 170. Sự đánh giá của IESE dựa vào 10 yếu tố khác nhau, trong đó có: nền kinh tế, công nghệ, vốn con người, sự cố kết xã hội, môi trường, vận chuyển, quy hoạch đô thị, quản trị công cộng… Họ cũng nhận thấy rằng nhiều thành phố đã đối đầu với những thử thách nghiêm trọng như khủng hoảng kinh tế, sự phân hóa xã hội và những hệ quả về môi trường. Bên cạnh đó, các thành phố thông minh tạo được cơ hội hợp tác giữa các khu vực công và tư, từ đó có thể phát triển mối quan hệ tốt đẹp, kết nối các thành viên trong cộng đồng, các định chế và tổ chức khác nhau, các trường đại học, các chuyên gia, các trung tâm nghiên cứu…
Thành phố Manila của Philippines là một trường hợp khảo sát khá đặc biệt. Nó được xếp hạng khá thấp: 145 trong tổng số 181 thành phố được khảo sát, trong khi nó đóng góp trên 30% tổng GDP cả nước. Yếu tố này vẫn không giúp Manila được nâng lên mức trung bình do tại đây không có những trung tâm công nghệ quan trọng, không có một giai tầng lao động có sáng kiến, không có những nhà tư bản mạnh dạn đầu tư cho phát triển… Mặt khác, rác thải và ô nhiễm môi trường cũng góp phần kéo Manila xuống dưới mức trung bình, trở thành một điển hình về sự mâu thuẫn giữa tăng trưởng GDP với các yếu tố khác trong phát triển kinh tế và xã hội.
Lê Cẩn theo IPS, Manila Times (DNSGCT)