Với ý nghĩa tích cực liên quan đến văn hóa và chính trị, từ “youthquake” đã được cuốn từ điển tiếng Anh uy tín hàng đầu thế giới Oxford bình chọn là “Từ của năm 2017”.
“Youthquake” được định nghĩa là “một sự thay đổi văn hóa, chính trị hoặc xã hội nổi bật, phát sinh từ những hành động hoặc sự ảnh hưởng của giới trẻ”.
Từ này được sử dụng rất nhiều trong cuộc tổng tuyển cử tại Anh hồi tháng 6 vừa qua, thời điểm chứng kiến lượng cử tri trẻ tuổi ở quốc đảo Sương mù đi bỏ phiếu tăng đột biến. Tiếp đó, “youthquake” trở nên phổ biến vào khoảng thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại New Zealand hồi tháng 9, khi xuất hiện làn sóng cử tri trẻ tích cực vận động để ủng hộ các đảng họ ưa thích.
Chủ tịch từ điển Oxford Casper Grathwohl cho biết đã lựa chọn “youthquake” là “Từ của năm” dựa trên những bằng chứng và tầm quan trọng ngôn ngữ. Ông Grathwohl cũng nhấn mạnh đối với ông, lý do quan trọng nhất là vào thời điểm khi xuất hiện nhiều từ mới mang màu sắc không mấy tươi sáng, phản ánh những băn khoăn sâu sắc cùng tâm lý lo âu mệt mỏi của con người, “youthquake” lại là từ vựng chính trị hiếm hoi mang âm hưởng tích cực và bao hàm cả sự hy vọng.
Casper Grathwohl chia sẻ thêm, “youthquake” không chỉ phản ánh những đặc điểm, tình hình, những cảm xúc và ưu tư trong năm 2017, mà còn có “tiềm năng lâu dài được sử dụng như một từ vựng mang ý nghĩa văn hóa”.
“Youthquake” được lựa chọn từ danh sách 10 từ nổi bật, trong đó có “antifa,” từ rút gọn của “anti-facist” (chống phát xít) đã biến đổi qua thời gian và trở thành một danh từ riêng chỉ một phong trào chính trị; hay “kompromat” có nghĩa thu thập thông tin thỏa hiệp để tống tiền, điển hình cho các mục đích chính trị.
Theo thông tin từ Independent, từ “youthquake” từng được biên tập viên Viana Vreeland của tạp chí Vogue sử dụng vào những năm 1960 để miêu tả một phong trào trẻ trung trong thế giới thời trang và âm nhạc.
Sau đó, “youthquake” là tiêu đề album thứ 2 của nhóm nhạc pop Anh Dead or Alive, được phát hành vào tháng 5-1985.
Nhưng đặc biệt nhất là giới trẻ Anh sử dụng từ này lên tới đỉnh điểm vào cuộc bầu cử tháng 6-2017.
Ngoài ra danh sách này còn bao gồm từ “milkshake duck,” thuật ngữ chỉ người hoặc vật mang lại cảm hứng tích cực ban đầu trên mạng xã hội nhưng sau đó sớm bị vạch trần có quá khứ tiêu cực.