Chưa đầy ba mươi tuổi, Ngô Thùy Ngọc Tú đã có “số vốn” kha khá về kinh nghiệm khởi nghiệp. Cô là người đồng sáng lập của YOLA – một tổ chức dạy ngoại ngữ, huấn luyện kỹ năng cho các bài thi chuẩn hóa dành cho người Việt.
Tú cũng là người đồng sáng lập phần mềm ELSA – một dự án được thiết kế nhằm giúp luyện phát âm tiếng Anh chuẩn với khả năng nhận diện và phân tích giọng nói cải tiến.
Cô gái có nội lực mạnh mẽ bên trong một vẻ bề ngoài giản dị này đang là một trong 30 người có ảnh hưởng tích cực đối với giới trẻ hiện nay do tạp chí Forbes bình chọn năm 2015.
Du học không chỉ để có một bằng cấp danh giá
Từ thời phổ thông, Ngô Thùy Ngọc Tú đã chứng minh nguồn nội lực của mình với thành tích luôn nằm trong top đầu của lớp chuyên Pháp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đồng thời là chủ biên tạp chí bằng tiếng Pháp đầu tiên của trường.
Ước mơ du học của Tú được nuôi dưỡng qua những lời kể của thầy cô nước ngoài cùng trí tưởng tượng phong phú của cô. Tuy nhiên, cũng như bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình “thường thường bậc trung” khác, Tú cảm thấy ước mơ du học rất xa vời vì không có đủ chi phí học tập ở nước ngoài.
Dù vậy, với bản lĩnh “không điều gì là không thể”, cô gái nhỏ quyết tâm hiện thực hóa ước mơ du học bằng cách “săn” học bổng.
Không ít lần đơn xin học bổng bị từ chối nhưng Tú vẫn không nản chí. Cô luôn kiên định trên con đường thực hiện ước mơ học hỏi của mình một cách có “chiến lược” hơn.
Cuối cùng, Tú đã trở thành một trong số ít học sinh Việt Nam giành được học bổng ngành Chính sách công của Trường ĐH Stanford danh giá.
“Tôi còn nhớ, lúc nhận được email báo tin đậu vào Đại học Stanford, tôi phải đọc đi đọc lại vài lần để chắc chắn không bị nhầm. Tôi vui đến lặng người đi. Ba tôi cũng không nói gì nhiều, nhưng tôi thấy được niềm vui qua ánh mắt và nụ cười của ông”, Tú nhớ lại.
Ngọc Tú cho biết, được đi du học là một cơ hội làm thay đổi cuộc đời cô. Từ Stanford, Tú đã trưởng thành rất nhiều. Bài học đầu tiên trong lớp, cô được học về ý nghĩa của cuộc sống và cái chết.
Cũng như những học sinh với đôi mắt ngây thơ khác, Tú được vị giáo sư mở ra những cách nhìn khác nhau của cuộc sống, để có thể trả lời cho những câu hỏi như: Làm sao để có cuộc sống trọn vẹn? Vì sao một số người lại có cái nhìn thanh thản hơn về cuộc sống vô thường?…
Kiến thức Tú học được từ các lớp học về kinh tế, tâm lý, cách đưa ra các quyết định một cách khoa học, cách phân tích dữ liệu để đưa ra các hoạch định chính sách có cơ sở đều giúp cô xây dựng nền tảng tư duy của mình từng ngày.
“Nhưng điều tôi vô cùng tâm đắc nhất và cảm kích môi trường giáo dục của Stanford là một môi trường truyền rất nhiều cảm hứng và niềm tin cho những người trẻ chúng tôi, để có thể tạo ra các tác động lớn tích cực cho xã hội.
Các lớp học xây dựng sản phẩm công nghệ cho các nước đang phát triển, các chương trình giúp sinh viên xây dựng nhiều kỹ năng quan trọng như: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng kêu gọi hỗ trợ, kỹ năng khuyến khích đầu tư…
Và trong môi trường này, từ bạn bè đến người hướng dẫn ở đa lĩnh vực đều có chung một hoài bão, đó là tạo ra những tác động tích cực đối với cộng đồng và thế giới”, Tú cho biết.
Phát triển giáo dục để thay đổi thế giới
Theo Tú, thời điểm năm 2005, cô quyết tâm du học là để tiếp cận với thế giới. Nhưng ở thời đại internet và di động phủ khắp như hiện nay, học sinh Việt Nam có thể chạm đến những kiến thức, tinh hoa thế giới một cách dễ dàng hơn.
Thay vì phải học ở nước ngoài với chi phí 50.000-60.000 USD/năm, các bạn trẻ có thể học những khóa online được giảng dạy bởi các giáo sư đến từ Stanford, Harvard, Yale với mức phí chưa đến 500 USD/khóa. Điều quan trọng là các bạn trẻ sẽ tận dụng kiến thức để xây dựng những sản phẩm, dự án như thế nào.
Theo nữ thủ lĩnh của YOLA, một sinh viên học ở Việt Nam hiện nay muốn tiếp cận cơ hội trở thành “công dân toàn cầu” thì cần phải có khả năng về tiếng Anh để tiếp cận nguồn kiến thức, thông tin trên internet.
Các bạn cũng cần kiên định trong hành trình xây dựng kỹ năng của mình, không vội vàng và không tự mãn quá sớm để không ngừng học hỏi.
Ngoài ra, những yếu tố không thể thiếu là tư duy về cách học, cách kết nối, xây dựng network, tư duy về cách sáng tạo, làm việc nhóm và đặc biệt là sự tự tin chính bản thân mình có thể vượt qua những rào cản, định kiến cố hữu.
“Cuộc sống không thay đổi theo sự biến đổi của các cơ hội xung quanh chúng ta. Chỉ khi chúng ta có những kỹ năng, tư duy để nắm bắt cơ hội, tạo ra cơ hội đồng thời có niềm tin về cuộc sống để dám ước mơ, dám hy vọng, không ngại thử thách thì chúng ta sẽ thay đổi cuộc đời. Và hơn hết, giáo dục là một thành tố vô cùng quan trọng để thay đổi cuộc sống”, Tú cho biết.
Chính vì vậy, khi trở về từ Stanford, Tú quyết định cùng vài người bạn khởi nghiệp với một mô hình giáo dục du học. Quyết định bất ngờ của Tú khiến bạn bè ngạc nhiên lẫn nghi ngại: “Tú có đang bỏ phí tấm bằng đại học của mình không?”.
Tú chia sẻ: “Tôi hoàn toàn không bỏ phí tấm bằng đại học, dù không làm đúng chuyên ngành đã học, nhưng tấm bằng đó là điểm tựa để tôi tự tin bước đi. Và một may mắn khác nữa là tôi không bị áp lực về kinh tế. Cũng như anh Mark Zuckerberg từng chia sẻ về những may mắn của anh trong quyết định khởi nghiệp, anh đã có thể không làm như vậy nếu anh vẫn phải có những gánh nặng kinh tế”.
Với những may mắn đó, Tú cảm thấy mình phải làm tròn nhiệm vụ đối với cộng đồng khởi nghiệp cũng như với giới trẻ Việt Nam, đó là giúp các bạn trang bị những kỹ năng, công cụ, và cách tư duy nền tảng nhất, xa hơn là những hỗ trợ tài chính, để giúp các bạn không khởi nghiệp chỉ dựa trên những ước mơ mà có những tư duy điểm tựa giúp bạn vượt qua những thử thách, thực hiện ước mơ. YOLA đã ra đời với ý nghĩa đó.
Sứ mệnh của YOLA là trở thành một hình mẫu giáo dục tiên phong ở Việt Nam, với trọng tâm thay đổi cuộc sống và lan tỏa mô hình này đến các “ngõ ngách” của Việt Nam, thậm chí cả châu Á.
“Nghe có vẻ trừu tượng nhưng chúng tôi áp dụng triết lý đó trong cách xây dựng các chính sách trong việc đào tạo, kiểm soát chất lượng giáo viên, xây dựng các hệ thống giáo trình, giáo án. Chúng tôi áp dụng công nghệ để giúp học sinh, giáo viên và phụ huynh có một kết nối mật thiết, theo dõi quá trình và lộ trình học của học sinh và từ đó hỗ trợ các em đúng lúc”, Ngọc Tú nói.
Về các giá trị, YOLA theo đuổi sự hoàn hảo trong các chương trình học, không chỉ hài lòng với các lớp học mang tính xây dựng “Higher order thinking” – kỹ năng suy nghĩ sâu sắc qua các buổi học ngôn ngữ, mà chương trình học còn bao gồm các trại hè phát triển kỹ năng mềm cho các em học sinh cùng các buổi sinh hoạt truyền cảm hứng từ những anh chị đi trước.
“Ở tận cốt lõi của YOLA, chúng tôi tin vào tiềm năng của mỗi em học sinh. Chúng tôi xây dựng kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng tư duy nền tảng, và từ đó các em sẽ trở thành những họa sĩ thỏa sức sáng tạo trên những tờ giấy trắng về cuộc sống và ước mơ của mình.
Hơn hết cả, YOLA là một tổ chức con người đào tạo con người. Do đó, chúng tôi đầu tư vào chính đội ngũ hơn 200 thành viên, giúp các bạn phát triển tối đa tiềm năng qua các chính sách đào tạo và phát triển nhân tài.
Lúc tôi bắt đầu YOLA, niềm đam mê giúp tôi thức dậy. Sau nhiều năm với YOLA, cảm hứng và chia sẻ các thành công với đội ngũ giúp tôi có thể ngủ ngon mỗi tối. Với YOLA, tôi biết mình đang được sống trong ước mơ xây dựng thế hệ tương lai của Việt Nam”, nữ doanh nhân trẻ cho biết.