Từ một người luyện tập yoga để chữa bệnh, chị Sridevi Tố Hải đã trở thành huấn luyện viên yoga và thiền ở nhiều trung tâm tại Ấn Độ, Thái Lan, Hongkong và Singapore. Ngoài sở hữu hơn mười trung tâm yoga và thiền trong nước, chị còn thành lập hai học viện yoga ở Ấn Độ để đưa huấn luyện viên người Việt sang đây giảng dạy.Trở về sau chuyến giảng huấn thành công cho hơn 500 người của Tập đoàn sản xuất và cung cấp sợi J.Korin (Ấn Độ), chị đã có buổi trò chuyện về lợi ích của yoga và thiền đối với sức khỏe và tinh thần của mọi người. Chị cho biết:
Ngày bé tôi rất thường hay bị viêm phổi và sốt vặt. Trong một lần tôi bị sốt cao và tiêm thuốc kháng sinh đã để lại di chứng teo cơ Delta, khi đó hai vai và tay tôi khó khép vào thân như người bình thường, sinh hoạt bất tiện và dáng đi cũng trở nên bất thường.
Khi lớn lên, tôi ý thức được về tầm quan trọng của ngoại hình nên đã tìm nhiều phương pháp tập thể dục thẩm mỹ để khắc phục nhưng không hiệu quả. Thật may, yoga đã giúp cho tình trạng của tôi từng bước được khắc phục. Mỗi ngày tập luyện đối với tôi đều khó hơn mọi người, những động tác liên quan đến tay và vai rất khó thực hiện. Có những bài tập tôi phải dùng đến dây hỗ trợ. Nhiều lúc tôi cảm thấy cơ thể đau rã rời nhưng những dấu hiệu tiến triển trong quá trình luyện tập đã cho tôi thêm động lực, từ đó tôi tự ý thức phải nỗ lực nhiều hơn. Mẹ tôi là người luôn tích cực hỗ trợ con gái luyện tập những động tác chuyển động cơ khớp khó khăn. Sự động viên của mẹ càng giúp tôi thêm quyết tâm và theo đuổi bộ môn yoga.
Từ việc luyện tập để cải thiện sức khỏe, chị đi đến quyết định theo đuổi nghề huấn luyện yoga và thiền như thế nào?
Tôi nhận thấy mặt trái của cuộc sống công nghiệp, hiện đại, đã tác động tiêu cực lên hầu hết mọi người, khiến chúng ta căng thẳng và mệt mỏi thường xuyên, đặc biệt là ở các khu đô thị đông đúc. Chúng ta luôn tìm kiếm một giải pháp để thay đổi bản thân, nhất là khi gặp thất bại trong cuộc sống. Tôi cũng đã có những lúc như vậy. Sau khi luyện tập yoga và thiền, tôi nhận ra sự thay đổi và trưởng thành của mình cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi quyết định theo đuổi nghề huấn luyện để có thể giúp mọi người tìm cách khắc phục các vấn đề của cuộc sống. Yoga và thiền là một lối sống mà tất cả chúng ta nên theo đuổi.
Đâu là những lợi ích của yoga và thiền, nhất là đối với doanh nhân?
Yoga và thiền cho chúng ta sức khỏe, niềm vui, sự hăng say trong công việc và sự cân bằng trong các mối quan hệ. Bộ môn này là giải pháp giúp cân bằng cơ thể, tâm trí và tinh thần nên những người luyện tập nhiều năm như tôi luôn cảm thấy vui vẻ, sảng khoái, thêm yêu đời và yêu công việc.
Thiền và yoga không chỉ giúp giải quyết các bệnh mà doanh nhân hay gặp như huyết áp, đau bao tử, mất ngủ mà còn giúp họ giải tỏa căng thẳng đầu óc, làm việc tập trung, giữ được sự bình tĩnh, sự quyết đoán để có những giải pháp sáng suốt hơn trong công việc.
Tuy nhiên, yoga và thiền nếu luyện tập không đúng kỹ thuật thì rất nguy hiểm, dễ xảy ra chấn thương, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Hơi thở rất quan trọng trong luyện tập yoga, người không chú ý luyện thở đúng thì cơ thể dễ bị mệt mỏi và lâu tiến bộ. Thiền lãnh đạo rất có lợi cho doanh nhân, nhưng cũng cần chú ý lựa chọn những huấn luyện viên chuyên nghiệp để có thể tập đúng.
Thuật Lãnh đạo thiền cần thiết cho doanh nhân ra sao?
Từ khi biết thiền, cuộc sống của tôi thay đổi rất nhiều. Tôi cũng ứng dụng được ưu điểm cân bằng, thức tỉnh của thiền vào công tác lãnh đạo doanh nghiệp. Cách đây năm năm, tôi đã có cơ duyên biết đến Tiến sĩ Ginny Whitelaw, là một trong số ít người trên thế giới đã nghiên cứu về Lãnh đạo thiền.Cô Ginny là một bậc thiền sư tiếng tăm, từng làm việc cho NASA (Mỹ) và thành lập Học viện Zenleadership ở Mỹ. Tôi quyết định lên đường sang tìm học ở các chương trình của cô trước khi bắt đầu viết về chương trình Lãnh đạo thiền cho các trung tâm của mình.
Trong suốt thời gian học cùng Tiến sĩ Ginny Whitelaw, tôi đã chia sẻ về tâm nguyện mang thiền đến với nhiều người, nhất là giới doanh nhân, lãnh đạo ở Việt Nam để giúp họ có cuộc sống bình an và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Cô ấy đã đồng ý cho tôi mang chương trình Thuật Lãnh đạo thiền của cô cùng với quyển sách The Zen Leader về Việt Nam. Tôi tự hào trở thành truyền nhân duy nhất của Tiến sĩ Ginny cho đến thời điểm này. Tháng 7 năm ngoái, Tiến sĩ Ginny đã về Việt Nam để cùng tôi chính thức ra mắt chương trình này. Chúng tôi đã dạy Lãnh đạo thiền cho hơn 500 doanh nhân tại hội thảo chung. Chúng tôi cũng dạy các chương trình chuyên sâu cho các khách hàng lớn như Vietcombank và Vingroup, mang lại phương thức mới cho lãnh đạo Việt Nam.
Tháng 7 năm nay, Tiến sĩ Ginny Whitelaw sẽ trở lại Việt Nam để dạy các chương trình chuyên sâu hơn qua các lớp đào tạo nửa ngày, một ngày và hai ngày tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hy vọng qua chương trình này, doanh nhân Việt Nam sẽ có cơ hội kết nối và nâng tầm giá trị để tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Doanh nhân và nhân viên văn phòng có phải là đối tượng đến tập ở trung tâm của chị nhiều nhất?
Trung tâm yoga và thiền của tôi không phải chỉ là nơi để mọi người đến luyện tập mà còn là nơi mọi người đến sinh hoạt như những lớp thiền cho cộng đồng vào buổi sáng cùng những chương trình, sự kiện dành cho mọi người thuộc đủ các ngành nghề, lứa tuổi. Tuy nhiên, tôi đặc biệt quan tâm đến những người có vấn đề về cơ thể cần phục hồi tự nhiên không dùng thuốc, các bạn trẻ đang trong giai đoạn phát triển cần những kỹ năng cho giai đoạn học tập và trưởng thành và những người thực sự có nhu cầu thay đổi bản thân.
Liệu một người có thể vừa làm việc văn phòng vừa làm huấn luyện viên yoga không?
Hoàn toàn có thể.Đa số nhân viên của tôi đều vừa làm việc văn phòng vừa là huấn luyện viên yoga. Tôi thấy những người vừa đi làm vừa dạy yoga hầu như đều làm tốt cả hai công việc cùng một lúc. Họ luôn có tinh thần tích cực, triết lý sống đúng đắn lại còn giảm thiểu các bệnh văn phòng.
Chúng ta chỉ cần tham gia một khóa học 200 giờ (bốn tháng) là đã có thể trở thành huấn luyện viên yoga, nhưng để trở thành một giáo viên giỏi thì cần thời gian vừa tự rèn luyện vừa giảng dạy lâu dài mà điều quan trọng là phải có một cộng đồng luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho người tập.
Tại sao chị lại muốn phát triển huấn luyện yoga thành nghề quốc tế cho người Việt?
Vì người Việt có đầy đủ các yếu tố cần thiết cho công việc này như: sự dẻo dai, cần mẫn, khéo léo và tinh thần ham học hỏi. Không ít người giỏi khi xuất khẩu lao động ra nước ngoài phải làm những công việc không phù hợp với chuyên môn và năng lực, trong khi yoga đang là một nhu cầu lớn và hoàn toàn có thể phát triển ở nước ngoài nhưẤn Độ, Thái Lan, Singapore, Hongkong, Nhật Bản, Australia, Qatar, Dubai, Mỹ… Hơn nữa, huấn luyện yoga và thiền là một “nghề sạch”, đưa con người trở về với tự nhiên, biết yêu quý và cảm nhận thiên nhiên, giúp con người sống có tâm, sống thật với chính mình, làm những điều theo đúng đạo lý, nhờ đó mà chúng ta bình an và hạnh phúc để chia sẻ giá trị đến cộng đồng.