Với nhiều nghệ sĩ, chỉ cần được biểu diễn tại một sân khấu nổi tiếng thôi đã là niềm mơ ước, dấu hiệu chứng tỏ sự thành công, đẳng cấp của mình. Một đêm diễn bán sạch vé ở Royal Albert Hall, ở Madison Square Garden hay sân O2 có thể là giấc mơ của giới biểu diễn nhưng có một nghệ sĩ luôn vươn mình ra khỏi những giới hạn quen thuộc đó.
Đầu tháng 6-2016, Yanni vừa có một đĩa nhạc “mới,” ghi lại phần biểu diễn ở Ai Cập từ cuối năm 2015. Diễn tại các địa điểm lịch sử là một truyền thống của Yanni: Taj Mahal ở Ấn Độ, Tử Cấm Thành ở Trung Quốc, điện Kremlin ở Nga đều đã ghi dấu của ông. Các kim tự tháp Ai Cập và tượng Nhân Sư ở Giza chính là điểm đến gần nhất.
Yanni là cái tên rất quen thuộc tại Việt Nam. Dù có thể không biết đến tên ông nhưng các bản nhạc như One’s Man Dream, Key to Imagination dễ dàng được nghe ở nhiều nơi, tuy không phổ biến bằng Kenny G. Yanni giống như Paul Mauriat thời thập niên 80, khi các bản nhạc Love is Blue, El Bimbo được sử dụng tràn ngập trên truyền hình.
Có thể nói Yanni đang là bá chủ của dòng nhạc New Age. Ông giữ kỷ lục có nhiều album đầu bảng xếp hạng New Age nhất của tạp chí Billboard, với lượng đĩa bán ra tổng cộng hơn 25 triệu bản. Yanni đã biểu diễn ở tất cả các châu lục, trừ châu Nam cực. Thể loại New Age của ông không phân biệt ngôn ngữ, tuổi tác, màu da, văn hóa nên diễn ở đâu cũng thu hút được lượng người xem nhất định.
Mốc đột phá trong sự nghiệp của Yanni chính là buổi diễn tại thành cổ Acropolis ở quê nhà Hy Lạp. Diễn ra vào tháng 9-1993, đây là album live đầu tiên của Yanni và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt: hạng nhất Top Billboard New Age và lọt được cả vào Top 5 bảng xếp hạng đầy cạnh tranh cho tất cả các thể loại là Billboard 200. Phần ghi hình buổi diễn cũng được phát hành và nằm trong danh sách Top Music Video của Billboard đến 229 tuần lễ! Không ít người Việt cũng đã biết đến Yanni qua buổi diễn này với phần video được chiếu thường xuyên tại các quán cà phê trước đây hoặc cả ở các cửa hàng điện máy, chiếu để phô trương phần hình ảnh âm thanh của các thiết bị.
Di tích cuối cùng còn lại trong bảy kỳ quan thế giới đã được Yanni chinh phục nhưng đương nhiên không dễ dàng gì. Hai buổi diễn của Yanni được thực hiện vào hai đêm 30 và 31-10-2015 thì giữa hai buổi diễn, sáng 31-10, xảy ra vụ rơi máy bay Nga khiến 224 người chết và sau đó được xác nhận do khủng bố. Sau các cuộc khủng hoảng gần đây ở Ai Cập, buổi diễn đã được thực hiện với những biện pháp kiểm tra an ninh được xiết chặt, có đến ba ngàn nhân viên an ninh được triển khai. Buổi diễn đã được ghi hình lại ở chuẩn cao nhất hiện giờ, độ phân giải 4K để phát hành thành DVD và đĩa Blu-ray.
Quyền lực mềm của Yanni được thể hiện ở “level” tầm cỡ toàn cầu. Ở đoạn cuối của đĩa 1, sau khi diễn bài Santorini quen thuộc, Yanni đã kể về những người bạn là các phi hành gia và chiếu một đoạn clip ghi lại lời chào từ phi hành gia Scott Kelly, trưởng trạm không gian quốc tế (ISS) đang bay trong không gian: “Chào Yanni, Ai Cập và thế giới. Tôi thường bay qua các kim tự tháp, sông Nile và Cairo để thấy được những ánh sáng lấp lánh từ đây. Mất đi những biên giới chính trị mà chúng ta thường thấy trên bản đồ, từ không gian, trái đất hiện ra và cho thấy rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu chung nhất, tỏa ra hòa bình và hy vọng”.
Tuy nhiên, bản CD của buổi diễn có đến ba track dành cho việc trò chuyện của Yanni nên hơi dài dòng khi nghe đĩa. Các phần trò chuyện này sẽ thú vị hơn nhiều khi xem bản DVD. Tương tự là tiếng pháo hoa khi diễn bài Santorini kinh điển cũng được giữ nguyên trong bản audio tạo ra những tiếng lụp bụp không mấy dễ chịu.
- Trí Quyền