Chỉ một giờ học riêng với huấn luyện viên yoga đến từ Ấn Độ, nhiều học viện hoặc trung tâm yoga tại TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa hay Bình Dương có thể thu của học viên từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đồng, tùy vào trình độ của huấn luyện viên hay nhu cầu đặc thù của từng người. Vậy mà các trung tâm yoga “năm sao” đó vẫn đông nghẹt khách, thậm chí có người sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng để được sở hữu một chiếc thẻ VIP trong một năm.
Những người đã thực hành yoga được một thời gian đều hiểu rằng đồng tiền người ta bỏ ra có cái giá của nó. Thực hành yoga được nhiều người xem như một sự cứu rỗi cho thân và tâm giữa cuộc sống bộn bề lo toan, đầy áp lực chứ không phải chỉ là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe đơn thuần.
Trào lưu mới của dân thành thị
Do các trung tâm yoga hoạt động từ 5 giờ sáng đến khuya nên giới văn phòng, doanh nhân, công chức, tiểu thương ở các thành phố lớn, đặc biệt là phụ nữ, đã và đang chọn yoga làm môn luyện tập lâu dài. Đầu giờ sáng, nhiều người chỉ cần bỏ bộ đồ tập và tấm thảm vào cốp xe và phóng đến trung tâm, tập khoảng một tiếng đồng hồ, tắm rồi đi làm. Có người đến vào buổi chiều, trước khi đón con tan trường. Tại các trung tâm yoga, các tiện ích như hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh, phòng xông hơi, phòng gửi đồ đều được chăm chút khá kỹ lưỡng và sạch sẽ, do đó việc đi tập rồi tắm rửa thay đồ trở thành một hoạt động thư giãn.
Vài năm gần đây, yoga trở thành một trào lưu nên ở các thành phố lớn, các trung tâm, phòng tập tư nhân mọc lên nhan nhản. Nhiều trung tâm mời trực tiếp các huấn luyện viên từ Ấn Độ sang, lo chỗ ăn ở, lo trả tiền lương để có chuyên gia thực thụ. Chi phí học tại các trung tâm có thầy Ấn Độ thường đắt hơn các nơi khác, trung bình mỗi tháng người tập phải chi từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng để trở thành hội viên trung tâm. Các gói đóng theo năm thì rẻ hơn một chút, song cũng phải cỡ chục triệu đồng trở lên.
“Master” đến từ Ấn Độ trở thành một “bảo chứng” cho chất lượng chuyên môn của nhiều trung tâm yoga năm sao tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, song những người đã tìm hiểu và nghiên cứu về bộ môn này cho rằng mấu chốt không phải ở việc master là người Việt Nam hay Ấn Độ, mà là huấn luyện viên có chuyên môn và bề dày kinh nghiệm đến đâu, khả năng kết nối và truyền đạt cho học viên tới mức nào, có trò chuyện và tìm hiểu từng học viên để biết cơ địa và bệnh tật từng người ra sao…, tức là có khá nhiều yếu tố mà huấn luyện viên yoga phải quan tâm. Có nơi, lớp học đông và ồn ào, thầy Ấn Độ bị quá tải, dẫn đến chất lượng sụt giảm. Chưa kể bất đồng ngôn ngữ cũng là một yếu tố khiến quá trình truyền đạt không được suôn sẻ.
Tập mà không tập
Vậy phải chọn lựa thế nào để có được những khóa học yoga chất lượng? Nhiều người biết rằng tập yoga phải theo một quá trình và không thể đạt ngay mục tiêu “thực dụng” như tạo cơ, tạo đường cong, giảm mỡ…, cho dù yoga có thể đóng góp vào việc tạo vẻ đẹp cho hình thể một cách đáng kể. Những người tập yoga lâu năm thường có hình thể săn chắc, dẻo dai, sức đề kháng tốt, trẻ hơn tuổi, bụng nhỏ, eo thon. Vì thế, nếu ngay từ đầu mà người tập chỉ chăm chú đến những kết quả đó, kỳ vọng trong một thời gian ngắn sẽ đạt được mà không thực sự quan tâm đến bản chất của yoga thì thường mau chóng thất vọng.
Vận động trong yoga bao gồm nhiều động tác chậm, duy trì những hơi thở dài liên tục trong quá trình tập để mang oxy đến khắp các mạch máu, cơ bắp, nội tạng của cơ thể. Vì vậy, yoga được gọi là vận động có oxy, khác với các loại vận động nhanh ở những môn thể dục, thể thao khác (thường được hiểu là vận động nợ oxy). Vận động trong yoga chú ý chi tiết đến từng phần cơ bắp nhỏ nhất. Người tập sau một thời gian sẽ thấy khỏe hơn, dẻo dai hơn, sức sống căng tràn hơn. Đó là một trạng thái khó diễn tả mà chỉ những người đã từng trải nghiệm mới biết. Người tập yoga thường xuyên cũng ít bị bệnh vặt, giảm được các triệu chứng đau xương khớp, hình dáng cơ thể đẹp hơn vì quá trình tập đã giúp xóa đi những thói quen xấu của cơ thể nhiều năm, chẳng hạn gù lưng.
Từ đó, một lời khuyên dành cho những người muốn tập yoga là không nên đặt nặng chuyện giảm cân, giảm eo, tăng cơ nhanh chóng, mà bắt đầu bằng việc rèn luyện hơi thở một cách đơn sơ nhất, cứ từng bước, từng bước sẽ thấy được “quả ngọt” của bộ môn bí truyền lâu đời có nguồn gốc từ Ấn Độ này.
Tập để hiểu mình
Có bao nhiêu người thực sự hiểu bản thân mình, dù chỉ là về mặt thể chất? Hằng ngày, chúng ta thở, hoạt động theo một thói quen vô thức, rất hiếm khi tự nhìn nhận lại cơ thể, hơi thở, tư duy, các thói quen của mình. Yoga được xem là bộ môn hỗ trợ con người tốt nhất trong việc nhìn nhận lại bản thân.
Tập thở trong yoga là bài học cơ bản nền tảng nhất, nhưng cũng khó nhất. Thở không phải để duy trì sự sống mà thôi, thở trong yoga là để thấu hiểu, bình tâm. Thở như một dòng chảy của sự sống len lỏi khắp các mạch máu, khắp các vùng cơ thể để nuôi sống và đánh thức chúng. Vì vậy, thở vừa dễ mà vừa khó.
Thêm một điều khác là con người rất khó ngồi yên được lâu, nhất là ngồi yên một cách thực sự cả về hình thể lẫn tâm trí. Trạng thái ngồi yên thực sự là một trạng thái rất khó mà chỉ những thiền sư hay hành giả yoga phải mất nhiều năm ròng rã mới đạt được. Ngồi yên, lắng nghe hơi thở trong một trạng thái “tỉnh thức” rất đặc biệt, không để cho những tạp niệm len lỏi trong đầu, từ chuyện lớn là làm sao hoàn thành chỉ tiêu công việc đến chuyện nhỏ là chiều nay làm gì, đi đâu… Trong đời, chúng ta dùng tới một phần ba quỹ thời gian cho giấc ngủ. Dù chúng ta thường nằm ngủ yên, nhưng đó không phải là một trạng thái yên lặng trong tỉnh thức mà các bậc hành giả hướng tới. Lý do là con người hoàn toàn không “tỉnh thức” được khi ngủ, bất lực kể cả trong việc điều khiển những giấc mơ. Do đó, trạng thái ngồi yên phải được rèn luyện trong khi cơ thể hoàn toàn tỉnh thức.
Những người mới bước vào tập luyện trạng thái ngồi yên thường gặp nhiều khó khăn, thậm chí chỉ ngồi yên không suy nghĩ trong năm phút đã rất khó. Khi tập yoga, trước và sau mỗi buổi tập, học viên phải có dăm phút ngồi yên lắng nghe hơi thở để luyện tâm. Nếu rèn luyện được hoạt động này mỗi ngày, dù chỉ 15 phút, chúng ta sẽ thấy tác dụng của nó trong việc giữ gìn thân, tâm, tăng khả năng tập trung, giải bớt muộn phiền, lắng nghe và ngày một am hiểu hơn về chính bản thân mình. Một điều tối kỵ là đem mình so sánh với người khác, kể cả với thầy, bởi cơ địa mỗi người một khác, khi so sánh và buông lơi cơ thể, buông lơi rèn luyện hơi thở và nhen nhóm lên trong lòng những đố kỵ, hờn ghen, tự ti là người tập đang làm chậm đi quá trình đạt đến trình độ cao hơn của chính mình trong luyện tập. Chỉ nên tự so sánh bản thân, xem hôm nay có gì tiến bộ hơn hôm qua, về cả thân và tâm, để có những minh định rõ ràng hơn về giới hạn của cơ thể mình, về sự tiến bộ trong việc rũ bỏ những muộn phiền vẫn tồn tại bên ngoài bản thân, biết bản thân là quan trọng.
Trong yoga, thực hiện các tư thế là điều dễ nhất. Bất kỳ tư thế nào, dù khó đến mấy, học viên chỉ mất vài tháng hoặc lâu lắm là một năm là có thể thực hành được ở mức cơ bản đủ để “khoe hàng”. Tuy nhiên, càng tập, càng suy nghĩ sâu, người ta mới thấy trong yoga, quan trọng nhất là phải tập, phải thực hành liên tục để ngoài chuyện rèn luyện thân, tâm, còn được hưởng thành quả của bộ môn đặc biệt này. Đó là sự cứu rỗi thực sự về đời sống, có cơ hội suy tư và trải nghiệm để tìm đến câu trả lời quan trọng nhất, đơn giản nhất và cũng khó khăn nhất: Sống để làm gì?
- An Phúc