Khi thị trường giáo dục đại học tư thục đã gần như ổn định thì chủ đầu tư các trường này chuyển sang mở rộng hệ thống trường phổ thông để tạo nên một “vòng tròn khép kín”. Xu hướng này hiện lan sang cả các trường đại học công lập.
Muôn kiểu khép kín
Trong khi tòa nhà của Trường Quốc tế Nam Mỹ (US Vietnam Talent International School) vẫn đang được xây dựng thì trường này đã tuyển sinh từ năm 2018 từ tiểu học đến THPT và sẽ cấp song bằng Mỹ và Việt Nam Trường này nằm trong hệ thống Tập đoàn giáo dục Văn Lang. Dự kiến, hệ thống này còn mở rộng ra cả trường mầm non và trường nghề để tạo nên “vòng tròn khép kín”.
Cũng tương tự như vậy với những trường ĐH thành lập khoảng 20 năm trở lại đây và có sự phát triển nhất định. Tháng 4-2019, Hệ thống giáo dục HUTECH (có hai thành viên là ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) chính thức giới thiệu Trường song ngữ Quốc tế Hoàng Gia (Royal School) với mô hình song ngữ quốc tế liên cấp từ mầm non, tiểu học đến trung học.
Nhà đầu tư của các trường như: ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Hiến cũng không ngồi yên và ráo riết tìm trường phổ thông để đầu tư. Trong đó, Tập đoàn Hùng Hậu (chủ đầu tư Trường ĐH Văn Hiến) trong thời gian gần đây đã trở thành chủ của Trường CĐ Vạn Xuân và TC Vạn Hạnh. Chỉ cần chờ trường phổ thông, hệ thống giáo dục sẽ trở nên hoàn chỉnh.
Ngược lại, một số chủ đầu tư khác lại xây dựng trường phổ thông xong mới đầu tư vào trường ĐH.
Khi Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) chính thức trở thành chủ đầu tư của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng vào năm 2015, đơn vị này coi như đã hoàn tất việc sở hữu các trường học ở khắp các cấp học của mình.
Trước đó, tập đoàn này đã sở hữu trong tay hệ thống Trường Mầm non Saigon Academy, Trường liên cấp iSchool tại các tỉnh. Sau Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, liên tiếp các trường ĐH như Hoa Sen, Gia Định, Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành thành viên của NHG. Ở các cấp học khác, NHG cũng nhanh chóng bổ sung thành viên như Trường Quốc tế Bắc Mỹ, Trường Quốc tế song ngữ UK Academy.
Hướng đi từ mầm non, phổ thông đến ĐH cũng diễn ra tương tự ở Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group). Tập đoàn này ban đầu chỉ có hệ thống các trường phổ thông tư thục, sau đó sở hữu Trường ĐH Yersin, Trường CĐ Sonadezi ở Đồng Nai.
Ngày 20-4-2019, lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng chính thức ra mắt Trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan (VFIS) đào tạo từ lớp 1 – 12.
Trường ĐH Sài Gòn đã sở hữu một trường có bề dày lịch sử là Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, thì vào tháng 3-2019 trường ĐH này chính thức thành lập Trường Tiểu học Thực hành Sài Gòn.
Kinh doanh và tìm nguồn tuyển sinh
Khi sở hữu các trường phổ thông, chủ đầu tư của các trường ĐH đều tuyên bố về mục đích của mình. Đó là mang lại những giá trị về giáo dục đẳng cấp quốc tế cho học sinh Việt Nam.
Đó là khi các trường trong hệ thống thì sẽ được ưu tiên tuyển sinh làm cho các học sinh khác mất cơ hội. Bên cạnh đó, nếu các trường có ý định xây dựng một cách dạy, cách học xuyên suốt, riêng biệt từ mầm non lên đại học thì có thể làm mất tính đa dạng hóa trong sự lựa chọn của học sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh
Tuy nhiên, mục đích sâu xa hơn của các bước đầu tư này là gì? Một tiến sĩ kinh tế, cũng là người trực tiếp điều hành một số trường ĐH, CĐ cho rằng dù là đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, một nhà kinh doanh không bao giờ quên chuyện lợi nhuận.
Việc đầu tư vào các trường phổ thông sau khi thành công với trường ĐH của họ chắc chắn sẽ có lý do chuyển hướng đầu tư… Việc thành lập trường ĐH mới cũng đang rất khó khăn, trừ khi đầu tư trường ĐH phi lợi nhuận, ít có lợi thế kinh doanh bằng các trường vì lợi nhuận. Chuyển hướng đầu tư sang cấp phổ thông, mầm non sẽ khả thi hơn và cũng có ít đối thủ cạnh tranh mạnh hơn.
Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng là nếu như sở hữu các trường phổ thông, đây sẽ là nguồn sinh viên tương lai đầy tiềm năng của các trường ĐH trong hệ thống. Trường phổ thông càng mạnh, sẽ càng có nhiều học sinh vào học trường ĐH trong cùng hệ thống hơn. Các trường ĐH lúc này sẽ tiết giảm được nhiều công sức, thời gian, tiền bạc hơn cho chi phí tuyển sinh, vốn dĩ chiếm khoảng 10% doanh thu/năm của các trường.
Với các trường ĐH tư thục, lý do này hết sức rõ ràng. Nhưng ngay cả trường ĐH công lập cũng không giấu giếm mục đích này. Từ khi thành lập, lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã khẳng định học sinh Trường Quốc tế Phần Lan sau khi tốt nghiệp THPT đều được tuyển thẳng vào trường ĐH mà không cần bất cứ điều kiện chuyên môn nào khác.
Với Trường ĐH Sài Gòn thì có mục đích khác. Lãnh đạo Trường ĐH Sài Gòn cho biết vì Trường Tiểu học Thực hành Sài Gòn là trường công lập nên không mang tính lợi nhuận. Mục đích thành lập trường là có thể tiếp nhận sinh viên thực tập từ Trường ĐH Sài Gòn. Bên cạnh đó, khi đã ổn định, trường sẽ là nơi có thể thực nghiệm những cách dạy, cách học mới.
Còn nhiều băn khoăn
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, tác giả bộ sách Đại học – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới – Từ trung cổ đến hiện đại, cho biết ở các nước, ít có chuyện một trường phổ thông trong một trường ĐH hoặc một đơn vị sở hữu trường ĐH mở thêm trường phổ thông. Mỗi loại hình trường là một tồn tại độc lập và theo đuổi mục tiêu rất khác nhau. Một trường ĐH nghiên cứu sẽ luôn tìm cách nâng cao về học thuật chứ không tìm cách phân tán nguồn lực bằng cách mở thêm trường phổ thông.
“Ở đất nước còn tồn tại nhiều vấn đề như chúng ta thì cũng có thể dẫn đến tiêu cực về tuyển sinh. Đó là khi các trường trong hệ thống thì sẽ được ưu tiên tuyển sinh làm cho các học sinh khác mất cơ hội. Bên cạnh đó, nếu các trường có ý định xây dựng một cách dạy, cách học xuyên suốt, riêng biệt từ mầm non lên ĐH thì có thể làm mất tính đa dạng hóa trong sự lựa chọn của học sinh. Học sinh học xong phổ thông nên chọn lựa trường ĐH, phương pháp giáo dục từ nhiều dữ liệu để tìm ra nơi học tốt nhất cho mình”, tiến sĩ Xanh cho biết.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, đã từ lâu, không ai lạ gì việc một số trường ĐH tư mở thêm hệ đào tạo phổ thông, mầm non, mẫu giáo, tương tự như công ty mẹ mở ra các công ty con. Các công ty con này chịu sự điều phối về mặt đầu tư và tài chính của bộ phận phụ trách kinh doanh của công ty mẹ. Mục tiêu đương nhiên là đa dạng hóa sản phẩm để tìm kiếm lợi nhuận.
Giáo dục là một dịch vụ, cung ứng dịch vụ để tìm kiếm lợi nhuận là chuyện bình thường. Thế nhưng, khi các trường ĐH công lập mở trường phổ thông và thu học phí với mức giá thị trường, thì về bản chất là họ đang tham gia thị trường giáo dục bằng nguồn vốn từ ngân sách. Hệ quả là ngân sách đã không được sử dụng đúng mục đích. Về nguyên tắc, ngân sách là tiền của người dân đóng thuế, chỉ được phép sử dụng để phục vụ lợi ích công, không phải là để làm vốn kiếm lời cho bất cứ cá nhân nào và dưới bất cứ hình thức nào.
“Nếu trường ĐH công mở trường phổ thông như công ty mẹ mở công ty con, thì ý nghĩa của tổ chức công không còn nữa. Đối với giáo dục phổ thông, một trong những sứ mạng quan trọng nhất của trường công là mang lại cơ hội học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Thị trường hóa hoàn toàn dịch vụ giáo dục chắc chắn sẽ đẩy con em nhà nghèo sang bên lề, vì về bản chất nó là thương mại hóa giáo dục, mà thương mại hóa có nghĩa là tối đa hóa lợi nhuận. Riêng trường ĐH công lập mở trường phổ thông thực nghiệm và phổ thông năng khiếu thì cần được khích lệ và cần được đầu tư đầy đủ của nhà nước”, tiến sĩ Ly cho biết.