Chuỗi ngày “cầm chừng” của VN-Index quanh mốc 770 được dự báo sẽ kéo dài từ nửa cuối tháng 8 qua đầu tháng 9, khi thanh khoản chung của thị trường cơ sở chưa được cải thiện. Chỉ số này đang theo kịch bản là nếu bị kéo xuống vùng 760 điểm thì dòng tiền bắt đáy lập tức đổ vào, còn khi hướng đến những mốc cao 780-790 điểm, áp lực bán gia tăng khiến cho nỗ lực tăng điểm khó thành. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chuỗi ngày phục hồi sau cú sốc tin đồn, đặc biệt là khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước dự kiến giãn lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Ngoài ra, quá trình tái cấu trúc của ngành ngân hàng vẫn đang có diễn biến tích cực, giúp hoạt động của ngành này ngày càng lành mạnh hơn. Những tháng cuối năm là “vụ mùa” của tăng trưởng tín dụng, càng làm cho nhóm cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Thị trường phái sinh đang cho thấy một sự lạc quan, khi thanh khoản tuần sau đang cao hơn tuần trước, hoạt động khớp lệnh bắt đầu diễn ra khá sôi động. Quy mô thị trường cũng liên tục tăng trưởng, chính thức đạt cột mốc 500 tỉ đồng vốn hóa chỉ sau hai tuần giao dịch. Cũng có thể chính sự ảm đạm trên thị trường cơ sở đã tạo điều kiện cho dòng tiền chuyển hướng sang thị trường phái sinh để tìm trạng thái cân bằng.
Do sự lừng khừng của nhóm bluechip, nhiều nhà đầu tư nôn nóng bắt đầu dồn tiền vào các cổ phiếu có tính đầu cơ. Rủi ro cao là tất yếu, khi trong cùng một phiên giao dịch, một cổ phiếu loại này hoàn toàn có thể mở đầu phiên với giá sàn nhưng lại kết phiên với giá trần, đồng nghĩa với việc chỉ trong một ngày nhà đầu tư mua vào đầu phiên có thể lãi đến 14% (nếu cổ phiếu niêm yết trên HSX) hoặc 20% (nếu được giao dịch trên HNX). Tất nhiên, theo chiều ngược lại, nhà đầu tư hoàn toàn có thể nhận về khoản lỗ “khủng” tương ứng.
Thị trường chứng khoán nửa cuối tháng 8 không chỉ nằm trong vùng trống thông tin hỗ trợ, mà còn nhận thêm một số thông tin không tích cực, chẳng hạn việc biểu thuế VAT sẽ tăng. Một khi điều này xảy ra, sức tiêu thụ hàng hóa nói chung sẽ giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu không quản lý chi phí hiệu quả, một khi sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận đều giảm, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không đạt được, giá cổ phiếu sẽ giảm tương ứng. Việc thị trường suy giảm khá mạnh thời gian qua một phần cũng do ảnh hưởng từ thông tin tăng thuế này. Áp lực càng trở nên nặng nề với những nhà đầu tư có sử dụng margin. Khi giá cổ phiếu giảm mạnh, các tài khoản vay margin bị bán giải chấp, giá cổ phiếu càng giảm sâu và thị trường chung chao đảo.
Tháng 9 tiếp tục là quãng thời gian thị trường chưa có nhiều thông tin hỗ trợ, nên nhà đầu tư có thể bảo trì danh mục của mình và chờ đợi thời cơ, thậm chí tận dụng những phiên giảm điểm để gia tăng tỷ lệ cổ phiếu giá trị đang nắm giữ. Nếu là một “chuyên gia lướt sóng”, việc theo dõi dòng tiền đang tập trung vào cổ phiếu nào đó và “đu bám” theo cũng là một hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, đừng mua vào toàn cổ phiếu giá trị nhưng lại thiếu kiên nhẫn và thường xuyên “đảo danh mục” (và rất dễ trật nhịp), hệ quả sẽ là những khoản lỗ nặng nề. VN-Index dường như đã tạo đáy ở vùng 760-765 điểm, dù thanh khoản chưa thể phục hồi. Vậy nên, xu hướng của VN-Index có thể sẽ là giằng co và dao động với biên độ khá hẹp. Chỉ số sẽ không có nhiều biến động, dù tín hiệu kỹ thuật trung hạn của VN-Index đang ở mức bình thường. Đến nửa cuối tháng, khi có dự báo kết quả kinh doanh tích cực trong quý III cũng như cả năm 2017 của một số doanh nghiệp, dòng tiền mới có thể sôi động hơn.
- Ngọc Khang