Nhóm Làm việc Mở rộng (OWG: Open Working Group) của Liên Hiệp Quốc sắp tổ chức vòng đàm phán thứ 13 để bàn về một loạt những mục tiêu phát triển bền vững mới (SDGs) nhằm thay thế các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) sẽ kết thúc vào cuối năm 2015. Vòng đàm phán mới chưa khởi sự, song các nước kém phát triển nhất (LDCs) đã trình bày quan điểm của họ trước những vấn đề quan trọng sẽ được cộng đồng quốc tế đặt ra và thực hiện trong vòng 15 năm tới. Điều quan tâm lớn nhất của họ là những nước, tổ chức hàng đầu thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có tiếp tục thao túng chương trình hoạt động của SDGs như đã từng làm với MDGs vào những năm 2001-2015 hay không.
Một thiếu niên vô gia cư ở CHDC Congo, một trong những nước kém phát triển nhất
Phát biểu về hội nghị bàn tròn diễn ra vào tháng 6-2014 tại London (Anh), ông Acharya, nguyên đại diện thường trực của Nepal tại Liên Hiệp Quốc đã vẽ ra một bức tranh u ám về các nước nghèo nhất thế giới. Họ đang bị vùi dập bởi hậu quả của tình trạng kinh tế xuống dốc trên thế giới và đang đứng trước những nguy cơ khôn lường của sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Sự dâng lên của mực nước biển, sự xói lở đất vùng ven biển, sự suy giảm chất lượng của đất trồng trọt, hiện tượng sa mạc hóa… cùng tác động lên đời sống những nước nghèo mà phần đông dân số làm nghề nông và hậu quả là từ năm 1991 đến năm 2008, sản lượng nông nghiệp có nơi đã giảm 13%, như ở Ethiopia chẳng hạn. Bà Clare Melamed, Giám đốc nghiên cứu về Tăng trưởng, Nghèo đói và Bất công thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Hải ngoại (ODI) cho rằng các cuộc thảo luận của Nhóm Làm việc mở rộng cần phải tập trung vào các nước nghèo để giúp họ được giải phóng về các mặt kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư, san lấp dần hố sâu ngăn cách giữa những nước giàu và nghèo. Hai yếu tố quan trọng cần được đưa vào Mục tiêu Phát triển bền vững sau 2015 là xây dựng và tăng cường khả năng hợp tác toàn cầu. Các nước nghèo nhất có một tiềm năng to lớn về nhân lực, họ cần được quan tâm đúng mức và dành ưu tiên cho các chương trình phát triển với sự hỗ trợ thật lòng của các nước công nghiệp hóa. Nhận định về vấn đề này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã có một phát biểu gây được nhiều sự chú ý: “Đây không chỉ là một mệnh lệnh tinh thần, mà còn là phương tiện giúp củng cố một trật tự toàn cầu hòa bình và bền vững”.
Lê Nguyễn tổng hợp