Xin đừng dễ dãi với hàng rong, quán vỉa hè!

Theo kết quả điều tra đã được Bộ Y tế công bố sau khi kiểm tra thức ăn bán trên đường phố, vỉa hè tại nhiều tỉnh thành lớn trong cả nước, hầu hết thức ăn bày bán ở các hàng quán này đều bị nhiễm E.Coli – loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Bán hàng vỉa hè nhằm phục vụ cho đông đảo thực khách bình dân là hình thức kinh doanh tự phát, lan rộng ở khắp nơi nhưng chưa được quản lý, kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, nếu người tiêu dùng không có ý thức tự bảo vệ sức khỏe thì khả năng bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột và các loại giun, sán qua thức ăn bày bán trên vỉa hè rất cao.

Hàng rong vỉa hè: tìm đâu chẳng thấy!

Hàng quán vỉa hè ít khi vắng khách vì địa điểm tiện lợi, thoải mái, mát mẻ, lại có nhiều món ngon, hợp khẩu vị, giá bình dân. Nó lôi kéo được nhiều người, nhất là giới trẻ, thậm chí cả giới nhân viên văn phòng tụ tập ăn uống, chuyện trò sau giờ học, giờ làm. Giới trẻ, dân văn phòng thường ăn vặt vào buổi trưa, xế chiều, trong khi đó dân nhậu thì tập trung tầm sau giờ tan sở đến tận khuya. Điều đáng nói là chất lượng vệ sinh của những hàng quán này không đảm bảo, thậm chí là ổ lây lan dịch bệnh. Cảnh thường thấy trên vỉa hè, ngõ hẻm ở các thành phố là vô số hàng quán được bày bán vô tư, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng bất cứ lúc nào, còn các xe đẩy di động, gánh hàng rong luôn có mặt “trên từng cây số”, từ cổng trường học, chợ, bệnh viện, xung quanh các khu dân cư, nhà máy, công ty… Là hàng quán dã chiến nên thức ăn được đựng trong những túi nylon hoặc khay nhựa đặt trên thùng xốp, mấy viên gạch kê tạm bợ rồi bày ngay trên vỉa hè, sát đường đi, không cần che đậy, mặc khói xe, bụi đường. Người bán hàng không đeo găng tay, hoặc có đeo thì cũng chiếu lệ vì hai tay luôn bận bốc thức ăn và nhận tiền, thối tiền cho khách. Thức ăn đường phố, hàng rong còn có tỷ lệ dùng các chất bảo quản, chống mốc, phụ gia không an toàn rất cao, chiếm 85,6%.

Nếu ăn trên vỉa hè không đảm bảo vệ sinh như vậy thì uống trên vỉa hè cũng không an toàn hơn là bao. Xin lấy ví dụ là ly nước mía – một trong những thức uống được ưa chuộng của nhiều người, nhất là trong mùa nóng. Những xe nước mía “siêu sạch” mọc lên nhan nhản ở các cổng trường luôn hoạt động hết công suất vào giờ cao điểm. Mục kích rõ việc thao tác chế biến nhanh, gọn nên nhiều người nghĩ rằng nước mía đảm bảo vệ sinh, kỳ thực không phải vậy. Nếu để ý, chúng ta thấy ở các quán nước mía, người chế biến làm thủ công từ công đoạn ép cây mía đến cho nước đá vào ly nhựa hoàn toàn bằng tay trần. Cây mía đã cạo lớp vỏ mỏng, cột thành từng bó được người giao hàng chở đến giao cho các quán. Trước khi ép, người bán làm sạch bằng cách nhúng cây mía qua loa vào nước. Sâm lạnh, các loại nước mát cũng thế, được đựng trong chai nước suối đã qua sử dụng mà chất lượng chỉ có người bán mới biết. Chưa kể loại nước đá mà các hàng quán giải khát vỉa hè thường dùng là đá cây – loại đá chỉ nên dùng để ướp thực phẩm nhưng lại được vô tư sử dụng trong ăn uống. Xin lưu ý rằng sử dụng nước đá không đúng nguồn gốc là một trong những nguy cơ dẫn đến bệnh tả.

Xe bán hàng lưu động phơi thức ăn cùng khói bụi, và người bán dùng tay trần để chế biến là cảnh thường thấy trên đường

Ngay cả những món trông rất ngon lành, hấp dẫn như trái cây ướp lạnh trên các xe đẩy cũng không an toàn cho người dùng. Các xe đẩy chỉ có một xô nước nhỏ để rửa trái cây sau khi cắt gọt mà cứ vậy rong ruổi theo người bán cả ngày. Có lần chúng tôi thử xem mức độ sạch sẽ của món này nhưng khi chạm tay vào khay nhôm trơn trượt, lại bốc mùi hôi lưu cữu rất khó chịu do không được vệ sinh thường xuyên nên đã không dám mua.

Nhậu vỉa hè liệu có “rẻ, đẹp, bền”?

Quán nhậu vỉa hè thường rất rôm rả, chủ yếu bày bán bia, vài thứ đồ nhắm, cơ bản là món chế biến nhanh. Từ 5 giờ chiều, bàn ghế được kê ra, mái hiên căng lên và chỉ ít phút sau, khách đi xe gắn máy tới tấp vào dựng theo hàng dài và thực khách thuộc đủ mọi thành phần xôm tụ bên nhau. Bia vào lời ra ồn ào, liên tục nghe tiếng cụng ly. Tại các hàng quán này, thực khách thoải mái vứt rác dưới chân, dưới gầm bàn vỏ đậu phộng, lá gói nem, chả, gói tré, vỏ trứng cút, giấy đã lau… Thức ăn thừa được đổ vào xô chậu cáu bẩn thường kề bên miệng cống rãnh đặt kế bên xô nước mới hứng để rửa chén dĩa. Chủ quán thường chỉ trang bị một hai cái thùng lớn để chứa nước, nước được đổ vào chiếc chậu nhỏ và chén, dĩa, đũa, muỗng được rửa qua loa trong chậu và ngay sau đó phục vụ những thực khách mới đến. Dụng cụ chứa thức ăn cũng không được vệ sinh sạch sẽ, thức ăn phần lớn không được che đậy hoặc có thì rất sơ sài, trong khi điểm bày bán thức ăn thường tranh thủ tận dụng khu vỉa hè, gần bờ tường không lấy gì làm sạch sẽ hay gần cống rãnh, hố ga, nhà vệ sinh công cộng, bệnh viện…

Hàng rong, quán vỉa hè từ ăn đến uống “tọa lạc” trên lề đường rất khó đảm bảo vệ sinh

Ưu điểm của quán vỉa hè là giá rẻ, phù hợp với giới bình dân thích khề khà. Dù thực đơn khá phong phú với nhiều món đặc sản nhưng nguyên liệu không rõ nguồn gốc nên những người kỹ tính không dám tùy tiện sử dụng. Đã nhiều lần những vụ nhập lậu nhiều kiện hàng thực phẩm quá hạn sử dụng, ôi thiu, hôi thối bị phát hiện, nhưng bao nhiêu kiện khác không được phát hiện và sau đó chúng đã được tuồn đi đâu? Ai dám khẳng định những loại thực phẩm đó không có mặt tại các hàng quán vỉa hè? Hàng quán vỉa hè vì thế là nơi tiềm ẩn các nguy cơ về dịch bệnh rất cao nhưng chưa được các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát.

Có những khu quán vỉa hè mọc lên như “tập đoàn”, chiếm cứ cả một con đường, quán nào cũng đẩy rác ra vỉa hè, hình thành những bãi rác ngay trước mặt quán. Tại những con đường ấy, người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm. Các “dây chuyền quán nhậu” như vậy dễ tìm thấy trên các con đường Thành Thái (quận 10), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Người dân sống gần những hàng quán này đã ngán ngẩm với tình trạng ăn nhậu mất vệ sinh và ồn ào của các hàng quán như vậy, chỉ còn biết ca cẩm “Vỉa hè mà biết nói năng…”.

Thực trạng báo động và biện pháp đối phó

Tại TP.HCM, có đến 84,3% thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Con số trung bình hiện nay là gần 30% khách hàng khi ăn thức ăn đường phố bị ngộ độc (ói mửa, tiêu chảy, đau bụng) ngay sau khi sử dụng và 3,5% trong số đó phải nhập viện. Có đến 26,8% người bán thực phẩm đường phố sử dụng thực phẩm chưa bán hết để bán tiếp trong ngày hôm sau, 43,5% người bán trực tiếp dùng tay (không dùng dụng cụ gắp thức ăn) để bốc thức ăn. Ngoài ra, gần 30% điểm bán thức ăn đường phố đặt gần bãi rác, nhà vệ sinh, khu vực cống rãnh, 100% cơ sở bán không đủ nước sạch sử dụng… Trong khi đó, trên thị trường vẫn trôi nổi nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc có sử dụng những phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế như các loại phẩm màu hóa học, hàn the, formol… Trong khi kiểm tra, những cơ sở sản xuất bị phát hiện vi phạm nhiều nhất là sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh, thiết bị dụng cụ chứa đựng thực phẩm không an toàn vệ sinh (16%).

Trong cả nước có khoảng 94% thức ăn đường phố, hàng rong, vỉa hè bị thả nổi, không được quản lý, giám sát. Cho dù Bộ Y tế đã liên tục cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ thức ăn đường phố, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa quan tâm, quán ăn vỉa hè vẫn thi nhau mọc lên, kẻ bán, người ăn vẫn tấp nập.

Ảnh Hải Phạm 

Người bán thức ăn đường phố thường ít hiểu biết về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số người vì theo cách làm cẩu thả thành quen, không biết chính mình coi thường sức khỏe và sinh mạng của thực khách. Vì thế, việc bảo quản, chế biến thức ăn trên đường phố rất khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh của cả người bán và người mua làm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng. Mặc dù có nhiều cơ quan cùng được giao nhiệm vụ quản lý, giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế…), nhưng nếu hỏi đâu là cơ quan có quyền lập tức xử lý các vi phạm thì không dễ có được câu trả lời. Trong hoàn cảnh như vậy, tốt nhất là mỗi người phải tự đề phòng, hạn chế dùng những đồ ăn, thức uống bán trên vỉa hè, tránh xa những điểm kém vệ sinh để tự bảo vệ sức khỏe cho mình.

Ngân An

Exit mobile version