Mấy năm qua, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có ưu đãi về thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN). Mới đây, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, mặt trái của các chương trình này là một số dự án đầu tư vào ngành công nghiệp, gây tàn phá, ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả nặng nề và phải gánh chịu chi phí khắc phục vô cùng lớn.
Chính sách ưu đãi thuế TNDN là việc một quốc gia ban hành những quy định về thuế có lợi hơn so với các nước khác nhằm thu hút đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư. Nhưng trên thực tế, các nước phát triển phương Tây thường ít khi áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN vì cho rằng việc này thường gây méo mó đối với nền kinh tế và dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các chính sách ưu đãi để giảm nghĩa vụ thuế. Ngược lại, các nước đang phát triển, trong đó bao gồm hầu hết các nước châu Á và ASEAN, lại sử dụng để thu hút đầu tư.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế TNDN của Việt Nam đã góp phần thu hút vốn đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn…
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng thừa nhận chính sách này còn bộc lộ các mặt hạn chế, chẳng hạn như khuyến khích việc chuyển các máy móc thiết bị dây chuyền đã lạc hậu, lỗi thời, biến Việt Nam thành “bãi rác thải công nghiệp”. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư tập trung vào các ngành khai thác tài nguyên, khoáng sản do đó không gây hiệu ứng lan tỏa vốn, phát triển không bền vững.
Hiện nay Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành rà soát các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế trong tình hình cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Đây là việc cần thiết và đúng thời điểm nhằm đánh giá đầy đủ về hạn chế của các nội dung quy định của pháp luật có hại, về số thuế “hao hụt” do các chính sách trên so với chuẩn quốc tế hoặc do lợi ích nhóm…
Để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp FDI một cách có hiệu quả và hạn chế kẽ hở mà doanh nghiệp FDI lợi dụng chuyển giá để trốn thuế, trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các nước, chính sách thuế TNDN cần được hoàn thiện theo hướng xóa bỏ hầu hết các ưu đãi thuế và đi liền với đó là thực hiện chính sách khuyến khích tổng thể nền kinh tế bằng việc hạ thấp thuế suất phổ thông. Cụ thể là xóa bỏ hầu hết các ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư theo lộ trình và chỉ áp dụng các ưu đãi thuế một cách chọn lọc. Điều này sẽ làm cho Luật Thuế TNDN trở nên đơn giản, dễ hiểu, tiết kiệm chi phí quản lý, thúc đẩy tích lũy của doanh nghiệp.
Mặt khác cần hạ thuế suất phổ thông xuống một mức tối ưu. Được biết, với mức thuế suất TNDN hiện hành của Việt Nam (22%) hay với mức 20% (từ năm 2016) vẫn còn khá cao, đã tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận cho công ty mẹ ở nước ngoài, thông qua cơ chế chuyển giá.
Thực tế này đặt ra yêu cầu giảm thêm một mức thuế suất TNDN để tăng tính cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài, giảm bớt động cơ chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.
Câu chuyện tranh chấp giữa các hãng taxi truyền thống và hai hãng Uber, Grab lâu lâu lại được dấy lên, liên quan đến vấn đề thuế và cạnh tranh. Mới đây, thương hiệu taxi dẫn đầu về thị phần tại TP. Hồ Chí Minh Vinasun kiến nghị một loạt biện pháp để Uber và Grab “không đứng ngoài luật hiện hành và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”.
Thông qua phản ánh gửi đến hệ thống tiếp nhận – trả lời kiến nghị từ doanh nghiệp của Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, Vinasun cho rằng sự xuất hiện của Uber và Grab đang đẩy các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước gặp nhiều khó khăn.
Vinasun cáo buộc, dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử, Uber và Grab đã né tránh các nghĩa vụ về thuế, phí và hầu như không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào, trong khi hoạt động taxi truyền thống phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị… Đồng thời Uber và Grab cũng đã và đang tùy tiện thực hiện các chương trình khuyến mãi trái luật (không đăng ký, không được bất kỳ sự cho phép nào của cơ quan quản lý), chiếm lĩnh thị trường bằng cạnh tranh không lành mạnh, gây rối hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp taxi khác…
Trả lời về phản ánh và kiến nghị của Vinasun, Bộ Giao thông Vận tải nói luôn ủng hộ các đơn vị vận tải sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và hiệu quả của doanh nghiệp.
Về quản lý, cấp phép và các nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực này. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Vinasun trao đổi với Bộ Tài chính để được hướng dẫn rõ hơn.
Đối với kiến nghị của Vinasun về chấm dứt hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của Uber, Grab qua các chiêu thức giảm giá, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Vinasun trao đổi với Bộ Công thương để được hướng dẫn.
Mới đây, trong công văn trả lời theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty TNHH Grabtaxi đã đưa ra nhiều dẫn chứng bác bỏ quan điểm của Vinasun. Cụ thể, Uber cam kết vẫn tiến hành kê khai và nộp thuế đầy đủ cho dịch vụ Uber B.V Hà Lan, đồng thời khấu trừ và nộp thuế cho các đối tác là những hộ kinh doanh cá thể theo quy định.
Trong khi đó, để khẳng định không có hành vi trốn thuế, Grab cũng đưa ra giấy khen của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vào năm 2015.
Liên quan vấn đề xếp loại hoạt động của các doanh nghiệp này giống loại hình kinh doanh vận chuyển hành khách đường bộ bằng taxi, Uber cho rằng, bản chất hoạt động của đơn vị này khác với taxi truyền thống nên không thể áp dụng hình thức quản lý như nhau. Từ khi được cho phép tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý và kết nối vận tải, đơn vị này đang thực hiện các bước chuyển đổi nhằm chỉ hợp tác với doanh nghiệp vận tải và hợp tác xã vận tải.
Đại diện Uber cho biết, đơn vị này đã gặp Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để xin hướng dẫn triển khai, gửi các thông tin và báo cáo theo yêu cầu nên không có chuyện “hoạt động ngoài vòng pháp luật” như thông tin từ Vinasun. Ngoài ra, đơn vị này còn dẫn thông tin cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp Mỹ trong chuyến thăm chính thức mới đây nhằm nhắc lại lời hứa Chính phủ tạo mọi điều kiện cho các loại hình kinh doanh mới như Uber hoạt động tại Việt Nam.
Uber cho biết ứng dụng gọi xe đang có mặt tại 70 quốc gia và sẵn sàng cung cấp danh sách 450 thành phố Uber góp mặt để chứng minh thông tin từ đối thủ là bịa đặt.
Tranh chấp hứa hẹn còn kéo dài, khi Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ cho biết sẽ theo kiện đến cùng.
- Gia Minh