Khí nén thiên nhiên (Compressed Natural Gas – CNG) có thành phần chủ yếu là CH4 (methane) được chiết từ khí thiên nhiên, khí đồng hành dầu (trong khai thác mỏ dầu khí) hoặc khí thu được trong quá trình sản xuất của các nhà máy lọc dầu, sau đó được xử lý và nén ở áp suất cao để tồn trữ. Do thành phần đơn giản, đã được xử lý để loại bỏ các hợp chất độc hại nên khi đốt loại nhiên liệu này, nhiều khí độc như NO2, CO, SO2… không xuất hiện và cũng không phát sinh nhiều bụi. Sử dụng CNG không chỉ giảm chi phí cho doanh nghiệp, mà còn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường. Vì thế, hiện nay xu hướng sử dụng CNG để thay thế các loại nhiên liệu truyền thống như than, dầu đang được khuyến khích phát triển.
Sử dụng CNG để phát triển xe buýt xanh
Tiềm năng phát triển của CNG trong công nghiệp cũng như giao thông vận tải tại ViệtNamrất lớn. Khi tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị ngày càng nặng nề do khí thải của các phương tiện giao thông và khói nhà máy gây ra thì phát triển và tăng cường sử dụng CNG được xem là một giải pháp tối ưu để góp phần cải thiện môi trường. Thời gian qua, tại TP.HCM, “xe buýt xanh” đã được một số đơn vị kinh doanh vận tải triển khai, đưa vào hoạt động. Khái niệm “Xe buýt xanh” vì vậy đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người. Cuối tháng 8-2011, Công ty TNHH Xe khách Sài Gòn (Saigon Bus) đã khai trương tuyến xe buýt số 1 (Chợ Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn), gồm 21 xe mới, sử dụng CNG, được nhập từ Hàn Quốc. Đây là tuyến xe buýt xanh thí điểm đầu tiên của cả nước. Đầu năm nay, Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM cũng đưa vào hoạt động năm xe buýt chạy bằng CNG trên tuyến số 104 (Bến xe An Sương – Đại học Nông Lâm). Một số xã viên của liên hiệp trên còn đầu tư thêm sáu chiếc xe buýt xanh để hoạt động trên tuyến số 104 từ tháng 5-2012. PV Gas South là đơn vị cung cấp CNG chính cho xe buýt xanh ở TP.HCM với hai trạm tiếp nhiên liệu đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) và đường Phổ Quang (quận Tân Bình).
Xe buýt CNG của Saigon Bus chạy tuyến số 1 đã thay đổi tích cực bộ mặt giao thông công cộng
Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Phương Trang cũng vừa đưa vào hoạt động tuyến xe buýt CNG số 619 từ Bến xe miền Tây đi Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) từ đầu tháng này. Người đại diện của Phương Trang cho biết, hưởng ứng chủ trương của thành phố hướng đến bảo vệ môi trường xanh và sạch bằng việc sử dụng nhiên liệu xanh, công ty sẽ phát triển mạnh hơn xe buýt CNG ở các tuyến trung tâm trong năm 2013. Hiện Phương Trang có 14 xe CNG đang hoạt động, trong tháng 7 tới sẽ tăng cường thêm chục chiếc nữa. Dù việc đầu tư xe CNG gặp những khó khăn nhất định như chi phí cao, ít địa điểm trạm tiếp nhiên liệu, cự ly cho mỗi lần tiếp nhiên liệu dưới 350km…, nhưng vì lợi ích cộng đồng và muốn góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho cộng đồng qua những hiệu ứng lan tỏa, Phương Trang quyết tâm phát triển xe buýt xanh, bằng chứng là đã đầu tư trạm tiếp nhiên liệu riêng tại Tân Tạo (Bình Chánh).
Sau gần một năm hoạt động, xe buýt xanh thể hiện nhiều điểm vượt trội về lợi ích kinh tế và môi trường nên nhận được những phản hồi tích cực từ các chuyên gia môi trường và hành khách. Kết quả khảo sát cho thấy vận hành xe buýt xanh tiết kiệm được 30 – 40% chi phí nhiên liệu so với xe buýt sử dụng dầu diesel, giảm hơn 60% lượng khí thải độc hại ra môi trường, không xả bụi và khói đen vì nhiên liệu được đốt cháy hoàn toàn, giảm được tiếng ồn. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư cho xe buýt CNG khá cao (mỗi chiếc có giá khoảng gần 3 tỉ đồng, trong khi giá xe buýt thường chỉ khoảng 1 tỉ đồng) thì yếu tố khác rất quan trọng giúp cho xe buýt xanh hoạt động ổn định là nguồn cung cấp nhiên liệu khí CNG phải được đảm bảo. Hiện nay, CNG vẫn trong tình trạng “nhấp nhổm” tăng giá từ nhà cung cấp độc quyền, khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng không khỏi lo lắng về chi phí đầu vào. Các công ty xe khách cho biết chỉ khi chi phí nhiên liệu của xe CNG bằng 60 – 65% chi phí nhiên liệu của xe buýt chạy bằng dầu diesel thì mới có lãi. Hơn nữa, chi phí xây dựng một trạm cung cấp khí CNG rất lớn, lại cần phải có mặt bằng rộng nên các nhà đầu tư muốn có quyền sử dụng đất để xây cất, không phải thuê mướn. Hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có từ 20 xe trở lên thì mới được nhà cung cấp CNG chấp nhận phân phối.
“Xe buýt xanh” của Công ty Phương Trang có màu cam cũng trở nên quen thuộc với hành khách
Vì vậy, để phát triển loại xe xanh, Nhà nước nên sớm có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, khuyến khích họ đầu tư cho xe buýt sạch, thân thiện với môi trường. Trong đề án phát triển vận tải hành khách công cộng trong cả nước đến năm 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt có phần nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường, cho phép ưu tiên miễn, giảm thuế nhập khẩu các phụ tùng dùng cho xe sử dụng CNG. Tại TP.HCM, trong đề án đầu tư 1.680 xe buýt ở giai đoạn 2011-2013, Sở Giao thông vận tải đã trình UBND TP xem xét khả năng phát triển xe buýt xanh với điều kiện tất cả xe buýt được đầu tư mới phải đảm bảo tiêu chuẩn Euro III hoặc sử dụng khí CNG. Theo đó, doanh nghiệp nhập xe buýt xanh sẽ được hỗ trợ 70% vốn vay với mức lãi suất 5%. Nếu những ưu đãi trên được thực thi thì có niềm tin rằng trong thời gian tới, xe buýt xanh sẽ được sử dụng nhiều hơn để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân.
Vì môi trường xanh, phải ưu tiên phát triển xe sử dụng CNG
Ở nước ta, hiện nay Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) là đơn vị duy nhất cung cấp sản phẩm CNG, chiếm lĩnh 100% thị phần trong nước, phục vụ chủ yếu cho các ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Nhà máy CNG đầu tiên đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vận hành từ tháng 9-2008 với công suất ban đầu là 30 triệu m3 khí/năm và sẽ nâng lên đến 250 triệu m3 khí/năm vào năm 2015. Theo các chuyên gia về môi trường, CNG có giá thành khá thấp, chỉ bằng khoảng 20 – 30% so với LPG (Liquefied Petroleum Gas – hỗn hợp hydrocarbon nhẹ, ở thể khí) nên sử dụng CNG sẽ tạo được những lợi ích rõ ràng về kinh tế và môi trường, cụ thể là tiết kiệm chi phí nhiên liệu vì hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao, giảm chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị so với việc sử dụng dầu FO, DO hay than đá, không phát sinh những chất độc hại gây ô nhiễm môi trường khi cháy, kéo dài tuổi thọ thiết bị, góp phần giảm giá thành sản phẩm… CNG nhẹ hơn không khí nên nhanh chóng bốc lên cao trong trường hợp bị rò rỉ, nguy cơ cháy, nổ do sự tích tụ khí cũng thấp, đảm bảo mức độ an toàn cao hơn so với khi sử dụng loại nhiên liệu khác.
Vẫn còn nhiều xe buýt chạy bằng dầu, là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Hiện tại, hệ thống phân phối CNG cho các khu đô thị, nhà máy công nghiệp và phương tiện giao thông vận tải thuộc khu vực miền Đông Nam bộ do ba đơn vị thành viên của PV Gas là Công ty CP Đầu tư phát triển gas đô thị (Gas City), Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South), Công ty CP CNG Việt Nam (CNG Việt Nam) quản lý với công suất gần 130 triệu m3/năm. CNG được phân phối đến các khách hàng là nhà máy công nghiệp nằm xa hệ thống đường ống phân phối khí thấp áp có nhu cầu sử dụng khí làm nhiên liệu cho sản xuất. Ngoài ra, CNG còn được sử dụng cho hệ thống xe buýt, xe taxi, xe hơi của TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Ông Nguyễn Sĩ Thắng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty PV Gas South cho biết rằng từ khi đưa khí nén thiên nhiên vào kinh doanh (tháng 9-2009) đến nay, doanh nghiệp này đã có hệ thống khách hàng có nhu cầu ổn định, bao gồm các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất gốm sứ, gạch men, thép, giao thông vận tải… Theo kế hoạch, năm 2013 Khu đô thị Nam Sài Gòn sẽ là khu vực dân cư đầu tiên trong cả nước có hệ thống CNG do Gas City xây dựng, lắp đặt và cung cấp.
Ngân An