Ngày nay, các quốc gia phát triển đem đến cho người dân cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc mà không nhất thiết phải có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Các quốc gia ấy có được trình độ dân trí và nền tảng khoa học kỹ thuật cao, đồng thời đã ứng dụng được chúng vào trong đời sống cũng như mọi mặt của kinh tế – xã hội. Ở những quốc gia như thế, người dân ý thức được rằng ai cũng cần phải học tập để trở thành người có kiến thức, kỹ năng, làm việc đạt hiệu quả cao và có cuộc sống sung túc. Nghĩa là, giáo dục đã trở thành động lực trực tiếp và chủ yếu để phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, đồng thời đem lại cuộc sống ấm no cho mọi người dân.
Với cách nhìn nhận như vậy, kể cả dưới góc độ quốc gia hay từ phía người dân, thì giáo dục đều rất quan trọng và tất cả đều sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc cho việc học hành, không chỉ trong hiện tại mà cho cả tương lai. Đây là tiền đề quan trọng nhất, rất cần nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội và những nhà hoạch định chiến lược để xây dựng một chính sách phân bổ nguồn lực quốc gia hợp lý, trong đó có sự ưu tiên đặc biệt cho ngành giáo dục – đào tạo.
Tuy nhiên, từ mấy chục năm qua, ngành giáo dục – đào tạo của nước ta luôn trong tình trạng bất cập, số lượng nhiều nhưng chất lượng lại không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Do đó mới có tình trạng cả trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, hay làm việc không đúng ngành được đào tạo. Các doanh nghiệp than phiền thiếu lao động có kỹ thuật, gây trở ngại cho việc tiếp nhận những dự án đầu tư cần hàm lượng lao động có kỹ thuật cao. Đây là vấn đề lớn cần phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ, để từ đó xây dựng một chiến lược phù hợp với thực trạng hiện tại, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong môi trường giáo dục, các chủ thể ở đây là người học, người dạy, phụ huynh học sinh, người đầu tư xây dựng trường, quản lý các cấp trong lĩnh vực giáo dục (hiệu trưởng, lãnh đạo bộ, sở, phòng…). Chúng ta thấy rằng đại bộ phận người học (học sinh, sinh viên ở các cấp lớp) lệ thuộc vào ước vọng và khả năng của cha mẹ, họ học là để mong sẽ có được một cuộc sống tốt trong tương lai. Còn phía thầy cô, nhà trường, lại đòi hỏi học sinh phải học theo nội dung chương trình trong sách giáo khoa, học sinh phải đủ điểm thi để lên lớp. Nói cách khác là thi như thế nào thì thầy cô sẽ dạy cho trò học thế ấy. Đồng thời, thầy và trò còn phải tuân theo quy chế chung về “tính sư phạm”, quy chế này áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng học sinh.
Về phía các cấp quản lý, với nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục (xã hội hóa giáo dục), ưu tiên của họ là phải bảo toàn vốn, có lãi để chia cho cổ đông, đồng thời tái đầu tư để mở rộng cơ ngơi.
Với các cấp lãnh đạo ngành giáo dục, họ lại có mục tiêu khác, đó là phải đạt được các chỉ tiêu giáo dục hằng năm, bởi nếu không đạt thì con đường quan lộ của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Ở tầm vĩ mô, nền kinh tế cần một lực lượng lao động ở mọi lĩnh vực, để đáp ứng kịp thời cho yêu cầu tăng trưởng kinh tế trong mọi thời điểm. Còn mục tiêu của quốc gia là phải đào tạo ra con người phát triển toàn diện, đủ khả năng để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc; một xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Với những mục tiêu, yêu cầu khác nhau như vậy, làm sao để giải được bài toán giáo dục đáp ứng được tất cả là cực kỳ phức tạp. Tuy nhiên, nếu đứng trên một góc nhìn mang tính chiến lược, sẽ có hai yếu tố cần được đặt lên hàng đầu, đó chính là mục tiêu của người đi học và mục tiêu của quốc gia.
Mục tiêu của mọi cá nhân khi đi học là làm sao để được học tập, học ngành gì, nghề gì và giá trị của giáo dục đối với người học được đánh giá bằng cái chuẩn là sau khi ra trường họ sẽ có công ăn việc làm, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên.
Còn mục tiêu của quốc gia là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hai mục tiêu trên chính là hai yếu tố cần và đủ của nền giáo dục của một nước. Nếu chúng ta không đáp ứng thỏa đáng được mục đích, yêu cầu của người học thì chẳng ai đi học. Ngành giáo dục, vì vậy, không có cơ sở tồn tại. Nhưng nếu học chỉ để lo cho cuộc sống của cá nhân mà không tạo ra được sự phát triển cho cộng đồng, quốc gia thì chưa đủ và nền giáo dục khi ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Để giải được hai yêu cầu thực tế ấy, nền giáo dục phải đảm bảo được:
Thứ nhất, người học trước tiên là vì cuộc sống, dù yêu cầu cuộc sống của mỗi người có thể khác nhau, nhưng công ăn việc làm là không thể thiếu. Thứ hai, Chính phủ phải đề ra một đường lối chính sách như thế nào để qua đó đất nước có một chiến lược giáo dục vừa phải đáp ứng được yêu cầu của người học vừa dẫn dắt, kết nối người học, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, chung sức xây dựng ra một xã hội như mục tiêu của quốc gia. Sự dẫn dắt đó chính là nội dung rèn luyện đạo đức con người, cũng là đạo đức xã hội gắn với cuộc sống của chúng ta.
Một khi ý tưởng nội dung chiến lược giáo dục đã được xác định như vậy, các yếu tố khác như thầy dạy, nội dung chương trình giáo dục, chế độ thi cử, nội quy nhà trường, chính sách xã hội hóa giáo dục, nội dung tự chủ của nhà trường, v.v… sẽ được các nhà làm luật giáo dục quy định cụ thể và phải đáp ứng cho nội dung chiến lược giáo dục đã đề cập.
Như vậy, nhà giáo dục (gồm nhà nghiên cứu và người giảng dạy) có thể đề ra những nội dung chương trình, sách giáo khoa khác nhau để nhà trường tham khảo và chọn lựa sao cho phù hợp với từng vùng miền của đất nước. Trường có quyền thiết kế nội quy của trường phù hợp với quy định, thậm chí còn được áp dụng các hình thức thưởng phạt khác nhau để rèn luyện học sinh (những nội dung trên sẽ được trình lên với các cấp có thẩm quyền và được công bố rộng rãi tại địa phương, nhất là cho phụ huynh học sinh biết để phối hợp thực hiện (tránh những tình huống đau lòng như cô giáo phạt học sinh quỳ gối khi không chịu học, rồi phụ huynh phản đối bằng cách bắt cô giáo quỳ gối để thỏa mãn cơn tức giận như báo chí vừa nêu).
Giáo dục là nơi cần có môi trường sáng tạo nhất. Cấp bậc học càng cao thì không gian sáng tạo càng lớn. Các nước có nền giáo dục phát triển thì độ tự chủ của nhà trường cũng như phương pháp giảng dạy của giáo viên càng được tôn trọng. Thầy đánh giá trình độ học sinh, nhà trường có chuẩn để cấp bằng tốt nghiệp.
Người sử dụng lao động chọn đúng những lao động họ cần. Thu nhập của người lao động tùy thuộc vào khả năng và hiệu quả lao động của họ làm ra. Bằng cấp chỉ là những cột mốc ghi nhận rằng người học có học đến “cột mốc nào đó” trên đường đời.
Nó chỉ có giá trị tham khảo khi người ta cần, chứ không có giá trị để tạo ra miếng cơm manh áo, và có đem bằng cấp đi… thế chấp ngân hàng thì cũng không ai nhận!
Trên cương vị quản lý ngành giáo dục, để xây dựng chiến lược giáo dục quốc gia, chúng ta phải nắm bắt những yêu cầu then chốt của lĩnh vực này, đặc biệt là nên thoát ra khỏi tư duy làm thay vai trò của xã hội, thị trường. Hãy thiết lập một hành lang pháp lý để tạo nên một môi trường sáng tạo cho mọi lực lượng xã hội cùng tham gia.
Có như thế, ngành giáo dục của nước ta mới nhanh chóng tiếp thu được tinh hoa của thế giới, tạo điều kiện cho mọi người cùng xây dựng một nước Việt Nam như mong ước: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.