Nguồn lao động trẻ của Việt Nam luôn được đánh giá cao nhưng “chất” không song hành cùng “lượng”, khi mà trình độ, tay nghề nhân lực của chúng ta không được đánh giá cao, nhất là so sánh trên bàn cân với các nước trong khu vực và thế giới. Không ít sinh viên tốt nghiệp đại học đã bị “vỡ mộng” trong những lần đầu tiên đi xin việc vì không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến đầu năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp và khoảng 60% sinh viên ra trường phải làm trái ngành. Trước thực trạng này, Trung tâm Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo UNESCO (UNESCO-CEP) đã thực hiện dự án Talent Generation 2018 nhằm phát triển những kỹ năng, kiến thức và nâng cao năng lực cạnh tranh của thế hệ trẻ trong những môi trường chuyên nghiệp.
Sinh viên thiếu kỹ năng và kinh nghiệm
Theo nghiên cứu của Học viện G.A.P, hầu hết sinh viên khi ra trường đều thiếu kỹ năng mềm để đáp ứng công việc. Nhiều sinh viên quan niệm rằng những kiến thức được trang bị ở giảng đường đại học là đã đủ cho một công việc ổn định khi tốt nghiệp. Nhưng trên thực tế, kỹ năng mềm là một trong những yêu cầu quan trọng mà nhà tuyển dụng quan tâm và đó mới thực sự là yếu tố quyết định làm nên sự khác biệt và năng lực cạnh tranh của sinh viên mới ra trường trong thị trường lao động hiện nay. Các doanh nghiệp luôn yêu cầu phải có năng lực giải quyết vấn đề, có suy nghĩ độc lập để tìm và bảo vệ ý kiến của mình và nhấn mạnh thái độ quan trọng hơn kỹ năng. Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp đánh giá kỹ năng, kỹ thuật của người lao động không phải là thấp, mà cái yếu là kỹ năng nhận thức và hành vi. Thứ mà người lao động đang “thiếu” so với nhu cầu của doanh nghiệp, đó là khả năng thích nghi với môi trường làm việc, khả năng giao tiếp, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp, khả năng tương tác làm việc nhóm, khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc. Dù vậy, sinh viên lại quá tự tin vào năng lực của mình, không ít sinh viên bị “vỡ mộng” ngay lần đầu tìm việc. Ngoài ra, nhiều sinh viên còn thiếu cơ hội trải nghiệm, thực hành thực tế khi còn ở môi trường đại học. Bất cứ một cơ quan, doanh nghiệp nào cũng mong muốn tuyển dụng được người có kinh nghiệm làm việc, vì thế hồ sơ xin việc của sinh viên cũng sẵn sàng bị loại nếu như không đáp ứng yêu cầu đó, cho dù bạn có sở hữu một tấm bằng đáng mơ ước! Rất nhiều bạn sinh viên than thở rằng, khi đi tìm kiếm công việc: “Nộp hồ sơ chỗ nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm làm việc, mà một sinh viên mới ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm?”. Chính là khi bạn còn học tập tại trường cao đẳng, đại học, bạn biết kết hợp giữa học và hành. Những sinh viên tích cực, năng động tìm những công việc làm thêm hoặc thực tập tại những nơi giúp ích cho lĩnh vực mình theo đuổi, nhất là các doanh nghiệp xã hội sẽ là những kinh nghiệm thực tế được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Giúp sinh viên định vị và phát triển bản thân
Trưa 16-3 vừa qua, tại Trường Đại học Kinh tế Luật TP.HCM, hơn 200 sinh viên đã đến tham gia chương trình workshop về chia sẻ những kinh nghiệm trong tuyển dụng. Nhiều em đã có mặt ở hội trường trước giờ hội thảo từ rất sớm để đón chờ các diễn giả đến từ Học viện G.A.P. Những kiến thức, kỹ năng tại chương trình như: “Giải mã suy nghĩ của nhà tuyển dụng”, “Năm hành động làm ứng viên nổi bật giữa hàng chục ứng viên khác”, “Mười sai lầm sinh viên hay mắc phải”… đã thật sự hữu ích cho các em sinh viên. Các chuyên gia tuyển dụng đến từ Ngân hàng Techcombank cũng đã giúp các em những buổi “phỏng vấn thử” vô cùng thú vị.
Đây là một trong hơn 20 buổi nói chuyện, workshop hướng nghiệp miễn phí cho sinh viên tại các tỉnh thành lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh và Cần Thơ, là một phần của dự án khai phóng và phát triển sinh viên Việt Nam Today’s Voice 2018 do UNESCO-CEP triển khai. Ngoài ra, UNESCO-CEP còn phát động cuộc thi Talent Generation 2018 với các mục tiêu chính là đánh giá năng lực ứng tuyển dành cho sinh viên và những người đi làm dưới ba năm kinh nghiệm, nhằm giúp các bạn xác định được năng lực và vị trí của bản thân trên thị trường nhân lực hiện tại, kịp thời cải thiện và phát triển trước khi bước vào môi trường làm việc thực thụ. Vì đối với sinh viên, định vị và phát triển bản thân là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết đối với thành công của mỗi người, cũng làm nên sự khác biệt trên thị trường lao động đầy cạnh tranh.
Cuộc thi Talent Generation 2018 được xây dựng chủ yếu qua hình thức online, tạo cơ hội tham gia cho tất cả những bạn trẻ trên khắp mọi miền tổ quốc, thông điệp “Mỗi người trẻ Việt Nam đều có bản năng tạo nên thành công” nhưng để tạo nên được thành công đó, mỗi người phải thấu hiểu được năng lực bản thân và bối cảnh để vận dụng tư duy và tiềm năng một cách vượt bậc. Toàn bộ đề thi đều được mua bản quyền từ các tập đoàn tư vấn chiến lược nhân sự tại Anh, Mỹ và được đóng góp bởi các doanh nghiệp đối tác của chương trình. Bộ đề được tổng hợp và chuẩn hóa để phù hợp cho bối cảnh sinh viên Việt Nam bởi đội ngũ Học thuật của Học viện G.A.P và được kiểm định chất lượng bởi bộ phận R&D của UNESCO-CEP. Những thí sinh ưu tú đi đến chặng cuối của cuộc thi sẽ có cơ hội được các chuyên gia đào tạo những kỹ năng thực tế, được trải nghiệm quy trình tuyển dụng của các công ty và rinh về những giải thưởng đầy giá trị. Bên cạnh đó, thí sinh còn được gặp gỡ, kết nối với cộng đồng các bạn trẻ tài năng trên khắp mọi miền đất nước.
Được biết, dự án lần này đã thu hút được sự quan tâm và chung tay của nhiều doanh nghiệp như Ngân hàng Techcombank, doanh nghiệp Vé Xe Rẻ, Công ty TNHH Bình Tiên (Biti’s), Công ty sữa Vinamilk, Công ty gốm sứ Minh Long… Sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp sẽ là điều kiện tốt để các bạn trẻ, thế hệ sinh viên Việt Nam có cơ hội được học tập, trải nghiệm và xây dựng sự nghiệp tại một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp và có mức độ tạo điều kiện cao, cùng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sinh viên Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, để cùng nâng tầm trí tuệ Việt, chắp cánh cho các thương hiệu Việt vươn lên tầm cao mới.