Xả rác bừa bãi gây ô nhiễm Phải có biện pháp xử lý tận gốc

Nhiều năm qua, TP.HCM đã phát động phong trào thực hiện nếp sống văn minh đô thị, làm đẹp hơn bộ mặt thành phố bằng cách kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan. Diện mạo thành phố vì vậy nhìn chung có sự thay đổi tích cực, đường phố có nhiều mảng xanh hơn, vỉa hè được cải tạo khang trang, chăm chút hơn với nhiều hoa kiểng… Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa thật sạch đẹp, dễ thấy nhất là tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Hành vi xấu này của không ít người lại là thói quen khó thay đổi, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường. Thế nên cần thiết phải có biện pháp xử lý tận gốc hành vi này.

Cuộc chiến với rác

Cùng với các cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, thành phố cũng lắp đặt thêm nhiều thùng rác công cộng trên các tuyến đường chính, khu vực đông dân cư.Nhờ thế, tình trạng xả rác bừa bãi có được cải thiện dù mức độ chuyển biến còn chậm. Do ý thức của người dân chưa cao nên thói quen xả rác bừa bãi chưa khắc phục được hoặc để rác không đúng chỗ. Thùng rác trên đường chỉ dành cho khách vãng lai bỏ rác, vậy mà có khi chứa cả đống mền gối hư cũ cùng nhiều thứ phế liệu khiến rác sinh hoạt bị vứt tràn ra ngoài. Không ít nơi thùng rác cái bị mất nắp, nơi mất luôn cả thùng…

Bê tông cũng thành rác thải ra đường

Rác có mặt trên từng cây số, từ lề đường xuống lòng đường, chỉ sau giờ công nhân vệ sinh thu gom rác xong là rác lại xuất hiện. Con đường vừa được quét sạch liền sau đó đã có vỏ hộp sữa, hộp xốp, bao thuốc lá, ly nhựa… do người đi đường, đi trên xe dùng xong vứt xuống đường. Tại các miệng cống, hố ga thường trở thành điểm tập kết rác của các xe bán hàng rong, các hộ buôn bán gần đó. Ở những nơi vỉa hè bị lấn chiếm làm chỗ buôn bán hàng ăn, người bán và cả khách xem vỉa hè là thùng rác công cộng, tùy tiện xả rác ra xung quanh. Còn ở những nơi công cộng như chợ, cổng trường học, bệnh viện, bến xe… đều có bảng “cấm đổ rác”, “yêu cầu giữ gìn vệ sinh chung”… nhưng như một nghịch lý, nơi nào bảng cấm nhiều thì lại càng tập trung nhiều rác. Trong khi đó vì mưu sinh, một số sinh viên làm thêm, phát tờ rơi quảng cáo ở các ngả ba, ngả tư đường cũng thiếu ý thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Vào giờ cao điểm, mỗi khi đèn đỏ dừng lại, những người phát tờ rơi băng ra đường dúi những tờ quảng cáo vào tay người chạy xe, hầu hết đều xem phớt qua rồi quăng xuống đường. Chỉ khổ cho những công nhân vệ sinh phải quét dọn, trả lại sạch sẽ cho đường phố.

Cảnh thường thấy trên đường phố, vừa quét dọn xong là lại xuất hiện rác

Đáng nói hơn, ở một số khu phố, con đường có đặt bảng khu phố văn hóa nhưng hẻm thì bị lấn chiếm bởi vô số hàng quán, rác vương vãi khắp nơi. Vào dịp cuối năm, nhiều nhà tổng vệ sinh, dọn dẹp, xây sửa nhà mới nên thải ra lượng rác khá lớn, từ gạch đá, phế liệu xây dựng đều có thể thải ra đường. Người ta cũng mang xác súc vật, gia cầm chết quăng xuống hồ, ao, kênh rạch và ra đường. Nhiều người tỏ ý lo ngại cho dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chưa kịp hồi sinh hoàn chỉnh thì lại mắc phải căn bệnh xả rác đang tái diễn.

 Lề đường thành bãi rác chứa đồ dùng cũ

Vẫn có điểm sáng về dọn dẹp vệ sinh

Đó chính là đường hoa Nguyễn Huệ mỗi dịp xuân về.Năm nay là lần thứ mười công trình này được thực hiện để phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn của người dân thành phố. Để biến đoạn đường dài gần 1km thành đường hoa là cả một khối lượng công việc khổng lồ mà chỉ thực hiện trong vòng 10 ngày, từ 17 đến 27 Tết là mở cửa cho khách tham quan. Đặc biệt là việc thi công phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường.Vì thế, các tiểu cảnh được thực hiện trên tấm lót chứ không tiếp xúc trực tiếp với mặt đường.Làm đã vất vả, kỳ công, nhưng khâu dọn dẹp vệ sinh lại càng vất vả hơn.Không ít người đã ngỡ ngàng khi 10g tối hôm trước đường hoa vẫn đông đúc, rực rỡ, vậy mà sáng tinh sương hôm sau đã biến mất không để lại dấu vết. Ông Trần Hùng Việt – Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, đơn vị thực hiện đường hoa cho biết, 22g mùng 4 Tết là đóng cửa đường hoa để dọn dẹp công trình, đến 5g sáng là mọi việc hoàn tất, trả lại mặt đường cho lưu thông. Chính vì thời gian rất ít nên phải huy động tối đa lực lượng từ nhiều đơn vị công ích, du lịch, điện lực, công viên cây xanh… phối hợp chặt chẽ với nhau. Trước hết phải có đội ngũ bảo vệ trực suốt con đường, chuyển các loài hoa kiểng quý lên xe trả về cho các vườn hoa, nghệ nhân, tháo dỡ các hệ thống điện chiếu sáng, âm thanh, nhạc nước, thác nước… Sau đó, công đoạn làm vệ sinh, thu gom rác thải phải hoàn tất rồi mới lắp đặt lại các biển báo giao thông. Không thể kể hết sự cực nhọc của anh em công nhân, nhưng vì đường hoa đã trở thành món ăn tinh thần, niềm tự hào của người dân thành phố nên phải cố gắng thực hiện ngày càng có chất lượng hơn. Đã bày ra được cũng phải dọn dẹp được thì thành phố mới cho làm, người dân mới ủng hộ.Đó là minh chứng cho việc có quyết tâm, có trách nhiệm thì sẽ làm được.

Đường hoa Nguyễn Huệ – công trình tâm huyết của nhiều người để mang lại vẻ đẹp cho thành phố được dọn dẹp rất nhanh chóng

Nói về việc giữ gìn mỹ quan đô thị, ông Trần Hùng Việt cho rằng ai cũng thích chiêm ngưỡng cái đẹp nên trước hết mình phải làm tốt, làm đẹp, thêm việc kêu gọi ý thức người dân thì sẽ hiệu quả hơn. Khi bước vào một nơi sạch đẹp, mọi người cũng ý thức hơn về hành vi của mình, “xem trước ngó sau” chứ không tùy tiện vứt rác như khi đi trên con đường nhếch nhác, xấu xí. Nếu bị nhắc nhở, người ta cũng dễ tiếp thu, sửa đổi hơn là cãi bừa kiểu “đường đã dơ sẵn rồi, thêm một chút cũng có ảnh hưởng gì”.

Biện pháp xứ lý cần mạnh hơn

Thành phố không thể đảm đương hết việc phải dòm ngó vệ sinh từng địa bàn.Vì thế, trách nhiệm giữ gìn môi trường thuộc về chính quyền cơ sở tại mỗi khu dân cư. Từ cấp phường có thanh tra xây dựng, lực lượng dân phòng, ban điều hành khu phố, tổ dân phố… đều có nhiệm vụ coi sóc tốt địa bàn của mình. Cần lập danh sách các hộ dân, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghĩa vụ đóng phí thu gom rác, tiếp nhận thông tin và xử lý nhanh các vi phạm gây ô nhiễm môi trường…

Để xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp cần có sựchung tay của nhiều người. Chính ý thức người dân, ý thức cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ môi trường.Nhưng ý thức phải được hình thành từ nền tảng giáo dục.Thiết nghĩ, khi ý thức người dân chưa cao thì cần có biện pháp chế tài mạnh, tăng mức phạt cao hơn để mang tính răn đe. Đồng thời các lực lượng chức năng cần liên tục kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý. Theo quy định hiện nay, hành vi vứt rác, chất thải… ra đường phố bị phạt từ 60.000 – 100.000 đồng. Mức này còn rất thấp, lực lượng kiểm tra xử lý cũng còn mỏng, chưa thường xuyên nên tình trạng xả xác bừa bãi vẫn xảy ra.

Phải nhìn nhận rằng việc xây dựng ý thức cho người dân lâu dài, không phải vài ba năm là đã làm được nên một khi đã làm thì phải kiên trì, phải thường xuyên có sựtheo dõi, kiểm tra, nhắc nhở. Tiếp theo, một khi đã nhắc nhở mà vẫn vi phạm thì phải xử phạt. Mức phạt tăng dần theo số lần vi phạm. Phải làm thay đổi nhận thức của nhiều thành viên, thế hệ trong gia đình về việc giữ vệ sinh môi trường để họ cùng nhắc nhở nhau. Có thể nói, chúng ta không thiếu giải pháp, vấn đề là phải có quyết tâm thực hiện đến nơi đến chốn, tránh việc giơ cao đánh khẽ.

Ngân An
Ảnh Lê Quỳnh

Exit mobile version