Kết quả khảo sát đánh giá các sân bay của trang thông tin khảo sát hàng không thương mại Skytrax công bố ngày 11-3 vừa qua lần thứ 3 liên tiếp công nhận sân bay Changi của Singapore đoạt giải thưởng Sân bay tốt nhất thế giới (World’s Best Airport).
Phát biểu tại lễ công bố, Giám đốc điều hành Skytrax nhận xét sân bay Changi đã luôn nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu Sân bay tốt nhất thế giới. Sân bay này luôn năng động và tập trung vào việc tạo nên những trải nghiệm thú vị nhất cho hành khách. Gần đây, sân bay của Singapore tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án phát triển quan trọng, bao gồm nhà ga số 4 và sân bay Jewel Changi, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều hơn những khu vực và tiện nghi mới tại sân bay để phục vụ hành khách.
Đóng vai trò là cảng hàng không trung chuyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là sân bay chính tại quốc gia có nền kinh tế nhộn nhịp nhất, chiến thắng liên tiếp trong ba năm liền của sân bay Changi là một thành quả đáng khâm phục, đánh dấu sự vượt trội của sân bay này và sự yêu mến của hành khách hàng không trên khắp thế giới.
World Airport Awards là cuộc khảo sát đánh giá về sự hài lòng của khách hàng dành cho 550 sân bay trên toàn thế giới, được tổ chức hằng năm với hơn 13 triệu bình chọn của khách hàng tại 112 quốc gia có các chuyến bay khai thác. Cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng thông qua 39 danh mục quan trọng của các sản phẩm và dịch vụ tại sân bay, từ khu vực thủ tục, ga đến, ga quá cảnh, khu vực mua sắm, an ninh và nhập cảnh đến khu vực khởi hành.
Trong nhóm mười sân bay tốt nhất thế giới năm nay có nhiều thay đổi từ vị trí thứ 5 trở đi vì bốn vị trí đầu vẫn giữ nguyên. Sự xuất hiện gương mặt mới là sân bay quốc tế Central Japan (Nhật Bản) cùng nghĩa với sự ra khỏi nhóm của sân bay Vancouver (Canada). Kết quả xếp hạng năm nay cũng đánh dấu sự thành công của các sân bay Nhật Bản khi sân bay Tokyo Intl Haneda được tăng từ một bậc, lên vị trí thứ 5 cùng với Central Japan Intl từ vị trí 12 lên vị trí thứ 7. Trong khi Zurich, Heathrow đã có một bước nhảy vọt về vị trí trong top 10 của năm nay thì Amsterdam và Bắc Kinh lại thể hiện sự tuột dốc rõ rệt, dù vẫn còn trụ trong top 10.
1. Sân bay Changi (Singapore – SIN)
- Số lượt khách hằng năm: 53,7 triệu
Changi hiện là sân bay căn cứ chính của các hãng hàng không Singapore Airlines, Silkair và Tigerair, cũng là sân bay có mức độ đông đúc nhất thứ 13 trên thế giới. Sân bay của Singapore cũng nhận được sự đánh giá cao của hành khách nhờ những kiến trúc đẹp, hoạt động khai thác hiệu quả, các tiện nghi sang trọng và lựa chọn về mua sắm và ẩm thực khá phong phú. Hành khách khi dừng chân ở đây có thể tận hưởng những giờ phút thoải mái trước hoặc sau chuyến bay tại những rạp chiếu phim, những kệ giải trí đa phương tiện, các phòng spa và những ống trượt xoắn kỳ thú.
2. Sân bay Incheon (Hàn Quốc – ICN)
- Số lượt khách hằng năm: 41,7 triệu
Vẫn giữ vị trí á quân của năm trước, sân bay Incheon là căn cứ chính của Hãng hàng không Korean Air và là sân bay đứng hàng thứ 24 về mức độ đông đúc nhất trên thế giới. Tọa lạc tại một hòn đảo bên ngoài thủ đô của Hàn Quốc, bắt đầu đi vào khai thác từ năm 2001, Incheon được đánh giá cao từ những tiện nghi bao gồm một dãy các khu vực mua sắm, ẩm thực đặc sắc cùng những màn trình diễn văn hóa của các đoàn nghệ thuật. Sân bay cũng có hẳn một phòng bảo tàng văn hóa Triều Tiên dành cho hành khách tham quan.
3. Sân bay Munich (Đức – MUC)
Số lượt khách hằng năm: 38,7 triệu
Tọa lạc tại phía đông bắc của thành phố Munich, sân bay Munich là một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới và đứng hàng thứ 2 tại Đức (sau sân bay Frankfurt). Là căn cứ chính của các hãng hàng không Air Berlin, Lufthansa và Condor, MUC nổi bật với kiến trúc bằng kính trên cao cùng một công viên dành cho khách tham quan nằm kề bên, có thêm một sân golf mini và khu trưng bày những chiếc máy bay mang tính lịch sử.
4. Sân bay Hongkong (HKG)
- Số lượt khách hằng năm: 59,6 triệu
Được xây dựng trên hòn đảo ngoài bờ biển của Hongkong, HKG trở thành một trong những sân bay nổi tiếng nhất thế giới kể từ khi mở cửa hoạt động từ năm 1998. Là một trong những sân bay đông đúc nhất khu vực châu Á, HKG là căn cứ chính của các hãng Cathay Pacific, Hongkong Airlines và Dragonair.
5. Sân bay Tokyo Haneda (Nhật Bản – HND)
- Số lượt khách hằng năm: 68,9 triệu
Haneda là một trong hai sân bay quốc tế chính của thành phố Tokyo. Cách trung tâm thủ đô của Nhật Bản chỉ vài dặm, Haneda đã chứng tỏ là một cảng xuất nhập thuận tiện dành cho khách du lịch và giới kinh doanh. Đứng hàng thứ 4 về mức độ đông đúc hành khách trên toàn thế giới, Haneda nổi tiếng về các sản phẩm dịch vụ, sự sạch sẽ và khu vực mua sắm phong phú.
6. Sân bay Zurich (Thụy Sĩ – ZRH)
- Số lượt khách hằng năm: 24,9 triệu
Chỉ cách trung tâm thành phố Zurich 8 dặm đường, sân bay này là căn cứ hoạt động của Hãng hàng không Swiss International Air Lines và đóng vai trò là sân bay kết nối thành phố lớn nhất Thụy Sĩ với phần còn lại của quốc gia này. Đối với các hành khách quá cảnh trong thời gian dài, sân bay cung cấp dịch vụ cho thuê xe đạp hoặc giày trượt băng cùng những chuyến tham quan Bảo tàng Thụy Sĩ ở khu nghỉ dưỡng Lucerne.
7. Sân bay Central Japan (Nhật Bản – NGO)
- Số lượt khách hằng năm: 9,8 triệu
Tọa lạc trên một hòn đảo nhân tạo giữa vịnh ISE gần thành phố Nayoga, sân bay Central Japan (còn được gọi là Centrair) là nơi tập trung khai thác của Japan Airlines và ANA, từng nắm giữ danh hiệu Sân bay khu vực tốt nhất trên thế giới. Tại đây có một tầng trên cao dài 1.000 feet dành cho hành khách để ngắm nhìn tàu thuyền tại cảng Nayoga cùng một phòng tắm kiểu truyền thống Nhật Bản để hành khách có thể vừa thư giãn, vừa ngắm mặt trời lặn trên vịnh.
8. Sân bay London Heathrow (Anh – LHR)
- Số lượt khách hằng năm: 72,4 triệu
Là sân bay đông đúc đứng hàng thứ 3 trên thế giới và lớn nhất trong năm sân bay chính tại London, Heathrow hiện đang trong giai đoạn tái thiết quy mô (xây dựng thêm nhà ga số 2 hoàn toàn mới khi nhà ga số 5 đã bảy năm tuổi từng được Skytrax vinh danh là Nhà ga tốt nhất thế giới). Hiện sân bay này đóng vai trò là căn cứ chính của hai hãng hàng không British Airways và Virgin Atlantic.
9. Sân bay Amsterdam Schiphol (Hà Lan – AMS)
- Số lượt khách hằng năm: 52,6 triệu
Là căn cứ chính hoạt động của KLM, Transavia và Delta, sân bay Schiphol là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Âu kể từ khi đi vào khai thác (năm 1916) và được yêu thích bởi sự đa dạng các hoạt động về giải trí, thư giãn cùng một thư viện sách phong phú, nơi hành khách có thể tận hưởng một quyển sách hay trong khi chờ chuyến bay khởi hành.
10. Sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc – PEK)
- Số lượt khách hằng năm: 83,7 triệu
Là sân bay đông đúc thứ hai trên thế giới, PEK đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự tăng trưởng của thủ đô Bắc Kinh, vì vậy nó vẫn đang tiếp tục được xây dựng thêm những hạng mục mới cũng như nâng cấp về mặt hạ tầng. Nhà ga số 3 của sân bay này từng được xếp hạng 10 trong số những nhà ga tốt nhất trên thế giới.