Theo một báo cáo vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, mỗi năm trên thế giới có 7 triệu người chết vì những nguyên nhân có liên quan đến thuốc lá. Đề cập đến nhu cầu giảm mức tử vong về thuốc lá, tiến sĩ Vinayak Prasad, Giám đốc chương trình kiểm soát thuốc lá của WHO, cho rằng “các nước cần kiểm soát việc sử dụng thuốc lá và có những chính sách ngăn ngừa ở mức độ tốt nhất”. Theo Prasad, hiện nay khuynh hướng chung là tốt, một chính sách có tên là MPOWER đang được quảng bá trên toàn cầu nhằm kiểm soát và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác hại của thuốc lá. Từ con số 42 nước vào năm 2007, hiện nay số nước đang áp dụng chính sách MPOWER đã lên đến 71 nước, bảo vệ sức khỏe cho 3,2 tỉ người trên hành tinh. Tất nhiên, mỗi nước có những biện pháp áp dụng riêng phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội của họ, nhưng kết quả chung là đáng khích lệ. Afghanistan và Campuchia đã thông qua đạo luật không hút thuốc nơi công cộng và chỗ làm việc; Nepal và Bangladesh thông qua luật buộc các hãng thuốc phải in nhãn trên bao thuốc lá to hơn, với nội dung rõ hơn, nhằm cảnh báo cho công chúng về những tác hại của thuốc lá.
Về phần mình, WHO đang cổ xúy và thuyết phục các chính phủ trên thế giới áp dụng biện pháp tăng thuế thuốc lá, vừa hạn chế hữu hiệu số người hút thuốc, vừa có thêm ngân khoản giúp chữa trị những căn bệnh do thuốc lá trực tiếp hay gián tiếp gây nên. Áo, Malta và Philippines là ba trong những nước đang thực hiện chính sách này. Riêng Philippines tăng thuế thuốc lá từ năm 2012, đến nay đã có thể nhận thấy hai hệ quả, một là ngân sách nhà nước thu thêm được 5 tỉ USD, hai là số người sử dụng thuốc lá giảm xuống. Khoản tiền trên góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhưng chính sách tăng thuế cũng gặp không ít khó khăn dưới áp lực của những cuộc vận động hành lang của các hãng thuốc lá muốn giữ nguyên hiện trạng. Bên cạnh việc tăng thuế, nhiều nước còn áp dụng các biện pháp song hành, trong đó có việc cấm quảng bá và quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện truyền thông hay nơi công cộng. Một vài nước, tiêu biểu là Ấn Độ, còn có những sản phẩm tương tự thuốc lá gọi là khaini (thuốc lá ngậm) hay bidis (thuốc lá quấn có nhiều hương vị khác nhau). Hiện nay, trong số 300 triệu người hút thuốc tại Ấn Độ, 72 triệu người hút bidis, phần lớn số còn lại hút khaini, đặt chính quyền nước này trước những vấn đề rộng lớn về sức khỏe cộng đồng và tệ nạn xã hội.
Trên tầm mức toàn cầu, kiểm soát thuốc lá là một phần quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững từ nay đến năm 2030, buộc các nước trên thế giới không thể không quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Lê Nguyễn tổng hợp
Xem thêm: