Cuộc xung đột tại Ukraina làm tiêu hao tiềm lực của đất nước này
Cuộc xung đột giữa hai thế lực, một thân Liên minh châu Âu (EU) và một thân Nga, tại Ukraina vào cuối năm 2013 đã ngày một leo thang, dẫn đến sự ra đi của tổng thống nước này là ông Viktor Yanukovych vào tháng 2-2014 và tạo ra cuộc đối đầu Đông – Tây lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Yếu tố quan trọng khiến ông Yanukovych phải ra đi là việc ông đã bác bỏ một thỏa hiệp hợp tác với EU có thể dẫn đến các hình thức mở rộng thương mại và kết nạp Ukraina vào EU. Thỏa hiệp này bao gồm một khoản vay trị giá 17 tỉ USD của IMF dành cho Ukraina, nhưng Yanukovych đã chọn gói viện trợ của Nga trị giá 15 tỉ USD cộng thêm khoản chiết khấu 33% trên trị giá khối lượng khí đốt do Nga cung cấp. Cuối cùng, khi ông Yanukovych vừa ra đi thì chính quyền Ukraina kế nhiệm thân EU đã cải thiện mối quan hệ với các định chế tài chính quốc tế và nhận của IMF gói viện trợ nhiều triệu USD vào tháng 5-2014. Về phần mình, ngày 22-5-2014, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã tán dương tân chính quyền Ukraina qua chương trình cải tổ có hiệu quả của họ và lời cam kết thực hiện sự cải tổ với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia WB.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ukraina là nước xuất khẩu bắp lớn thứ ba thế giới, xuất khẩu lúa mì đứng thứ năm thế giới, nhưng cuộc tranh chấp Đông – Tây trên đất nước này không xuất phát từ nông nghiệp, mà là từ việc giành quyền kiểm soát các nguồn lợi tự nhiên, bao gồm uranium và các khoáng sản khác. Một trong những nỗ lực hiện nay của WB và IMF là thúc đẩy chính quyền Ukraina có thêm nhiều cải tiến hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh và làm gia tăng khối lượng đầu tư tư nhân trong nước. Tuy nhiên, những cải tổ dưới sức ép của hai định chế tài chính hàng đầu thế giới này cũng mang lại cho Ukraina những hệ quả, trong đó nổi bật là sự tăng giá những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thuế thu nhập cá nhân tăng từ 47% lên 66% và giá khí đốt tăng 50%. Trong báo cáo có tựa đề “Đi về phía tây: Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong cuộc xung đột Ukraina”, một đồng tác giả là Frederic Mousseau, thuộc Viện Nghiên cứu Oakland (Mỹ), đã lập luận rằng các gói viện trợ của WB và IMF nếu dựa vào những cuộc cải tổ mang tính khắc khổ sẽ có tác dụng làm giảm mức sống và gia tăng sự nghèo đói ở nước này. Trong thời gian tới, chính quyền Ukraina sẽ phải có những chọn lựa để vừa có thể giành lại ưu thế trong cuộc xung đột giữa các phe nhóm, vừa mang lại sự no ấm cho người dân.
Lê Nguyễn tổng hợp