Ngân hàng Thế giới (WB) vừa dự báo rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn nhưng ít biến động hơn trong những tháng tới, nguy cơ khủng hoảng tài chính tại châu Âu cũng giảm đi, các nền kinh tế mới nổi phải đương đầu với những thách thức mới nhằm điều chỉnh cho phù hợp với giá sản phẩm thấp đang thấp đi và trước viễn cảnh lãi suất đang tăng lên. Các nhà kinh tế của WB dự báo là kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 2,2% trong năm nay và 3% trong năm 2014, tức là có phần kém hơn dự báo hồi tháng 1.
Báo cáo cho rằng tăng trưởng tại các nước có thu nhập cao sẽ chậm lại, còn Eurozone vẫn yếu nhưng rồi sẽ thoát ra khỏi suy thoái và Nhật Bản có thêm động lực nhờ các biện pháp tài khóa và tiền tệ chủ động sau một thập niên yếu kém và đình trệ. WB đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay của Nhật lên 1,4% (trước đây dự báo 0,8%).
Nếu kinh tế Mỹ được WB dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay thì ở các nền kinh tế mới nổi, dù tình hình có khác biệt lớn nhưng nhìn chung là tốt. Một khu vực rộng lớn gồm các nước Mỹ Latin, Đông Á và các nước châu Phi cận sa mạc Sahara đều tăng trưởng gần sát với tiềm năng, gắn liền với các yếu tố như tăng năng suất và có lực lượng lao động trẻ, nhưng cũng chỉ tăng trưởng nhẹ trong những năm tới. Nói chung, tốc độ tăng trưởng của toàn thế giới sẽ chậm hơn thời kỳ phát triển trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng sẽ kéo dài và bền vững hơn.
Báo cáo của WB còn cho rằng các nền kinh tế thuộc khu vực Đông Âu, Trung Đông và Bắc Phi vẫn còn yếu ớt. Các nước Trung Âu và Đông Âu đang vận dụng cơ chế thị trường nên không thể không đối mặt với những vấn đề tương tự như các nước châu Âu có thu nhập cao (hoạt động ngân hàng yếu kém, tín dụng thường có vấn đề và thâm hụt ngân sách lớn). Tuy nhiên, tăng trưởng tại các nước đang phát triển ở châu Âu sẽ từ khoảng 2,7% (năm 2012) vượt lên trên 4% trong năm 2015. Riêng khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn tiếp tục đối mặt với bất ổn chính trị nên tăng trưởng chỉ có thể trở lại nếu căng thẳng xung đột giảm đi.
Nền kinh tế thế giới về cơ bản đang sắp xếp lại một cách tích cực. Các nước đang phát triển tỏ ra tự tin và hợp tác để tạo tổng cầu mới. Hiện nay, trên 50% các nước đang phát triển có quan hệ thương mại song phương mạnh hơn so với quan hệ với các nước giàu như Mỹ và Nhật.
Thiên Bảo theo NYT, 12-6-2013