Ngày 18-3-2018, Panut Oprasertsawat (người Thái Lan) đã trở thành hành khách thứ 500 triệu của hãng hàng không giá rẻ Air Asia khi đáp chuyến bay từ Phuket đến Bangkok.
Con số to lớn nói trên đánh dấu một cột mốc thành công đầy ấn tượng sau 16 năm theo đuổi mô hình hàng không giá rẻ từ một khởi đầu đầy gian nan của hãng hàng không có trụ sở chính tại Malaysia. Đây cũng là hãng bay đang nhận được nhiều sự quan tâm tại thị trường Việt Nam, trong đó nổi bật là nỗ lực hình thành một liên doanh hàng không mới.
Trước khi trở thành một biểu tượng thành công cho mô hình hàng không giá rẻ của châu Á và là hãng hàng không chiếm giữ thị phần lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, Air Asia đã có một lịch sử phát triển ngoạn mục gắn liền với cái tên Tony Fernandes – doanh nhân nổi tiếng người Malaysia. Xuất hiện từ năm 1994 do Tan Sri Yahaya Ahmad – người sáng lập Công ty DRB-HICOM với mục tiêu trở thành hãng hàng không lớn thứ hai tại Malaysia nhưng hãng hàng không này đã trải qua một giai đoạn hoạt động không hiệu quả như mong đợi.
Vì vậy, sau khi Tan Sri qua đời đột ngột vào năm 1997, số phận của Air Asia rơi vào bế tắc. Cuối năm 2001, với niềm khao khát tạo nên một hãng hàng không để mọi người dân Malaysia đều có thể được bay, Tony Fernandes – CEO của Công ty Âm nhạc Warner Malaysia đã mua lại hãng hàng không này với giá chỉ 1 ringgit (tương đương 0,5 USD) cùng với khoản nợ lên đến 40 triệu ringgit (khoảng 20 triệu USD), quản lý 200 nhân viên và hai chiếc máy bay B737-300s. Chiến lược phát triển mới dành cho Air Asia được Tony Fernandes xác định theo mô hình mà Ryanair đang thành công rực rỡ tại châu Âu lúc bấy giờ, nghĩa là đảm bảo những tiêu chuẩn nhất định về chất lượng phục vụ, đặc biệt là chăm sóc hành khách phù hợp với văn hóa của người Malaysia nói riêng, châu Á nói chung.
Trái ngược với bộ máy hoạt động phức tạp của mô hình hàng không truyền thống, Air Asia dưới thời đại Tony Fernandes được thiết lập với mục tiêu giảm thiểu chi phí vận hành bằng cách bán vé qua mạng, không sử dụng những đại lý du lịch, chỉ khai thác một hạng ghế trên máy bay, tăng tối đa lượng ghế trong khoang khách, chỉ khai thác một dòng máy bay và khai thác tối đa thời gian bay. Ngoài ra, hoạt động bảo trì kỹ thuật được tận dụng ở mọi thời điểm khi máy bay nằm trên sân đỗ.
Trong con số 500 triệu lượt hành khách đã bay cùng Air Asia, có đến 60% là những hành khách lần đầu tiên đi máy bay. Đây là thành công đáng tự hào nếu so sánh với mục tiêu ban đầu của Tony Fernandes. Hiện Air Asia có khoảng 20.000 nhân viên và tới năm 2028 dự kiến sẽ sử dụng 500 máy bay với mạng lưới hơn 130 điểm đến và đi thuộc 50 quốc gia khác nhau, trong đó rất nhiều điểm đến chỉ có duy nhất hãng này khai thác.
Tại Việt Nam, hiện Air Asia đang khai thác các đường bay trực tiếp tới nhiều điểm đến trong khu vực châu Á. Theo tính toán của Tony Fernandes, Việt Nam sẽ là mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện sự kết nối trong khu vực ASEAN của Air Asia. Hiện Air Asia đang có hai hãng hàng không khai thác các đường bay thường xuyên đến Việt Nam là Thai AirAsia (FD) và AirAsia Berhad (AK). Sự bùng nổ của thị trường du lịch trong một thập niên gần đây tại Việt Nam càng kích thích Air Asia quyết tâm hơn để giành thị phần.
Con số 10 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2016 cùng xu hướng du lịch nước ngoài của người Việt tăng nhanh đang biến thị trường hàng không của nước ta trở thành một miếng bánh đầy hấp dẫn trong con mắt của các hãng bay, trong đó có Air Asia. Năm ngoái, Air Asia đã bắt đầu triển khai mục tiêu khai thác những đường bay hoàn toàn mới lạ như đã từng thực hiện thành công tại nhiều thị trường trong khu vực, điển hình là đường bay Nha Trang – Kuala Lampur với tần suất bay hằng ngày. Xa hơn nữa, Air Asia còn muốn lập một liên doanh hàng không với một đối tác Việt Nam để khai thác cả các chuyến bay nội địa lẫn quốc tế.
Trong cuốn sách Flying High được xuất bản hồi tháng 6 năm ngoái, Tony Fernandes đã khẳng định vị thế của Air Asia trên thị trường hàng không toàn cầu một cách tự tin như sau: “Chúng tôi không còn là những kẻ đến sau hay là một Robin Hood trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không. Bây giờ, chúng tôi đang trở thành một Goliath để tạo nên những thách thức mới”. Điều này cho thấy Air Asia đang có những tham vọng lớn trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng đối với thị trường hàng không thế giới thông qua việc đẩy mạnh mức độ nhận diện thương hiệu và thị phần, đặc biệt là tại khu vực ASEAN.
Thị trường hàng không Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới với sự xuất hiện của thêm nhiều thương hiệu hàng không nữa. Những thách thức mới mà Air Asia có thể đem đến sẽ kích thích ngành vận chuyển hàng không nước ta đổi mới mạnh mẽ hơn, tạo ra những cơ hội cạnh tranh bình đẳng và đem lại nhiều lợi ích hơn cho giới tiêu dùng.