Tối 13-9, tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (Q.2) đã diễn ra vở múa Vùng ẩn của nhóm các bạn trẻ gồm bốn diễn viên – biên đạo múa xuất thân từ đoàn múa Arabes: Ngô Thanh Phương, Đào Thụy Thúy Vân, Nguyễn Chung, Nguyễn Hữu Thuận; Đào Tùng (âm thanh), Dương Quốc Khoa (ánh sáng). Đây là vở múa không diễn trên một sân khấu thông thường mà các nghệ sĩ đã trình diễn trên không gian Thuyền nhà thuyền của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly.
Thanh Phương hào hứng cho biết: “Từ khi bắt đầu có thông tin về triển lãm tác phẩm của chị Ly Hoàng Ly, một người bạn của chúng tôi có liên kết với The Factory và đưa ra ý kiến sẽ diễn một vở múa ở đây. Chúng tôi thích thú với ý kiến này và đã có hơn một tháng bắt đầu lên ý tưởng, biên đạo, tập luyện, tìm nhạc, làm ánh sáng…”. Vùng ẩn được ra đời như vậy, bắt đầu từ sự ngẫu hứng và đã đem lại nhiều cảm hứng cho nghệ sĩ và khán giả. Đây là một vở múa đương đại có thời lượng gần một tiếng với rất nhiều chuyển động của nghệ sĩ từ không gian chật chội trong Thuyền nhà thuyền đến đến các “ngõ ngách” của khối điêu khắc và ra cả không gian rộng phía ngoài.
Các nghệ sĩ không cố tình dựng và thể hiện vở múa với nội dung rõ ràng mà mong muốn khán giả sẽ có thể tưởng tượng câu chuyện của mình từ vở múa này. Ở cảnh cuối, nghệ sĩ còn ngẫu nhiên mời khán giả lên khiêu vũ cùng vì họ muốn khán giả trực tiếp tương tác với người trình diễn. Và, đúng là các khán giả không hiểu giống nhau thật! Với cái ngột ngạt ban đầu cho đến cái phóng túng về sau, có người xem tưởng tượng đó là một quá trình tìm kiếm, trải nghiệm, giải phóng tinh thần và thể xác của mình nhưng có người bảo rằng đó là những người đang đặt câu hỏi về hiện tại của mình và họ đang tìm kiếm gì cho hiện tại đó…
Nhưng đó là khi tác phẩm đã hoàn thành và được biểu diễn thành công. Còn quá trình hơn một tháng các nghệ sĩ tập luyện thì gặp nhiều khó khăn và còn gặp cả tai nạn khi thử nghiệm một vở múa trên “sân khấu” này. Mới đầu nghe qua thì hào hứng nhưng khi khối điêu khắc được triển lãm, các nghệ sĩ cảm thấy diễn trên không gian này nặng nề và lạnh lẽo quá. Nhưng không thể bỏ ngang, các biên đạo phải nghĩ ra những chuyển động phù hợp với không gian này. Vài ngày sau, cái nặng nề và lạnh lẽo ấy lại chính là niềm cảm hứng dào dạt cho nhóm múa bởi họ bắt buộc phải suy nghĩ liên tục, từ đó có những sáng tạo.
Chẳng hạn, trong bảy phút đầu tiên, bốn nghệ sĩ phải làm sao để cùng chuyển động trong khoảng trống chỉ chừng hơn sáu mét vuông là sự tính toán thú vị cho cả nhóm. Thuyền nhà thuyền chia không gian ra thành những góc khác nhau, các nghệ sĩ cố tình không diễn ở khoảng trống mà ai cũng nhìn thấy. Họ di chuyển đến các góc khuất khác nhau khiến khán giả chỉ thấy được những mảng sáng tối, nghe được âm thanh của âm nhạc và của sự chuyển động. Nếu khán giả di chuyển theo để xem người này thì sẽ không thấy người kia diễn. Điều đó không làm người xem khó chịu mà ngược lại còn cảm thấy ngạc nhiên thú vị, kiểu nghệ sĩ và khán giả chơi trò trốn tìm.
Trong một không gian ấm cúng, chừng 100 khán giả đến thưởng thức, tương tác trực tiếp với nghệ sĩ và nghệ sĩ vừa diễn vừa có thể quan sát rõ biểu cảm của người đang thưởng thức mình đã đem lại những cảm xúc mới lạ cho các nghệ sĩ trẻ. Lần đầu tiên khán giả được đứng vòng quanh “sân khấu” xem múa, rất gần để xem những chuyển động của nghệ sĩ, thậm chí còn di chuyển theo nghệ sĩ và thoải mái thể hiện biểu cảm/cảm xúc của mình. Vở múa Vùng ẩn là một trải nghiệm thú vị cho cả người xem và người trình diễn.
Triển lãm cá nhân của Ly Hoàng Ly đã được diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (quận 2) từ ngày 10-8 và sẽ kết thúc vào ngày 17-9. Điểm nhấn của triển lãm là khối kim loại khổng lồ nặng 21 tấn mang tên Thuyền nhà thuyền. Đây là một công trình nghệ thuật công cộng, tháo lắp được và dễ di chuyển mà nghệ sĩ Ly Hoàng Ly mong muốn được đặt ở những không gian công cộng, ở đó công chúng có thể tương tác trực tiếp với tác phẩm. Hơn một tháng diễn ra triển lãm tại The Factory, Thuyền nhà thuyền ngoài việc được trưng bày còn được sử dụng làm nơi tổ chức các buổi nói chuyện của nhóm hoạt động nghệ thuật Toa Tàu, các buổi nói chuyện về nghệ thuật công cộng.