Giữa lúc dư luận trong nước đang nóng lên bởi bán đảo Sơn Trà tại Đà Nẵng bị phá rừng, san núi để xây dựng một siêu dự án nghỉ dưỡng, đe dọa đến loài voọc chân nâu quý hiếm có tên trong Sách Đỏ sống trong khu bảo tồn thiên nhiên gần đó thì tại New York, một nghệ sĩ thị giác gốc Việt đã thực hiện một cuộc trưng bày liên quan đến loài linh trưởng này.
Với tên gọi “Lũ khỉ bị đe dọa tuyệt chủng và di sản cuộc chiến tranh Việt Nam” (Endangered monkeys and the legacy of the Vietnam War), triển lãm diễn ra tại gallery Ground Floor ở khu Brooklyn của thành phố New York đến hết tháng 3-2017, với nội dung cảnh báo một loài linh trưởng tại Việt Nam đang gặp nguy cơ tuyệt chủng đi cùng một tài liệu của quân đội Mỹ có từ năm 1969.
Khoảng bảy năm trước (2010), Tammy Nguyễn bước vào một cửa hàng sách cũ ở TP. Hồ Chí Minh; ở đó cô tình cờ tìm thấy một tài liệu của quân đội Mỹ ấn hành năm 1969, nói về việc tái cấu trúc và hiện đại hóa thành phố Đà Nẵng, nơi những đơn vị đầu tiên của Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng vào tháng 3-1965, khởi đầu cho cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Trong tài liệu đó, Đà Nẵng được gọi là “đô thị linh trưởng” (primate city) bởi ngoài yếu tố là nơi sở hữu một loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất thì thành phố này khi đó – theo giải thích của Tammy Nguyễn – còn là một đô thị bị cô lập bởi những vùng nông thôn rộng lớn không thể thích nghi với sự phát triển, đô thị hóa quá nhanh khiến các nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt và cho thấy một tương lai bất định.
Rồi vài năm gần đây, có dịp trở lại Đà Nẵng, Tammy Nguyễn dành nhiều thời gian quan sát loài voọc trên núi Sơn Trà, nơi từng có một căn cứ quân sự Mỹ trong cuộc chiến đã qua. Loài voọc chân nâu dù đã sống sót qua chiến tranh khốc liệt song ngày nay sự tồn vong của chúng đang bị đe dọa từng ngày bởi một dự án xây dựng khu resort lớn trên bán đảo. Đó là nguồn cơn của triển lãm đang diễn ra ở New York. Ở đó, khách thưởng ngoạn sẽ xem tranh, các bản in và những tập sách của Tammy Nguyễn. Những bức tranh được cô thể hiện với màu sắc sinh động và với thế giới cỏ cây, hoa lá như trong một giấc mơ kỳ ảo, song lại đưa người xem trở về với thực tại nghiệt ngã của loài voọc: chúng đang bị đe dọa diệt vong. Triển lãm phản ánh mối quan tâm sâu sắc của tác giả về địa chính trị, sự khám phá những yếu tố lịch sử ít được biết tới và các câu chuyện kể đầy ý nghĩa. Quá trình hình thành triển lãm cũng là quá trình nghiên cứu tập trung của cô qua các chuyến đi dài ngày, chụp ảnh và thâu thập tài liệu công phu. Nói về loài linh trưởng song sâu xa hơn Tammy Nguyễn quan tâm đến các điều kiện sống của cư dân bản địa cũng như mong muốn bảo tồn những gì quý giá nhất ở Việt Nam.
Sinh năm 1984 ở San Francisco trong một gia đình gốc Việt, Tammy Nguyễn có bằng cử nhân nghệ thuật vào năm 2007 và nhận bằng cao học tại Trường Nghệ thuật của Đại học Yale năm 2013. Trong hai năm 2007-2008, cô sang Việt Nam theo học bổng Fulbright và nghiên cứu về nghệ thuật sơn mài truyền thống. Tammy Nguyễn từng triển lãm tại Sàn Art và tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Bronx ở New York cùng nhiều nơi khác tại Mỹ.
Tác phẩm của cô có trong sưu tập của Đại học Yale và Bảo tàng MoMA ở New York.
- Ngã Văn