Từ Hạ Môn, chúng tôi đã đi xe lửa cao tốc tới TP. Võ Di Sơn . Võ Di Sơn không những là khu du lịch hàng đầu tỉnh Phúc Kiến, “Đệ nhất thắng cảnh đông nam Trung Quốc”, vừa là di sản văn hóa vừa là di sản thiên nhiên thế giới (World cultural and natural heritage) được UNESCO công nhận. Được “vinh dự kép” như vậy, cả Trung Quốc (TQ) mới chỉ có bốn nơi.
Xe lửa cao tốc vẫn là “thiết lão đại”
Tôi lại có cơ hội thể nghiệm hệ thống xe lửa cao tốc đứng đầu thế giới của TQ. 7 giờ lăn bánh, chúng tôi phải đến ga Bắc Hạ Môn từ 6 giờ, phải qua hai cửa kiểm tra an ninh.
Tôi từng đi xe lửa cao tốc ở Đài Loan, chỉ cần đến đúng giờ, chờ sẵn ở cổng lên, không cần qua khâu an ninh, nên tiết kiệm được thời gian và cạnh tranh đuợc với đường bay nội địa. Có lẽ xe lửa TQ vẫn là “thiết lão đại” (anh cả đường sắt), nên vẫn giữ thái độ cao ngạo với khách hàng.
Xe lửa chỉ mất 2 giờ 21 phút đã đến ga Đông Võ Di Sơn, hành trình 591km. Tàu chạy với vận tốc 300km/giờ, nhanh hơn xe lửa cao tốc ở Đài Loan, chỉ có 245km/g.
Chạy nhanh như vậy, nhưng êm ru, kể cả lúc khởi động và dừng lại, hành khách hoàn toàn không biết mình đang đi với tốc độ bằng máy bay cánh quạt thế hệ cũ. Tốc độ này của xe lửa cao tốc TQ vẫn chưa phải nhanh nhất thế giới, nhưng đặc biệt là chạy rất đúng giờ.
Trên đường có qua TP. Phúc Châu, tỉnh lỵ tỉnh Phúc Kiến. Phúc Châu tuy là trung tâm tỉnh, nhưng độ nổi danh kém xa Hạ Môn và Tuyền Châu, chỉ được xếp thứ 3 trong các thành phố trực thuộc tỉnh.
Đến nay, nhờ xe lửa cao tốc, đường sắt vẫn là đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế TQ. Đến cuối năm 2017, TQ đã có 25.000km đường sắt cao tốc, chiếm 66% tổng chiều dài đường sắt cao tốc thế giới.
Võ Di Sơn là thành phố miền núi, có nhiều thắng cảnh, nhưng quy mô nhỏ, dân cư thưa thớt, trên diện tích 2,800km2 mới có 240.000 người. Dạo trên đường phố, tôi phảng phất đâu đâu cũng ngửi thấy hương trà, quả không hổ danh “thủ đô hồng trà” TQ.
Võ Di Sơn đệ nhất cảnh
Từ ga Đông Võ Di Sơn chạy theo hướng đông 18km tới khu du lịch (KDL) Thiên Du Phong là đệ nhất thắng cảnh Phúc Kiến. Thiên Du Phong hùng cứ một cõi, suơng mù bao trùm khe núi, ba mặt có suối Cửu Khúc bao bọc.
Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, như mây như khói, như sóng biển muôn trùng nhấp nhô, như đặt chân đến bồng lai tiên cảnh, như ngao du tiên cung quỳnh các, nên có tên Thiên Du Phong. Đường lên núi hiểm trở, tuy có xây dựng “sạn đạo” cheo leo, nhưng lên được đỉnh cũng mất 50 phút.
Kỳ thực, Tiên Du Phong chỉ là một tảng đá lớn, cao có 408m, nhưng phải lên đỉnh mới thấy cảnh đẹp thần tiên của nó. Trong đoàn tuy cũng có nhiều bà già, nhưng chỉ mình tôi phải lụ khụ chống gậy.
Phía nam Võ Di Sơn, có KDL “Một tia nắng”. Giữa dãy núi trùng điệp Võ Di Sơn, nơi hai dòng suối hợp lưu, có một tảng đá lớn, trông như thành quách, gọi là Linh nham.
Linh nham mọc xiêu vẹo, bao phủ ba hang núi lân cận. Đỉnh Linh nham có một khe núi sâu thăm thẳm. Khe núi cao 300m, dài 100m nhưng rộng chưa tới 1m.
Vào trong hang động, nhìn ngược lên trời, kẽ nứt trên đỉnh chỉ có 30cm, như núi bị chiếc rìu lớn chẻ dọc, như cầu vồng bắc qua, đó chính là kỳ quan “Một tia nắng”. Hang núi quá hẹp, chỉ cần một người dừng lại chụp hình là gây “ùn tắc giao thông”.
Tôi mộ danh vào hang núi cho bằng được, nhưng đã vào lại muốn ra ngay, không những gây ngộp thở, còn có đàn dơi lượn trên đầu, sẵn sàng “thả bom” du khách.
Phía đông Võ Di Sơn, có một hang động cưc lớn, gọi là KDL “Thủy liêm động”. Vách núi cao cả trăm mét, trên nhô ra, dưới thu vào, hình thành hang động, có thể chứa cả ngàn người.
Suối trên đỉnh núi tuôn xuống như rèm cửa, giống Thủy Liêm động núi Hoa Quả trong truyện Tây du ký. Tôi đến vào mùa khô, nước cạn, vắng khách, đành đứng ngoài KDL chụp hình lưu niệm, cứ mường tưởng đó là quê hương Tề thiên Đại thánh.
Trôi dạt trên dòng suối Chín Khúc
Suối Chín Khúc (Cửu Khúc khê) từ hướng tây bắc, đoạn qua KDL Võ Di Sơn chỉ có 10km, nhưng uốn thành chín khúc 18 ngoặt, nước suối trong vắt, là linh hồn Võ Di Sơn. Mặt suối soi bóng ngược của đỉnh núi, khiến tôi liên tưởng đến bến Tràng An, Ninh Bình (Việt Nam).
Phim Tây du ký quay cảnh Tiểu Bạch Long bị đày chờ người thỉnh kinh, đã lấy ngoại cảnh tại đây. Núi cao muôn trượng, vực sâu thăm thẳm càng khiến suối Chín Khúc vang danh như cồn.
Đi trên những chiếc bè trúc cổ xưa 11x2m, trôi dạt trên sông nước giống như đi vào thế giới đồng thoại, càng giống cuộc thám hiểm của bác sĩ Hessy Mouhot người Pháp đi tìm phế tích Angkor năm xưa trong rừng rậm.
Bè ghép từ chín cây bương, hơ nóng bẻ cong, tạo hình đầu hơi nghếch lên như thuyền rồng, trên đặt sáu chiếc ghế mây kết nối với bè một cách lỏng lẻo, có thể ngồi tư thế ngả lưng, chở sáu người, du khách đều phải mặc áo phao.
So với đi thuyền, tôi cảm thấy đi bè tuy có cảm giác chòng chành, nhưng thực ra an toàn hơn, vì bè trúc có sức nổi lớn, không lo bị lật hay chìm bè.
Bè do một tài công điều khiển nhẹ nhàng bằng cây sào, khéo léo tránh những tảng đá ngầm và vực sâu (nơi sâu nhất tới 36m).
Qua một khúc, cảnh sắc đổi khác, nếu du khách chịu chi thêm tiền tip 20 NDT (khoảng 66.000 đồng/người), sẽ được nghe tài công giảng giải tường tận kèm theo lời nói chọc cười duyên dáng về sự tích từng khúc suối.
Sau đây, tôi giới thiệu một số cảnh đẹp tiêu biểu:
– Ngọc nữ phong. Khúc thứ 2, đẹp nhất trong 36 đỉnh Võ Di Sơn, nằm ngay cạnh thắng cảnh “Một tia nắng”.
– Đá phơi vải. Khúc thứ 6, vách đá bên trái dựng đứng, giống người khổng lồ mang vải ra phơi. Trên vách có hàng trăm đường rãnh do nước mưa xói mòn mà thành, phản chiếu dưới nước, như hàng trăm con rắn lay động. Thắng cảnh Tiên du phong cũng nằm trong khúc này.
– Song nhũ phong. Ở Khúc thứ 8, có hai ngọn núi cao như cặp nhũ hoa thiếu nữ căng tròn, gọi là Song nhũ phong. Gặp trời mưa, nước suối chảy ào ào, chẳng khác gì dòng sữa tuôn ra. Năm Gia Tĩnh đời Minh (1554), có vị quan ngự sử chê tên Song nhũ phong bất nhã, nên cầm bút sửa thành Tính liên phong (núi Hai đóa sen sinh đôi) và cho khắc trên vách đá, nhưng dân dã vẫn gọi là Song nhũ phong. Khúc thứ 8 vùng nước mở rộng, đá lạ lởm chởm, trông giống như vườn thú trên nước, nào là sư tử, rùa đá, đá voi, núi lạc đà v.v…
Sau hơn 2 tiếng trôi dạt, mọi người mệt nhoài vì phải cuốc bộ về nơi lên bè. Tôi lững thững theo sau, lãnh hội được ý đồ nhà tổ chức: cho du khách thưởng ngoạn đoạn phố cổ dài độ 200m phỏng theo phong cách đời Tống, dạt dào ý thơ, đó là thu hoạch bất ngờ trong chuyến đi này.
Lãng mạn giấc mơ trà
TQ là quê hương trà, có nền văn hóa trà hết sức phong phú. Dựa theo phương pháp chế biến (có lên men hay không), người ta chia trà thành ba nhóm như sau:
- Trà không lên men, bao gồm tất cả các loại trà xanh (lục trà), như Long Tỉnh, Bích La Xuân, Mạt trà Nhật Bản, trà Hoàng Sơn Mao, trà Tân Cương VN… Sau khi thu hoạch phải hong khô rồi sao ngay để diệt men có sẵn trong lá trà và giữ nguyên chất diệp lục, nên nước trà có màu xanh.
- Trà nửa lên men, lá trà hái xong phải ủ, nhưng không để lên men hoàn toàn, như trà Ô long (Oolong), trà Thiết Quan Âm, trà Đại Hồng Bào Võ Di Sơn…
- Trà lên men, trà thu hoạch xong phải qua hai lần lên men, hình thành hương vi đặc trưng. Nước trà có màu đỏ sậm, nên còn gọi là hồng trà hay trà đen, thường dùng với đường sữa, như trà Lipton, Dimah, hồng trà Kỳ Môn, trà Phổ Nhĩ… Người Anh nổi tiếng là dân tộc sành trà, họ hay uống trà buổi chiều (afternoon tea), chính là hồng trà.
TQ cũng như nhiều nước trên thế giới, thường diễn ra những cuộc bình chọn “thập đại danh trà”, như là tuyển hoa hậu thế giới vậy. Trà Long Tỉnh Hàng Châu luôn là “hoa hậu”, Đại Hồng Bào thường xếp “á hậu” thứ 8, nhưng trong rừng các danh trà, được lọt vào Top 10 cũng chẳng dễ dàng chút nào.
Trà Đại Hồng Bào có hương ngào ngạt của trà xanh, lại có vị dịu ngọt của trà đen, có màu hổ phách óng ánh, là cực phẩm trong dòng trà ô long. Có biệt danh “trà trung chi vương” (vua trà).
Danh trà phải xuất xứ danh sơn. Võ Di Sơn trong phạm vi đường kính 60km2 có độ cao 650m so với mặt biển, bốn bề đều là vách cao vực sâu, tách biệt với vùng núi bên ngoài. Chính 36 núi, 99 mỏm, 9 khúc suối. Danh sơn thắng cảnh đã hun đúc linh khí danh trà.
Tương truyền đời nhà Minh, có một cử nhân trên đường lên kinh thành dự thi, đến Võ Di Sơn thì lâm bệnh, bụng đau quằn quại; tình cờ gặp nhà sư pha trà cho uống, hết đau liền.
Về sau, ông thi đậu trạng nguyên, trở về nơi cũ cảm tạ nhà sư, được biết xuất xứ của trà. Ông liền cởi hồng bào ra, khoác lên cây trà mọc ở hốc đá. Từ đó, trà đặc sản Võ Di Sơn mang tên Đại Hồng Bào.
- Xem thêm: 1.300 năm, Phượng Hoàng cổ trấn
Đại Hồng Bào xưa nay đã hiếm, mà chỉ có cây trà từng được khoác áo đỏ kể trên mới được công nhận chính phẩm. Ngày nay, cây trà đã lên cao cả chục mét, nhưng vào những năm “được mùa” cũng chỉ cho vài trăm gam.
Thời kỳ Dân Quốc (1911-1949), 1kg Đại Hồng Bào trị giá 128 đồng bạc, tương đương 4.000 tạ gạo. Thời kỳ CHNDTH, qua một cuộc đấu giá tại chỗ, đã lập kỷ lục giá trên trời: 156.800 NDT/20g, tương đương 541 triệu đồng chỉ mua được 20g.
Năm 1972, khi Tổng thống Mỹ Nixon thăm TQ, đã được Chủ tịch Mao trân trọng tặng 200g Đại Hồng Bào. Nixon không biết giá trị Đại Hồng Bào, thầm trách Mao keo kiệt. Được biết, Thủ tướng Chu Ân Lai giải thích: “Chủ tịch chúng tôi đã tặng ngài nửa cõi giang sơn rồi đó”. Nixon mới hết khúc mắc trong lòng.
Qua nhiều năm nghiên cứu, năm 2006, phương pháp sinh sản vô tính bằng cành đã thành công, giữ nguyên đặc tính cây mẹ, dòng dõi quý tộc Đại Hồng Bào được nối tiếp, kéo giá trà trở về bình thường. Cùng năm, Võ Di Sơn quyết định ngưng thu hoạch cây gốc để bảo vệ di tích.
Cây gốc Đại Hồng Bào đã trở thành quốc bảo TQ. Ngày 10-10-2007, tại Tử Cấm Thành Bắc Kinh, đã cử hành nghi thức long trọng “Đưa cây gốc Đại Hồng Bào tuyệt bản vào Bảo tàng quốc gia”.
Thành phố Võ Di Sơn đã làm lễ hái 20g trà tượng trưng cuối cùng, rồi tiễn đưa cả cây Đại Hồng Bào 350 năm tuổi (chỉ tính từ đời Minh có thể kiểm chứng được) di thực đến Bảo tàng quốc gia như đồ gia bảo.
Bí ẩn cây “trà vua”
Tuy trà Đại Hồng Bào đã sinh sản vô tính thành công, cây gốc đã được đưa vào bảo tàng để bảo tồn nguồn gien, nhưng nơi xuất xứ của cây “trà vua” vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đường vào sâu vùng trà một bên là núi cao, một bên là đồi trà, có ghi rõ chủng loài trà như thủy tiên, ngọc kỳ lân, nhất chi xuân v.v… Đường tuy đã lót gạch, nhưng vẫn còn rất gồ ghề, tôi phải chống gậy mới theo kịp đoàn.
Đã là vua, phải chễm chệ trên ngai vàng; “ngai vàng” của vua trà là một khe nứt trên vách núi cheo leo, chỉ có thể ngẩng đầu lên nhìn chứ không thể đến tận nơi.
Vua trà cành lá sum suê là báu vật ngàn năm, ngoài cây đã được di thực vào Bảo tàng Cố cung, hãy còn lại bốn cây, được mua bảo hiểm trị giá 100 triệu NDT.
Những cây trà được quây trong lan can, sống nhờ nước suối rỉ ra trong khe núi, không cần bón phân. Mỗi năm, từ ngày 13 đến 15-5 phải huy động người hái bằng thang mây.
Muốn mua trà, chúng tôi lại trở về thành phố Võ Di Sơn. Đây là thành phố trà, đâu cũng thấy trà, hương vị ngào ngạt còn hơn thành phố Bảo Lộc bên mình và giá cả cũng phải chăng. Trà Đại Hồng Bào có dạng dây thừng xoắn, khác với trà Ô long hình cầu hay trà Long tỉnh hình sợi.
Trà đổ xá thành đống, khi khách mua mới đóng gói sơ sài; chủ hỏi thêm khách mua về uống hay biếu, nếu biếu thì lại đổi qua đóng gói ba lớp trang trọng hơn.
Tôi từ biệt Võ Di Sơn, như từ biệt một giấc mơ, những núi cao, khe suối uốn khúc và… Đại Hồng Bào.