Vài năm trở lại đây, những người bạn mê du lịch của tôi rỉ tai nhau về địa điểm có tên Phượng Hoàng cổ trấn (nằm ở phía tây, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), khiến sự tò mò và háo hức trong tôi ngày càng lớn. Chỉ mong sớm có ngày được đặt chân đến vùng đất liêu trai, kỳ bí và rất đỗi thơ mộng này.
Đầu tháng 5, tôi đến với Phượng Hoàng cổ trấn có lịch sử 1.300 năm tuổi. Từ TP.HCM, để tới được với Phượng Hoàng cổ trấn, hiện chưa có đường bay thẳng đến nơi này nên ta phải quá cảnh đến Quảng Châu hoặc là Thâm Quyến, sau đó mới đi chuyến bay nội địa đến thành phố Trương Gia Giới.
Thời gian ngồi trên máy bay mất khoảng 4 tiếng rưỡi, nếu tính thêm thời gian quá cảnh khoảng 3-4 tiếng, tùy chuyến nữa. Sau đó, từ thành phố Trương Gia Giới có rất nhiều xe ôtô đến FengHuang để tham quan di tích văn hóa và lịch sử hấp dẫn bậc nhất ở đất nước Vạn Lý Trường Thành này.
Phượng Hoàng là một thị trấn cổ nằm ở huyện Phượng Hoàng, phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Được xây dựng từ năm 686 thời nhà Đường, Phượng Hoàng cổ trấn trở thành trung tâm văn hóa, chính trị và quân sự của cả vùng thời Minh – Thanh (1368-1644), khi đa số cư dân là quân lính được đưa đến thị trấn nhằm chống lại các cuộc nổi dậy của người Miêu.
Bức tường thành phía nam được xây dựng vào thời nhà Minh (1573-1620) tồn tại đến ngày nay như một minh chứng lịch sử cho thời kỳ này.
Nhưng kiến trúc tiêu biểu của Phượng Hoàng cổ trấn lại do người Hán và người Miêu xây dựng và hoàn thiện vào thời nhà Thanh (1644-1911), đó là những hàng mái ngói âm dương chập chùng, uốn khúc, tưởng chừng như vô tận, bao phủ những căn nhà gỗ chênh vênh soi bóng xuống dòng Đà Giang khiến trời đất nơi đây mang vẻ đẹp của một bức tranh cổ với những gam màu tĩnh lặng.
Không gian cổ kính, kiến trúc độc đáo của nhà cửa, đền chùa tạo nên một Phượng Hoàng cổ trấn đẹp đến nao lòng. Chỉ cần đứng giữa dòng Đà Giang này, mỗi tầm nhìn đều là bức tranh đẹp đến hoàn hảo!
Cũng chính vì cái vẻ đẹp cổ kính và trường tồn với thời gian mà nơi đây được chọn làm bối cảnh cho khá nhiều phim truyền hình và điện ảnh nổi tiếng như Tây Du Ký, Thiên Long Bát Bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần Điêu đại hiệp, Avatar… và rất nhiều phim điện ảnh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Sông Đà Giang dài khoảng 5km, thu hút du khách bởi dòng nước màu xanh ngọc bích, hai bên bờ sông là dãy nhà cổ hay còn gọi là “lầu Miêu Miêu” cao chừng 4 tầng nằm san sát nhau và trải dài khuất tầm mắt.
Dọc con sông Đà Giang có rất nhiều cầu bắc qua sông, cầu gỗ, cầu đá rất độc đáo. Dưới dòng sông là những chiếc thuyền nhỏ chở khách du lịch tham quan.
Vài chiếc thuyền vắng khách, chủ thuyền thoải mái cởi trần, để lộ thân hình với những cơ bắp rắn chắc mà mỗi khi dùng sức cắm sào điều khiển chiếc thuyền, từng cơ bắp cuộn lên…
- Xem thêm: Biển hoa anh đào nở rực rỡ ở Trung Quốc
Vài người đàn ông tươi cười với du khách, hoặc miệng nghêu ngao hát những câu ngân dài, chỉ nghe chứ không hiểu gì.
Hình ảnh ấy gợi lại những bối cảnh trong phim kiếm hiệp mà những ai thường xem sẽ thấy rất quen thuộc. Ở nơi này, tuy là địa điểm du lịch nhưng vẫn giữ được nét trầm mặc, yên ả hiếm có.
Khung cảnh thiên nhiên với sông nước núi non hữu tình không chỉ mang lại sự mãn nhãn mà còn như một liều thuốc cho tinh thần.
Trong khoảnh khắc ấy, mọi mệt nhọc, ưu phiền chợt tan biến. Tôi đứng lặng rất lâu nơi có chiếc cầu đá bắc ngang sông Đà Giang, mường tượng về những phận người đã từng sinh ra, lớn lên ở nơi này qua 1.300 năm.
Trong suốt hành trình, hướng dẫn viên bản địa (nhưng nói rất rành rọt tiếng Việt, giọng Hà Nội) kể những câu chuyện kỳ bí về con người cũng như cuộc sống ở vùng đất này.
Trong các truyện kiếm hiệp và phim cổ trang, dải đất Hồ Nam trải xuống Vân Nam nổi tiếng là nơi có nhiều bộ tộc và môn phái dùng độc.
Điều tôi hết sức tò mò muốn biết nữa là đây có thực là thánh địa của cổ dược hay không. Dọc đường tham quan, hướng dẫn viên cũng tận tình miêu tả về đời sống của dân tộc vùng này.
Từ xa xưa, khi bị triều đình tìm bắt, dân tộc Miêu đã bỏ chạy vào hang núi, rừng sâu đến không thể tìm ra. Đến giờ này vẫn không một ai biết chính xác họ ăn uống ra sao để tồn tại, thậm chí là rất khỏe mạnh.
Người Miêu có chiều cao trung bình là 1,42m, họ quan niệm khỏe mạnh là trên hết. Chuyện kể lại rằng, người Miêu từng tìm ra người mạnh nhất để phân chia đất đai cũng như quyền lực bằng cách dùng bạc, đồng đôn lên đôi giày, rồi họ đặt bàn chân không đi vào đôi giày nặng từ 15 – 17kg, người đàn ông đó bước được bao nhiêu xa, nhìn lại đằng sau đó là phần đất thuộc về họ.
Với phụ nữ, người Miêu thích phụ nữ phải đầy đặn, mập càng tốt, vì như vậy mới có thể sinh con khỏe. Phụ nữ Miêu tửu lượng rượu cũng rất khá. Tuy nhiên, cũng bởi vì họ có một loại trà có tác dụng tráng bao tử để uống không say.
Người Miêu có võ nghệ cao cường hơn từ khi bị triều đình truy sát, khi ấy họ quy ẩn vào sâu trong hang, thành lập nhiều môn phái sử dụng độc, phi dao để sống sót và duy trì giống nòi cho đến ngày nay.
Dân tộc Miêu, cho đến tận bây giờ vẫn có thói quen dùng thảo dược để trị bệnh. Cộng với việc có tập khí công từ bé nên đa phần đều khỏe mạnh. Hướng dẫn viên cho biết, họ chỉ đến bệnh viện trong hai trường hợp, đó là khi mổ và thử máu.
Đương nhiên, “bài” của hướng dẫn viên bất cứ nơi nào cũng có phần hư cấu, làm cho câu chuyện hay hơn, thêm mắm muối cho đậm đà hấp dẫn hơn.
Nhưng phần trăm tin được khá cao bởi thiên nhiên quá ưu đãi nơi này, khí hậu trong lành làm thần thái con người cũng khỏe mạnh hơn, chưa kể tôi cũng có quan sát phố xá, thấy gần như không có phòng khám nào thật!
Buổi sáng, dòng Đà Giang lãng đãng sương giăng, phủ mờ những mái ngói âm dương khiến nơi đây trở nên huyền ảo lạ kỳ.
Tôi đã tin hơn những gì hướng dẫn viên nói trên đường đến đây: nơi này có sự thay đổi đến chóng mặt trong một ngày. Đó là vừa nắng đẹp, mưa phùn và tuyết rơi.
- Xem thêm: Thiên nhiên đa sắc ở Tân Cương
Đã có nhiều đạo diễn đến đây để canh thời khắc ấy làm bối cảnh cho phim của mình. Tuy nhiên, vào tháng này thì tôi không may mắn chứng kiến điều tuyệt vời đó được.
Dù vậy, nhiệt độ vào mùa này cũng khá đẹp, chừng 17 – 20o. Nhiệt độ thấp nhất ở nơi này vào mùa đông là -22o, tuyết phủ trắng xóa mang lại sự trải nghiệm tuyệt vời cho du khách miền nhiệt đới.
Nếu hỏi rằng, mùa nào đẹp nhất ở cổ trấn này, theo lời của hướng dẫn viên bản địa, tất cả các mùa đều mang nét đẹp riêng của nó! Chỉ điều đó thôi cũng đỡ làm mất thời gian cân nhắc nên đến vào tháng nào khi du lịch nơi này.
Về ẩm thực, tôi đã biết chút ít về ẩm thực của đất nước Trung Quốc, để chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi của mình được trọn vẹn nên không lấy gì làm bất ngờ với những món ăn đầy ngập dầu ở nơi này.
Món kho, xào, canh, kể cả luộc thấy vẫn ngập trong dầu. May thay trong đoàn có người mang theo nước mắm nên cảm giác thân thuộc với bữa ăn hơn. Ở đây, có thể thấy những xâu thịt xông khói trong bất cứ gia đình nào.
Tuy nhiên, đúng như lời hướng dẫn viên đã có cảnh báo trước, nếu bụng yếu không nên mạo hiểm với những món lạ.
Nếu là “tín đồ” ăn vặt, đến đây bạn sẽ không thất vọng với những món ăn đường phố như thịt nướng, lạp xưởng, vịt khô, kẹo hồ lô và nếu không quen, nhớ đừng “bén mảng” tới con phố bán tàu hủ thối nằm ngay trong nội thành cổ trấn. Mặc dù là đặc sản của địa phương nhưng không hẳn ai cũng có thể nếm thử món này.
Buổi tối, nơi đây như một cung điện khổng lồ. Cả khúc sông Đà Giang lung linh trong ánh đèn giống như hình ảnh những thước phim ta thường xem, nhưng đây là cảnh thật và không có bất cứ kỹ xảo nào.
Ban đêm nhiệt độ cũng xuống nhiều hơn, có thể chênh lệch từ 7 – 10o. Tuy có lạnh nhưng nỗi háo hức được đắm mình vào không gian như cổ tích ấy đã khiến tôi quên đi điều đó.
Khi những bước chân đã thấm mệt, chỉ cần theo lối mòn đi về phía phố xá nhộn nhịp, khoảng 300m, ở đó là một thiên đường ẩm thực mặc sức cho ta lựa chọn. Từ chập choạng tối đã có rất nhiều quán nhậu mọc lên san sát nhau.
Nhớ đừng quên thử những món lẩu bốc khói nơi này, giá chỉ khoảng 80-100 tệ (trên dưới 300.000 đồng). Vì ở đây quanh năm lạnh nên họ ăn khá cay và uống nhiều rượu.
Rượu cũng là một trong những đặc sản ở vùng này, với tên gọi Tửu Quỷ Tửu (ý là rượu ngon đến nỗi quỷ cũng muốn uống). Tuy nhiên nếu không uống được rượu, có thể nhấm nháp chút bia vì bia ở đây cũng khá ngon.
Có nhiều người ngại đi tour vì sự gò bó, hỏi tôi rằng có nên đến Phượng Hoàng cổ trấn tự túc không, xin thưa, nếu chưa từng đi thì không.
Có thể bạn sẽ tự tin về khoản ngoại ngữ của mình và từng tự khám phá rất nhiều nơi, tuy nhiên với vùng đất này, tiếng Anh hay tiếng Trung Quốc đều chưa ổn bởi họ dùng tiếng dân tộc.
Cũng đừng nghĩ đơn giản rằng chỉ cần nhờ một người rành ngôn ngữ ở đây ghi ra tờ giấy là có thể đi đến bất cứ nơi đâu. Sai lầm. Vì sao ư? Vì không chỉ họ không dùng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc mà đơn giản vì họ… không biết chữ.
Một anh xe ôm hay lái taxi không biết chữ là chuyện bình thường ở đây. Điều này sẽ gây cản trở không ít cho việc đi lại cũng như trải nghiệm những món ăn, văn hóa, địa điểm tham quan… Còn nếu như vượt qua được những khó khăn trên, đi tự túc vẫn là điều tuyệt vời nhất của hành trình trải nghiệm.
Điều còn lại mà ta cần chuẩn bị cho chuyến đi nữa đó là sức khỏe. Bởi một khi đã đến với Phượng Hoàng cổ trấn, bất cứ ai cũng muốn tìm hiểu thêm những thắng cảnh nổi tiếng thuộc tỉnh Hồ Nam này, như cổng trời – đỉnh Thiên Môn Sơn với 99 khúc cua và trải nghiệm hơn 7km cáp treo thẳng đứng xuống chân núi; khám phá Vũ Lăng Nguyên, đây là địa danh đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 1992; tham quan cầu kính – cây cầu lát kính cao và dài nhất thế giới với chiều dài 430m vắt qua vách núi bên kia, cao gần 300m so với mặt đất, bề rộng 6m. Đây là địa điểm mới đón du khách từ tháng 12-2017…
Buổi tối ở thành phố Trương Gia Giới, có thể hòa mình vào không gian biểu diễn nghệ thuật do chính đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng… Đó là lý do cần có sức khỏe để chinh phục những thắng cảnh đẹp nhất ở nơi này.