Mười hai năm trước, một linh mục người Anh đã bỏ ra 400 bảng Anh mua một bức tranh mà ông chỉ để lấy cái… khung tranh quá đẹp, không ngờ đó là một kiệt tác có thể bán được với giá 500.000 bảng.
Còn ở Tây Ban Nha, cách đây 26 năm một bức tranh sơn dầu được bán với giá khoảng 200 USD tại một cửa hàng đồ cổ nay được xác định là tác phẩm của nhà danh họa Salvador Dali. Vào năm 2002, linh mục Jamie MacLeod, giám quản tu viện Cơ đốc giáo Whaley Hall ở Derbyshire đã mua một bức tranh cũ kỹ tại cửa hàng đồ cổ Nantwich ở Cheshire. Ông bị mê hoặc không phải bởi chân dung được vẽ trong tranh mà bởi cái khung tranh quá đẹp!
Quá trình đi tìm tác giả
Không ngờ vị tu sĩ đã vớ được một mỏ vàng, bởi đó là tác phẩm của Sir Anthony van Dyck, một trong những họa sĩ vĩ đại nhất ở châu Âu thế kỷ XVII. Ông sinh trưởng ở Brussels (Bỉ), sống và sáng tác ở quê nhà cho tới năm 1632 thì sang Anh theo lời mời của vua Charles đệ nhất (1600-1649) và trở thành họa sĩ cung đình hàng đầu dưới triều Charles đệ nhất. Theo các chuyên gia mỹ thuật, trong tác phẩm này Anthony van Dyck đã vẽ chân dung của vị quan chức cầm quyền ở xứ Brussels song đó chỉ là một bản sao dù trên khung tranh có ghi rõ “Sir A van Dyck”. Bởi theo sử gia nghệ thuật Philip Mould thì bản chính chân dung này (cũng do Anthony van Dyck vẽ) đã bị thiêu hủy khi quân Pháp tấn công Brussels vào năm 1695.
Bức tranh được linh mục MacLeod treo trong tu viện trong nhiều năm và từng bị rơi xuống đất, rất may là không bị thiệt hại gì đáng kể! Năm 2012, vị tu sĩ đem bức tranh dự chương trình truyền hình Antiques Roadshow tổ chức ở Nottinghamshire – một chương trình thực tế rất nổi tiếng tại Anh, qua đó các chuyên gia định giá về cổ vật đã đi khắp nước Anh (đôi khi ra cả nước ngoài) để khảo sát, xem xét giá trị thực của các món đồ cổ được người dân các địa phương mua từ nhiều nguồn khác nhau. Năm sau, ông lại tiếp tục đem bức tranh tới chương trình Antiques Roadshow, lần này được tổ chức tại Trường Đại học Nông nghiệp Hoàng gia ở Cirenceste. Chính tại đây, bức tranh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bà Fiona Bruce, người từng cộng tác với sử gia nghệ thuật Philip Mould thực hiện một chương trình truyền hình khác cũng về mỹ thuật, có tên là Fake or Fortune (Đồ giả hayVận may) vốn đã giới thiệu nhiều tác phẩm của Anthony van Dyck. Ông Philip Mould đã đồng tình với bà Fiona Bruce khi cho rằng rất có thể bức tranh thuộc sở hữu của linh mục MacLeod là một tác phẩm của Anthony van Dyck. Tuy nhiên, để đảm bảo những suy đoán của mình là chính xác, ông Philip Mould đã phải nhờ đến một chuyên gia phục chế tranh cổ thực hiện một công việc mà theo ông mô tả “tương đương với một cuộc khai quật khảo cổ học”. Chuyên gia phục chế có uy tín Simon Gillespie đã mất ba tuần liền để làm sạch bức tranh, bằng cách dùng chất dung môi loại bỏ những lớp bẩn bám trên mặt tranh. Sau đó, nó được khảo sát một lần nữa bởi giáo sư Christopher Brown, một chuyên gia được coi là có thẩm quyền nhất về các tác phẩm của Anthony van Dyck. Đến lúc này thì bức tranh từng được bán với giá “bèo” 400 bảng đã chính thức được công nhận là một tác phẩm quý giá, một bức chân dung xuất sắc mà tác giả đích thị là Anthony van Dyck. Trên cơ sở các cuộc khảo sát dày công ấy, sử gia nghệ thuật Philip Mould định giá bức tranh khoảng từ 300.000 đến 400.000 bảng Anh và đây cũng là món đồ cổ có giá trị nhất trong lịch sử 36 năm của chương trình truyền hình Antiques Roadshow.
Với mỏ vàng trong tay, linh mục MacLeod cho biết ông có ý định sẽ bán bức tranh và dùng số tiền “trời cho” ấy để mua những quả chuông mới cho tu viện vốn sẽ tròn một trăm năm thành lập vào năm nay. Tháng 5-2014 vừa qua, đã có thông báo về việc bức tranh sẽ được đưa ra đấu giá ở nhà Christie’s vào ngày 8-7-2014 tới và nhiều chuyên gia đấu giá cho rằng tác phẩm ấy của Anthony van Dyck có thể sẽ đạt mức giá 500.000 bảng Anh bởi ngoài giá trị lịch sử, tác phẩm này còn cho thấy tác giả là một bậc thầy lớn về tranh chân dung.
Cần nói thêm là một bức chân dung tự họa của Anthony van Dyck đã từng gây dư luận sôi nổi tại Anh cách đây không lâu: sau khi một nhà sưu tập mua bức tự họa, ông ta muốn đưa nó ra nước ngoài nhưng bị cấm theo luật của nước Anh. Hiện Bảo tàng quốc gia về tranh chân dung ở London đang nỗ lực quyên góp 12,5 triệu bảng Anh để có thể mua lại tác phẩm ấy và giữ nó lại nước Anh mãi mãi.
Tranh Dali giá 200 USD
Cũng được mua ở một cửa hàng đồ cổ tại thị trấn Girona phía đông bắc Tây Ban Nha vào năm 1988, bức tranh có giá chỉ 25.000 pesatas (tương đương 200 USD) ấy nay được các chuyên gia có uy tín khẳng định là một trong những tác phẩm siêu thực đầu tiên của Salvador Dali. Người may mắn vớ được mỏ vàng này là Tomeu L’Amo, họa sĩ đồng thời là nhà sử học nghệ thuật. Ngay khi phát hiện bức tranh, Tomeu L’Amo đã nghi đó là tác phẩm của ông vua họa phái Siêu thực.Tranh vẽ những thiên thần bay lượn trên trời, quanh một đám mây có hình dáng như tử cung đàn bà, bên dưới là một ngọn núi lửa đang phun trào, với một dòng viết tắt bằng ngôn ngữ Catalan ở góc phải. “Khi nhìn thấy sắc màu của bức tranh tôi đã nghi đó là tranh của Dali dù không có bằng chứng nào. Tôi đã từng bước tìm sự thật và nhận ra đó chính là tác phẩm của ông”, Tomeu L’Amo cho biết.
Công việc tìm kiếm sự thật về bức tranh rất gay go bởi lẽ ở dòng chữ viết tắt lại ghi năm 1896, nghĩa là tám năm trước khi Dali ra đời! Nhưng rồi sau hàng loạt thẩm định bằng các phương tiện công nghệ mới nhất, kể cả bằng X quang, tia cực tím, chụp hồng ngoại…, được tiến hành từ năm 2004 đến 2013, cuối cùng thì các chuyên gia đã xác nhận đó là một tác phẩm của Dali, được ông vẽ vào khoảng năm 1921, lúc ông mới 17 tuổi. Theo bà Carmen Linares, trưởng bộ phận bảo tồn của Bảo tàng Frederic Mares ở Barcelona thì những nhát cọ màu đen và những đường chì màu xanh da trời trong bức tranh càng khẳng định điều ấy, bởi đó là kỹ thuật thường được Dali sử dụng trong tranh của ông. Những phân tích về chất sơn dầu trong tranh cho thấy nó phải được vẽ trước năm 1909. Còn con số ghi ngày tháng 21-11-96 ở dòng chữ góc tranh, theo một chuyên gia phân tích văn bản, đó là lỗi về mặt chính tả mà Dali thường mắc phải.
Tomeu L’Amo cho hay bức tranh đã được ông bán vào tháng 4-2014 cho một nhà sưu tập nhưng không tiết lộ giá bán. Theo giá tranh Dali trên thị trường hiện nay, chắc chắn đó là một con số không nhỏ.