Thị trường chứng khoán đã có một tuần giao dịch cuối quý I đầu quý II theo hướng… không biết nên vui hay buồn. Nếu xét về điểm số, ngoại trừ phiên điều chỉnh giảm sâu ngày 1-4, nhìn chung thị trường đã có một tuần tích cực. VN-Index quay lại trạng thái tăng giảm xen kẽ với thanh khoản duy trì ở mức thấp và nếu so với tuần giảm điểm liên tục khiến chỉ số này mất hơn 20 điểm trước đó, nên có thể coi là tín hiệu vui. Tuy nhiên, nếu xét về thanh khoản và sự rụt rè của lực cầu, dù là rất nhiều cổ phiếu đang ở vùng giá hấp dẫn, thì các nhà đầu tư có lý do để lo ngại cho những biến chuyển tiếp theo. Dĩ nhiên, thị trường cũng khó giảm sâu, do khó xuất hiện một đợt bán tháo với tần suất cao hoặc có những thông tin vĩ mô tiêu cực. Sự xuất hiện của dòng tiền bắt đáy và việc khối ngoại mua ròng trở lại cũng giúp thị trường sẵn sàng bước vào giai đoạn hồi phục, tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân cũng ổn định hơn so với sự bi quan bao trùm trong nửa cuối của tháng 3.
Sau tuần giao dịch cuối tháng 3 đầu tháng 4, VN-Index giảm nhẹ 0,61% xuống còn 547,85 điểm, HNX-Index cũng giảm 0,57% xuống còn 81,93 điểm. Thanh khoản dù vẫn ở mức thấp nhưng tổng khối lượng khớp lệnh đã tăng nhẹ (1,8%) trên HoSE và đặc biệt là khối lượng giao dịch thỏa thuận tăng mạnh (60,9%). Ngược lại, giao dịch trên HNX kém sôi động hơn khi khối lượng khớp lệnh giảm 9% so với tuần trước. Thị trường tuần qua biến động theo sự tăng giảm của các cổ phiếu có vốn hóa lớn như GAS, BID, VIC, VNM, MSN,… nên đà giảm mạnh của GAS trong phiên 30-3 và 1-4 đã tạo tác động mạnh kéo chỉ số thị trường lùi sâu. Ở chiều ngược lại, giao dịch ở nhóm cổ phiếu ngân hàng có chuyển biến tích cực giúp giảm bớt sức ép giảm điểm từ các cổ phiếu lớn khác và ổn định tâm lý giới đầu tư.
Điểm tích cực nhất tuần qua là dòng tiền bắt đáy gia tăng hoạt động trong các phiên giảm mạnh giúp giao dịch thị trường diễn ra tích cực hơn. Đây cũng là tiền đề giúp sắc xanh trở lại tích cực trong phiên 2-4 dù nhìn chung tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng. Nhà đầu tư nước ngoài tuần qua đã chuyển sang mua ròng nhẹ sau hai tuần bán ra mạnh mẽ. Việc mua ròng của khối ngoại góp phần thúc đẩy đà tăng của thị trường và giảm bớt tâm lý e ngại của giới đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trong tuần qua, họ vẫn tiếp tục bán ra các cổ phiếu có vốn hóa lớn như GAS, VIC, PVD… khiến thị trường không thể hồi phục nhanh. Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 49,4 tỉ đồng, còn trên HNX, khối ngoại chỉ mua ròng 0,5 tỉ đồng. Với động thái mua bán này của khối ngoại, nhiều chuyên gia dự đoán khối này có thể quay lại bán ròng trong thời gian tới. Vì vậy, xu thế phục hồi trong ngắn hạn vẫn gặp khó khăn do dòng tiền tham gia thị trường tiếp tục suy yếu đáng kể. Thêm vào đó, câu chuyện bất ổn về tỷ giá còn tiếp diễn sẽảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư.
Trong khi đó, tình hình sản suất kinh doanh của các doanh nghiệp nước ta là khá tích cực. Theo khảo sát lần đầu tiên được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê, phần lớn các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam đang lạc quan về xu hướng sản xuất kinh doanh trong quý II này, đặc biệt là về đơn hàng, giá bán sản phẩm và lao động. Ngoài ra, theo hãng tin Bloomberg, Việt Nam vừa gia nhập câu lạc bộ những gã khổng lồ trong ngành sản xuất châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có thể đảm bảo hoàn thiện những đơn đặt hàng mới từ cả thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện thị trường chung vẫn còn nhiều áp lực và rủi ro trong quá trình tích lũy tạo đáy, do dòng tiền bị suy yếu nhiều bởi tác động của Thông tư 36, lực hút từ quá trình tăng vốn ồạt của nhiều doanh nghiệp niêm yết và do khối ngoại bán ròng. Kỳ vọng vào dòng tiền bắt đáy là có, tuy nhiên nếu xét hệ số P/E của thị trường khoảng 13,2 thì cũng chưa phải là mức quá rẻ để mua vào, trong bối cảnh khối ngoại có khả năng tiếp tục cơ cấu danh mục mạnh hơn trong thời gian tới. Dù vậy, tình hình cũng không đến nỗi bi quan, khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào đều đặn một số cổ phiếu ngân hàng và nhóm ngành bất động sản, xây dựng hạ tầng.
Tháng 4, các doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả quý I. Dù có dự báo rằng năm nay kết quả kinh doanh các doanh nghiệp sẽ khả quan hơn cùng kỳ, thị trường vẫn chưa thể sôi động cũng như tăng điểm. Trong phiên giao dịch đầu tuần mới (6-4), thanh khoản vẫn khá thấp (1.563,966 tỉ đồng) khiến cho những nỗ lực tăng điểm của VN-Index trong phiên trở nên vô vọng. Kết thúc giao dịch, VN-Index giảm 4,88 điểm, xuống còn 542,97 điểm. Có 132 mã giảm điểm so với chỉ 85 mã tăng điểm. Với việc dòng tiền bắt đáy chưa vào cuộc, thị trường vẫn chưa thể hồi phục trong thời gian tới.
Thành Huân (DNSGCT)