Một tuần giao dịch đầy thận trọng đến mức khó thể thận trọng hơn của đa số nhà đầu tư khiến cho các chỉ số thị trường tiếp tục biến động trong biên độ hẹp. Không có câu chuyện nào nổi bật nên cũng không có cổ phiếu nào trở thành điểm nhấn.Giao dịch giằng co tiếp diễn và hai chỉ số chính đều có thêm một bước lùi. Trong khi VN-Index giảm 8,07 điểm (1,42%), từ 570,38 xuống còn 562,31 điểm thì HNX-Index cũng giảm 0,42 điểm (0,53%), từ 78,67 xuống còn 78,25 điểm. Thanh khoản đang là nỗi lo khi tiếp tục giảm mạnh, hầu như giá trị mỗi phiên giao dịch đều thấp hơn trung bình 20 phiên giao dịch trước đó. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HSX giảm 17,6%, còn trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh cũng giảm 21,6%. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có một tuần bán ròng, tuần này họ bán ròng tổng cộng 281,4 tỉ đồng trên cả hai sàn. Dù giá trị bán ròng trong mỗi phiên không quá lớn nhưng việc bán ròng gần như hầu hết các phiên cho thấy xu hướng thu hẹp giao dịch của khối ngoại.
Những thông tin mang tính vĩ mô tuần qua đều không hỗ trợ được cho thị trường. Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mức lãi suất tối đa cho tiền gửi bằng USD của tổ chức về mức 0% trong khi đối với cá nhân chỉ còn 0,25% chẳng những không tạo thêm dòng tiền chảy vào chứng khoán mà còn khiến cho tâm lý của giới đầu tư thêm bất an. Hay như thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo chu kỳ thanh toán được rút ngắn từ T+3 về T+2, áp dụng kể từ ngày 1-1-2016, thực chất không giúp nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu về tài khoản sớm hơn một ngày. Trong khi đó, những thông tin tiêu cực lại “ép phê” hơn. Đầu tiên là chỉ số PMI Nikkei (chỉ số nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam lần đầu tiên rơi xuống mức dưới 50 điểm sau 25 tháng duy trì trên mốc 50 điểm. Dường như ngành sản xuất bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi những diễn biến bất lợi từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và những diễn biến kinh tế tiêu cực của thế giới.Nhu cầu toàn cầu yếu đi khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ tư liên tiếp với tốc độ nhanh thứ hai trong lịch sử của chỉ số này. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước cũng đang có dấu hiệu suy giảm cùng với việc giảm giá đầu vào trong lĩnh vực sản suất, khiến CPI tháng 9 giảm 0,21%. Tiếp đó, thông tin Ngân hàng Nhà nước đã chuyển khoản cho Bộ Tài chính vay gần 30 ngàn tỉ đồng cho thấy ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn lớn sau những đợt phát hành trái phiếu chính phủ liên tiếp không thành công.
Chính các yếu tố trên, cùng với việc lo ngại dòng vốn nước ngoài tiếp tục rút ra khỏi khu vực châu Á do lo ngại kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc mạnh sẽảnh hưởng đến khu vực này đã khiến chỉ số CDS (đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ) của các nước trong khu vực cũng như Việt Nam tăng mạnh. Chỉ số CDS của Việt Nam đã lên mức trên 300 điểm – mức cao nhất trong hai năm trở lại đây, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ ra lo ngại với kinh tế vĩ mô của nước ta thời gian qua, nổi cộm là vấn đề nợ công và tỷ giá. Với tình hình như vậy, thị trường chứng khoán rất khó phản ứng tích cực với thông tin vĩ mô tốt. Do đó, kỳ vọng chỉ số sẽ tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn là thiếu thực tế. Các nhóm cổ phiếu từng làm mưa làm gió trong những giai đoạn trước như cổ phiếu ngân hàng (VCB, CTG, MBB, ACB…), cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD…) gần như chỉ dao động trong biên độ hẹp và giao dịch khá ảm đạm.
Dòng tiền trong thời gian tới có thể tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng, đang được định giá tốt và có mức thanh khoản vừa phải. Nếu như những cổ phiếu loại này đến từ doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III tích cực thì sẽthu hút mạnh dòng tiền. Cổ phiếu bất động sản có thể là “chú ngựa ô” một khi thị trường bất động sản thực sự hồi phục. Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thểthu hút nhà đầu tư sau khi việc nới room ngoại có hiệu lực. Riêng với nhà đầu tư giá trị, họ sẽ không quá quan tâm đến việc lên xuống của các chỉ số, mà chỉ đang gom cổ phiếu tốt giá rẻ vào danh mục, hướng tới mục tiêu trung và dài hạn.
Nỗi lo thanh khoản và đà suy giảm của chỉ số tạm bị đẩy lui trong phiên giao dịch đầu tuần (5-10). Sự đồng thuận của đa số cổ phiếu giúp cho thị trường có một phiên tăng điểm trọn vẹn.Với 151 mã tăng giá so với chỉ 62 mã giảm giá, VN-Index tăng hơn bảy điểm, dừng ở chẵn 570 điểm.Thanh khoản cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất, với tổng giá trị giao dịch đạt 1.756,159 tỉ đồng. Dù sao thì những phiên “xanh ngắt” như vậy cũng giúp cho nhà đầu tư đỡ căng thẳng sau một giai đoạn ngột ngạt, để chờ đợi vào những điều tốt đẹp ở phía trước.
Thành Huân (DNSGCT)