Những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 như cơn mưa mát lành giúp cho thị trường chứng khoán tạm quên đi những ngày nóng bỏng. Trên HoSE, từ mức đỉnh 638,69 điểm đạt được vào ngày 14-7, VN-Index bắt đầu hành trình đi xuống. Giai đoạn này, những nhịp tăng điểm nếu có cũng không quá hai phiên, trong khi những lần “đổ đèo” từ 3-5 phiên liên tiếp lại không hiếm. Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng tương tự. Diễn biến tiêu cực kéo dài của hai chỉ số chính khiến cho không ít nhà đầu tư hoang mang. Bốn phiên tăng điểm mạnh liên tiếp trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8 vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng, một sự cổ vũ lớn đối với thị trường. Trừ phiên đầu tuần (24-8) “hoảng loạn” do tác động đồng thời của nhiều yếu tố tiêu cực, những ngày sau đó sắc xanh đã trở lại, tâm lý nhà đầu tư dần đi vào ổn định. Trong phiên 24-8 ấy, tin xấu đến dồn dập. Bên ngoài thì thông tin về các thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn lao dốc mạnh, rồi quỹ FTSE Vietnam UCITS ETF hủy niêm yết chứng chỉ quỹ tại hai sàn giao dịch Nasdaq OMX và Euronext. Trong nước, các ngân hàng niêm yết giá bán USD ở mức cao nhất, nhà đầu tư phải bán tháo cổ phiếu do tâm lý và do bị bán giải chấp. Chỉ trong một phiên, hai chỉ số chính đều giảm hơn 5%. Tín hiệu tích cực duy nhất đến từ phiên hoảng loạn này chính là dòng tiền bắt đáy mạnh mẽ đến từ những nhà đầu tư bình tĩnh. Lực cầu ấy đã trở nên thắng thế kể từ phiên giao dịch tiếp theo (25-8) và là lực đẩy giúp thị trường nhanh chóng hồi phục, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng… đã bị xả hàng mạnh trước đó. Phiên cuối tuần (28-8), thông tin giá dầu thế giới bật mạnh hơn 10%, vượt mốc 42 USD/thùng tiếp tục đẩy nhóm cổ phiếu dầu khí tăng trần. Dòng tiền chảy vào ngày càng cao giúp thị trường bứt phá mạnh về cuối phiên. Nhờ những diễn biến tích cực đó, kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đã tăng 2,62%, lên 570,87 điểm, chỉ số HNX cũng tăng nhẹ 0,86%, lên 78,27 điểm. Thanh khoản tăng mạnh trên cả hai sàn, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HoSE tăng 24,8%, lên 720,7 triệu đơn vị, còn trên HNX khối lượng khớp lệnh cũng tăng 26%, lên 254,8 triệu cổ phiếu. Điểm trừ nếu có của tuần giao dịch này là việc các nhà đầu tư nước ngoài không đóng vai trò gì đáng kể, khi họ chỉ mua ròng tổng cộng 60,2 tỉ đồng trên cả hai sàn.
Theo các chuyên gia, trong nhịp tăng điểm của thị trường sau cú giảm mạnh, nhóm cổ phiếu nào bị giảm nhiều nhất thường có xu hướng bật tăng nhanh và mạnh nhất. Với những cổ phiếu thêm yếu tố cơ bản tốt hoặc có thông tin hỗ trợ, càng dễ tăng mạnh hơn. Điều này đã lý giải vì sao nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng trở thành tâm điểm trong đợt tăng vừa qua. Giá dầu thô thế giới hồi phục hơn 10% chỉ trong một phiên, trong khi vấn đề tỷ giá đang căng thẳng bỗng hạ nhiệt sau khi Ngân hàng Nhà nước cam kết không thay đổi tỷ giá từ nay đến cuối năm và USD đã được tung ra để đảm bảo nhu cầu của thị trường. Việc thị trường cổ phiếu Trung Quốc đã phục hồi sau nhiều biện pháp can thiệp của ngân hàng trung ương nước này, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng chưa nâng lãi suất trong tháng 9 cũng là những thông tin hỗ trợ khá cho thị trường.
Tuy nhiên, cũng vì nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất chính là những mã đã giảm sâu trước đó, chứ không phải tăng mạnh nhờ yếu tố cơ bản tốt, nên nhịp tăng này chưa thực sự chứng tỏ thị trường đã “khỏe”, mà chỉ là một nhịp hồi mang tính chất kỹ thuật sau giai đoạn giảm sâu trước áp lực bán quá ồạt. Nền tảng kinh tế vĩ mô cả trong và ngoài nước vẫn chưa có chuyển biến tích cực rõ nét để có thể làm cơ sở cho một nhịp tăng mạnh. Những cổ phiếu dầu khí và ngân hàng dù vẫn là hạt nhân của thị trường nhưng chưa đủ lực để đóng vai trò trụ cột. Những cổ phiếu đầu ngành các lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng và công nghệ, nhóm cổ phiếu chứng khoán (đặc biệt là các đơn vị được nhà đầu tư nước ngoài yêu thích, đã và sẽ được “nới room”) cùng với nhóm cổ phiếu bất động sản mạnh có thể sẽ được chú ý trong thời gian tới.
VN-Index đang ở trong vùng 570-580 điểm, được cho là mốc trung bình của xu hướng dài hạn và làm sao để xoay quanh được mốc này là rất cần thiết. Quan trọng hơn, một sự bình ổn của thị trường, cả về tâm lý của nhà đầu tư lẫn những biến động của hai chỉ số là điều cần duy trì trong giai đoạn hiện nay. Chính vì điều này, một “bước lùi” 6,12 điểm của VN-Index trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 (đưa VN-Index về mốc 564,75 điểm) với thanh khoản duy trì ở mức khá (2.245,5 tỉ đồng) được đánh giá là tích cực. Thị trường hướng đến tháng 9 với hy vọng mới về một giai đoạn ít có những thông tin tiêu cực hơn.
Thành Huân (DNSGCT)