Phiên xanh điểm vào thứ 5 (25-9) chỉ như giọt nước mát hiếm hoi trong sắc đỏ kéo dài suốt tám phiên trước đó. Dù vậy, đến cuối tuần, màu đỏ lại trở thành chủ đạo, có lúc khiến VN-Index phá mốc 600 điểm, thị trường không khỏi nhuốm màu hoảng loạn. Nhiều nhà đầu tư không giữ được bình tĩnh đã đua nhau bán ra cổ phiếu với giá rẻ. May là lực cầu bắt đáy kịp thời đã giúp đà giảm ngưng lại, kéo nhiều cổ phiếu về gần với mốc tham chiếu. Kết thúc tuần, VN-Index dừng ở 604,98 điểm, giảm 8,31 điểm so với cuối tuần trước. Điểm chung của tuần giao dịch cuối tháng 9 là sự giằng co rất quyết liệt giữa bên bán và bên mua, nhưng thanh khoản chỉ dừng ở mức khá. Dù số đông nhà đầu tư vẫn tin rằng xét về trung và dài hạn thị trường sẽ tăng trưởng, nhưng niềm tin ấy dường như đang gặp phải thách thức lớn. Thách thức càng trở nên rõ ràng khi một số nhà đầu tư lớn, các cổ đông chiến lược lựa chọn bán cổ phiếu ra khi thị trường hào hứng để thoái vốn khỏi các doanh nghiệp, hoặc đơn giản là để chốt lời. Khi giá các cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng là lúc hoạt động này diễn ra với mật độ cao nhất. Có thể thấy rõ điều này ở nhóm cổ phiếu dầu khí. Sau những ngày giá được “bơm” lên gấp rưỡi, gấp đôi so với thời điểm một vài tháng trước, các cổ phiếu dòng “P” đã bị xả hàng với khối lượng lớn. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hàng loạt cổ đông lớn đã tranh thủ thoái vốn, có khi giá trị cổ phiếu bán ra lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Không chỉ có cổ đông tổ chức, các cổ đông nội bộ của những doanh nghiệp này cũng tiến hành bán cổ phiếu ra. Có doanh nghiệp, từ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên ban giám đốc cho đến trưởng ban kiểm soát và cả người thân của các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp đều bán ra một phần hay toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ. Nói theo cách của thị trường, những nhà đầu tư này đã chọn đúng con sóng tốt để thoát hàng. Không chỉ dòng cổ phiếu dầu khí mới bị cổ đông lớn, cổ đông nội bộ xả hàng, nhiều cổ phiếu tăng trưởng nóng thời gian qua cũng rơi vào trường hợp tương tự. Hàng loạt vụ thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết đã diễn ra với những giao dịch thỏa thuận sôi động. Cổ đông cũ thu về được tiền mặt lớn trong khi không ít nhà đầu tư mua vào một lượng lớn cổ phiếu giá cao.
Sự giảm điểm của thị trường những ngày vừa qua còn đến do áp lực bán ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Khi thị trường đi xuống, nhiều nhà đầu tư lo ngại sự trở lại của xu hướng giảm giá nên tìm cách giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục của mình. Dòng tiền chủ yếu tập trung vào những cổ phiếu đầu ngành của lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và xây dựng, vận tải. Thị trường đã có hơn nửa tháng điều chỉnh, với mức giảm của VN-Index và HNX-Index so với đỉnh gần nhất lần lượt là 5,4% và 1,8%. Việc VN-Index giảm điểm mạnh hơn là do áp lực bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài, những người nắm giữ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VIC, GAS, MSN…) trên sàn HoSE. Ba tuần bán ròng liên tiếp của khối ngoại đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước lo lắng, bởi các mã chứng khoán do khối ngoại bán ra có ảnh hưởng mạnh đến VN-Index.
Cho tới thời điểm này, các thông tin kinh tế vĩ mô vẫn đang khá tích cực, khi GDP chín tháng đầu năm tăng 5,62%, còn chỉ số giá tiêu dùng mới tăng 3,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, nguồn vốn FDI và kiều hối vẫn tiếp tục xu hướng chảy mạnh vào Việt Nam. Điều này cho thấy, những yếu tố cơ bản sẽ sớm hỗ trợ cho thị trường, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Giai đoạn giảm điểm vừa qua được cho là cần thiết, để loại bỏ bớt những nhà đầu tư lướt sóng. Khi dòng tiền đầu cơ xoay vòng hết lượt giữa các nhóm cổ phiếu, kỳ vọng lợi nhuận đối với các nhóm sẽ cân bằng. Nhờ đợt điều chỉnh mạnh này, thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn, từ đó có thể thu hút được dòng tiền mới gia nhập thị trường. Cơ hội đầu tư còn mở ra với những nhóm cổ phiếu được dự báo sẽ có những kết quả tích cực trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III tới. Thị trường sẽ có sự phân hóa dần tại từng nhóm cổ phiếu, trước khi có sự hội tụ tích cực của toàn thị trường và tạo nên một đợt sóng mạnh vào cuối năm.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những tháng cuối năm. Còn trước mắt thị trường vẫn đang tiếp tục đà giảm điểm. Áp lực bán tăng cao khiến cả hai chỉ số đều giảm mạnh. Kết thúc phiên đầu tuần (29-9). VN-Index đã chính thức rời mốc 600 điểm, chỉ còn 599,78 điểm (giảm 5,2 điểm so với phiên trước), giá trị giao dịch đạt 2.756 tỉ đồng. Có đến 124 mã giảm điểm, so với 95 mã tăng điểm. Những ngày tới, thị trường sẽ kiểm tra vùng giá 600 điểm này, trước khi thể hiện xu hướng mới.
Thành Huân