Tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tăng khá mạnh, dù chưa phải là cao điểm của mùa tăng giá cuối năm. Cụ thể, CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 8 và tăng 3,64% so với tháng 9-2013. Dù lạm phát mục tiêu cả năm dưới 5% là trong tầm tay nhưng để đảm bảo sự ổn định các yếu tố kinh tế vĩ mô, Chính phủ vẫn rất cẩn trọng với việc kiềm chế lạm phát. Các nhà điều hành muốn phát đi tín hiệu về một môi trường kinh tế vĩ mô luôn được duy trì ổn định, để giới doanh nghiệp yên tâm tính chuyện đường dài. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang xoay trở linh hoạt để cân đối, điều hòa lượng tiền đang lưu thông trong nền kinh tế.
Theo đó, những tháng đầu năm, khi doanh nghiệp ít có nhu cầu về vốn, tín dụng tăng trưởng èo uột, trái phiếu Chính phủ được tăng cường phát hành nhằm hút nguồn tiền thừa của các ngân hàng thương mại. Thực ra, nếu nguồn tiền từ trái phiếu này được sử dụng hiệu quả để đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng, dịch vụ công… thì sẽ có tác động hỗ trợ lớn cho giới doanh nghiệp, từ đó giúp họ vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhu cầu vay vốn, từ đó lại góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bởi xét về mặt bằng lãi suất, thời điểm hiện nay lãi suất chỉ ngang với mức lãi suất của năm 2006 và bằng 40% so với cuối năm 2011. Như đã đề cập, chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước luôn phải nhìn vào diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng. Với lạm phát mục tiêu khoảng 5% thì lãi suất huy động khó thể xuống dưới 5%/năm, lãi suất cho vay tương ứng cũng khó thể dưới 9%/năm nếu không thuộc lĩnh vực ưu tiên. Dù tình hình đã khả quan hơn, nhưng cầu thị trường vẫn còn thấp, các doanh nghiệp vẫn đang rất cẩn trọng trong việc đầu tư. Vậy nên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm của tín dụng thời gian qua không phải do lãi suất cao, mà do nhu cầu vốn của nền kinh tế còn thấp.
Gần đến quý cuối cùng của năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khởi sắc. Theo số liệu mới nhất, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến 23-9 đã tăng 6,73% so với cuối năm 2013. Nguồn tiền mới huy động từ tiết kiệm trong khu vực dân cư đa phần chảy ngay vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, nên tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng có giảm so với trước, giao dịch trên thị trường mở cũng bớt sôi động. Dù vậy, do tổng thể thanh khoản của hệ thống còn trong trạng thái dư thừa, suốt một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải hút tiền về thông qua thị trường mở, khiến cho lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm so với tháng trước. Lãi suất tín phiếu các kỳ hạn 28 ngày, 56 ngày và 91 ngày trúng thầu đều giảm so với lần phát hành trước đó. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đấu thầu thành công 711.800 tỉ đồng tín phiếu, trong đó có 489.283 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất bình quân bằng tiền đồng kỳ hạn 1-3 tháng cũng giảm xuống.
Với quy luật tín dụng thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, có thể hy vọng năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ trong khoảng 10 – 12%, gần với chỉ tiêu định hướng mà các nhà điều hành đặt ra từ đầu năm. Để ngăn ngừa sự gia tăng của nợ xấu một khi tín dụng tăng tốc trong quý IV, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai nhiều phương án như buộc các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro, tích cực thu hồi nợ, tuân thủ nghiêm quy trình thẩm định cho vay, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)… Hy vọng, những tín hiệu tích cực ấy sẽ tiếp tục được duy trì.
Minh Hằng