Không chỉ thị trường chứng khoán nước ta mà hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới trong tháng 9 đều có xu hướng chủ đạo là đi ngang hoặc giảm nhẹ. Không những vậy, giao dịch hầu hết đều ảm đạm, đặc biệt là trong khoảng thời gian trước và sau ngày 17-9, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định có hay không thay đổi chính sách tiền tệ của mình. Nếu như trước thời điểm ấy, các quỹ đầu tư tại các thị trường ngoài Mỹ giao dịch thận trọng vì chuẩn bị tâm thế rút khỏi thị trường nếu FED tăng lãi suất đồng USD, thì sau tuyên bố của FED không tăng lãi suất, tình hình cũng không khá hơn, bởi FED khẳng định vẫn tăng lãi suất trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc nỗi lo lãi suất USD tăng chưa hề mất đi mà vẫn lơ lửng trên đầu các nhà đầu tư. Thực ra, việc lãi suất đồng USD tăng lên sẽ có tác động không nhỏ đối với thị trường chứng khoán thế giới như vậy cũng bởi bức tranh kinh tế thế giới thời gian qua không thực sự tích cực, chưa có thông tin lạc quan nào đủ mạnh để có thể trở thành động lực cho thị trường. Xu hướng đi ngang và chỉ biến động trong biên độ hẹp của thị trường chứng khoán vì vậy đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Những ngày cuối tháng 9, tâm điểm chú ý của giới đầu tư hướng về kết quả của kỳ đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) diễn ra tại Atlanta (Mỹ) từ 26 đến 29-9 và sau đó là phiên họp hai ngày của các bộ trưởng thương mại của 12 quốc gia tham gia, trong đó có nước ta. Đây có thể xem là niềm hy vọng cuối cùng để Hiệp định TPP có thể được ký kết năm nay, chấm dứt năm năm đàm phán.
Trong tình hình giằng co và thiếu thông tin hỗ trợ như hiện nay, “ăn theo” TTP (đầu cơ những cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi nếu TTP được ký kết) cũng là một ý tưởng được nhiều nhà đầu tư hào hứng, dù cho chính kiểu “đón đầu” này vừa khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ trong lần TTP không thể ký kết vừa rồi. Hoạt động đầu cơ ăn theo TTP đã bắt đầu khi các nhóm cổ phiếu “hưởng lợi” có giao dịch tích cực hơn trước và tăng giá. Nhưng nhìn chung, trong khi chờ đợi TTP ngã ngũ, xu hướng giằng co sẽ tiếp tục được duy trì.
Về tuần giao dịch từ 21 đến 25-9, dù các chỉ số vẫn giữ được sắc xanh nhưng giao dịch thì vẫn khá ảm đạm. Nhóm cổ phiếu đầu cơ có một số phiên tăng điểm mạnh nhưng cũng không thể giúp thanh khoản của thị trường tăng lên. Sau một tuần kém sắc, VN-Index tăng 0,73%, lên 570,38 điểm, còn HNX-Index tăng 1,18%, lên 78,67 điểm. Thanh khoản trên HSX gần như không đổi (giảm 0,4%) so với tuần trước, tức là ở mức rất thấp. Trên HNX, khối lượng khớp lệnh dù tăng 10,8%, nhưng vẫn chưa thể gọi là cao. Hoạt động giao dịch thỏa thuận bỗng tăng lên đột biến (gần 68%), đóng góp lớn vào thanh khoản thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài có một tuần bán ròng mạnh với tổng cộng 695,2 tỉ đồng trên cả hai sàn, chủ yếu trên sàn HSX. Giao dịch bán ròng mạnh của khối ngoại chủ yếu tập trung ở một số cổ phiếu thông qua giao dịch thỏa thuận nên không ảnh hưởng nhiều đến diễn tiến các phiên giao dịch. Dù vậy, nếu việc bán ròng của khối ngoại tiếp tục chắc chắn sẽảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.
Phiên giao dịch đầu tuần mới (28-9) tiếp tục chứng tỏ rằng thị trường chưa thể có những tín hiệu bứt phá trong tháng 9. Trong suốt phiên giao dịch, không khí buồn tẻ và giảm giá bao trùm. Ngoại trừ những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ như VNM, KDC, FMC… được săn đón và tăng điểm khá, còn thì đa số cổ phiếu không tìm được nguồn cầu cho mình. Dù không giảm mạnh nhưng số mã giảm giá vẫn chiếm thế áp đảo. Trên HSX, chỉ có 70 mã tăng giá trong khi có đến 140 mã giảm giá, bao gồm toàn bộ những “dòng” cổ phiếu đáng chú ý như ngân hàng (với các mã chủ chốt VCB, BID, CTG…), dầu khí (GAS, PVS, PVD…), bất động sản (KBC, DXG…). Tất cả khiến cho VN-Index mất đi 5,5 điểm, lùi về mốc 564,88 điểm. Thanh khoản tiếp tục sút giảm, giá trị giao dịch của toàn thị trường chỉ đạt 1.476,138 tỉ đồng.
Có thể nói, mối quan tâm chủ yếu của nhà đầu tư trong nước hiện nay là những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Ngoài một số thông tin vĩ mô cơ bản đang ổn định, như tỷ giá, nợ xấu của các ngân hàng thương mại được “kéo” về mốc 3% đúng thời hạn, lạm phát thấp…, thì chưa có thêm thông tin tích cực. Có nghĩa là thị trường không bị kéo xuống mạnh bởi thông tin tiêu cực, nhưng cũng chưa có tin tốt để tạo động lực và niềm tin cho nhà đầu tư. Sang đầu tháng 10, với những thông tin về TTP, sau đó là kỳ báo cáo tài chính quý III của các công ty, các nhà đầu tư mới có hy vọng vào một sự biến chuyển của thị trường.
Thành Huân (DNSGCT)