Hai chỉ số chính của thị trường đang trải qua một giai đoạn thực sự khó khăn. VN-Index đã giảm một mạch 108,53 điểm trong chưa đầy một tháng, từ 635,46 điểm (ngày 27-7) xuống 526,93 điểm khi kết thúc phiên 24-8, tương đương với việc mất đi 17,1% giá trị. Cùng thời gian đó, HNX-Index cũng làm một cú rơi từ 86,5 điểm xuống 73,09 điểm, mất 13,41 điểm (15,5%). Hơn một nửa điểm số mà hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đánh mất trong tháng qua chỉ gói gọn trong hai phiên cuối tuần trước (21-8) và đầu tuần này (24-8).
Với những lần giảm điểm mạnh trước đây của thị trường, chẳng hạn như lần Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông tháng 5 năm ngoái hay khi những thông tin tiêu cực trong nước khiến các nhà đầu tư cá nhân lo sợ, bán ra cổ phiếu, thì khối ngoại luôn là một trụ đỡ. Các nhà đầu tư nước ngoài thường đi ngược xu thế thị trường, mua ròng mạnh khi các chỉ số suy giảm. Nhưng lần này, trước tác động tiêu cực từ những yếu tố mang tính toàn cầu như sự phá giá tiền tệ và giá dầu liên tục giảm, khối ngoại cũng sắm vai người bán. Tuần từ 17 đến 21-8, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 700 tỉ đồng trên cả hai sàn. Có thể tỷ giá là một lý do, bởi khi giá trị đồng nội tệ giảm so với USD, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường phải chịu áp lực rất lớn. Chưa cần biết họ đầu tư vào đâu thì giá trị khoản đầu tư của họ quy đổi ra USD cũng đã giảm xuống. Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến nâng lãi suất vào tháng 9 tới cũng khiến cho dòng vốn ngoại từ các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam phải đối mặt với việc dòng tiền đầu tư bị rút ra để quay về Mỹ. Không chỉ nước ta, chứng khoán thế giới cũng đang trong giai đoạn bất ổn, từ châu Á, châu Âu, đến cả nước Mỹ. Xuất phát từ việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, lo ngại về bất ổn của kinh tế nước này sẽảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cộng với ảnh hưởng từ việc giá dầu xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng, thị trường chứng khoán toàn cầu đã phản ứng một cách tiêu cực.
Tin xấu thường đến dồn dập để thử thách những nhà đầu tư yếu tim và điều đó đang xảy ra với thị trường chứng khoán nước ta. Từ việc tỷ giá được điều chỉnh cả về giá trị lẫn biên độ, nhiều ngân hàng đối mặt với thông tin xấu, cho đến những yếu tố bên ngoài nhưng lại có ảnh hưởng trực tiếp đến giá của nhiều cổ phiếu trên sàn như giá dầu thế giới giảm mạnh ảnh hưởng đến giá các cổ phiếu dầu khí, vốn hóa lớn như GAS, PVD. Lại thêm việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, áp lực bán giải chấp tại nhiều cổ phiếu đang có tỷ lệ margin cao… càng khiến cho thị trường thêm chao đảo.
Tuần lễ khó khăn được mở đầu bằng một phiên tăng điểm khá, khiến cho nhiều nhà đầu tư khấp khởi hy vọng về một sự phục hồi. Tuy nhiên, những phiên giảm điểm với thanh khoản thấp sau đó khiến cho kỳ vọng về việc hai chỉ số tăng dần trở nên mong manh. Và như một cái lò xo bị nén căng, phiên giao dịch 21-8 đã “bung ra”, những lệnh bán trở nên dồn dập, hàng loạt cổ phiếu từ bluechip đến nhóm cổ phiếu dầu khí và cả những mã đầu cơ đều bị bán tháo. Như một vòng luẩn quẩn, việc thị trường giảm điểm quá nhanh khiến nhiều cổ phiếu bị giải chấp, bị buộc phải bán ra với giá sàn, khiến cho tình hình càng thêm tồi tệ.
Giai đoạn khó khăn vẫn chưa kết thúc, người ta chưa biết đáy của thị trường đang ở đâu sau một đợt bán giải chấp mạnh chưa từng thấy như vậy. Trong phiên giao dịch 24-8, có đến 130 mã cổ phiếu trên HoSE giảm sàn, trong tổng số 249 mã giảm giá. Chỉ với 24 mã tăng giá ít ỏi, VN-Index đã mất đến 29,37 điểm chỉ trong một phiên, một kỷ lục. Các cổ phiếu bị giải chấp cũng có, bị các nhà đầu tư chán nản bán đi cũng có. Cả hai sàn giao dịch đều là lao dốc suốt từ đầu đến cuối phiên. Thanh khoản tăng vọt lên hơn 3.105 tỉ đồng. Việc dòng tiền bắt đáy tăng mạnh là dấu hiệu cho thấy thị trường đã sẵn sàng cho những phiên hồi phục. Viêc khối ngoại trở lại mua ròng ở phiên “hoảng loạn” (104 tỉ đồng trên HoSE và 81.5 tỉ đồng trên HNX) cũng được xem là thông tin tích cực. Tuy nhiên, với cú rơi tự do (24-8) này, tâm lý của nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã đến đáy.
Nhìn chung, tỷ giá sẽ còn tác động đến thị trường trong thời gian dài và ảnh hưởng tiêu cực từ việc giảm giá trị đồng VND so với USD đối với doanh nghiệp có thể vẫn còn, do cơ cấu nhập khẩu và nợ ngoại tệ của nhiều doanh nghiệp là khá lớn. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, giảm giá tiền đồng sẽ có lợi do giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, mà điều này cần phải có thời gian để lượng hóa. Vậy nên, tác động lớn nhất đối với thị trường hiện nay chính là vấn đề tâm lý. Chỉ khi các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước trên thị trường vượt qua được ngưỡng cản tâm lý bi quan lúc này, hai chỉ số mới có hy vọng “bình phục”.
Thành Huân (DNSGCT)