Sau khi đạt đỉnh (140 ngàn đồng/cổ phiếu), VNM quay đầu giảm điểm trước áp lực chốt lời mạnh. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn (MSN, BVH, CTG, VCB, BID…) và chính sự đi xuống của nhóm này khiến cho VN-Index có chuỗi bốn phiên đi xuống liên tiếp (từ 16 đến 19-11). Đà rơi của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ ngưng lại vào cuối tuần (20-11), giúp VN-Index không giảm nhiều (chỉ giảm 1,11%), dừng tại 604,46 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng gần như không đổi so với một tuần trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện xu thế bán ròng, khi bán ròng 210 tỉ đồng trên cả hai sàn trong tuần qua và bán mạnh ở hai mã dẫn dắt thị trường là MSN và VNM. Tuy nhiên, động thái bán ròng ấy có thể chỉ là hoạt động chốt lời chứ chưa phải là xu thế. Việc khối ngoại mua ròng nhẹ phiên cuối tuần (20-11) sau bảy phiên bán ròng liên tiếp là một tín hiệu tích cực, có thể đánh dấu sự đảo chiều mua – bán của khối ngoại.
Qua đợt tăng điểm của nhóm cổ phiếu này sẽ đến sự gia tăng của nhóm khác, quy luật đó đang đúng với thị trường chứng khoán nước ta. Khi nhóm bluechip điều chỉnh, dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, giúp các mã này có một tuần tăng điểm khá mạnh. Điểm chung của những mã như JVC, IJC, ITA, FLC, HQC, OGC… là đang có giá ở mức thấp và những doanh nghiệp trên không có gì chứng tỏ rằng họ sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn trong tương lai. Vì vậy, dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này có lẽ chỉ nhằm tận dụng nhịp “nghỉ ngơi” của các bluechip. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức khá nhờ vào sự sôi động của dòng tiền đầu cơ. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HSX tăng 7,4% so với tuần trước, còn trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh tăng 18,3%. Khối lượng khớp lệnh như vậy đã duy trì ở trên mức trung bình 20 phiên gần nhất, chứng tỏ sự thận trọng của người mua có dấu hiệu giảm xuống. Nếu trạng thái này tiếp tục được duy trì, nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng.
Thanh khoản của thị trường tăng lên có sự trợ giúp không nhỏ từ các công ty chứng khoán. Theo số liệu được công bố gần đây, tổng dư nợ cho vay mua cổ phiếu tại các công ty chứng khoán hiện lên tới hơn 20 ngàn tỉ đồng, tăng 40% so với mức hồi đầu năm. Phía các công ty chứng khoán đương nhiên không từ chối dịch vụ hấp dẫn này. Một khi có nguồn vốn tự có ổn định, cho vay margin trong định mức an toàn, thì càng cho vay margin công ty chứng khoán càng hưởng lợi. Trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng chỉ khoảng 10%/năm thì mức lãi vay của công ty chứng khoán dành cho nhà đầu tư vào khoảng 16 – 17%/năm. Chính nhờ nguồn vay margin, một số nhà đầu tư cá nhân có thể mua số lượng cổ phiếu vượt quá số tiền của mình. Đa phần khoản tiền vay này dành cho mục đích ngắn hạn, đầu tư vào những cổ phiếu tăng trưởng nóng. Với nhà đầu tư, nếu dự báo được đà tăng của cổ phiếu mình nắm giữ, thì thành quả có thể đạt được khiến họ không để vào mắt mức lãi suất cho vay margin. Dĩ nhiên, rủi ro là có. Nếu cổ phiếu mà nhà đầu tư dùng tiền vay để mua xuống giá quá nhanh, họ sẽ đối mặt với tình thế phải bán giải chấp để trả nợ cho công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán chỉ gặp rủi ro khi nhận tài sản thế chấp (cổ phiếu) không đảm bảo, “bán rẻ cũng không ai mua”, nhưng họ đã giảm thiểu rủi ro này bằng cách chỉ chọn cho vay các mã chứng khoán được đánh giá tốt, thanh khoản cao. Ngay cảỦy ban chứng khoán Nhà nước cũng khẳng định mức dư nợ hiện nay của các công ty chứng khoán vẫn nằm trong ngưỡng cho phép và cơ quan quản lý đang kiểm soát rất chặt hoạt động này.
Dòng tiền trên thị trường vẫn đổ nhiều vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt là vào các cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản. Thị trường này đã tăng trưởng trở lại trong thời gian qua, thể hiện ở số giao dịch thành công tăng đều đặn, lượng hàng tồn kho giảm xuống và giá bất động sản trên đà tăng. Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã tung ra các sản phẩm mới ở nhiều phân khúc khác nhau và sản phẩm của họ đang được hấp thụ khá tốt. Trên thị trường chứng khoán, nhóm ngành bất động sản và xây dựng chiếm một tỷ trọng khá lớn, vì vậy sự “nổi sóng” của nhóm cổ phiếu này trong thời gian qua cũng góp phần giúp VN-Index duy trì được mốc 600.
Phiên giao dịch đầu tuần mới (23-11), VNM trực tiếp “kéo” lui VN-Index khi mất thêm 4.000 đồng/cổ phiếu, chỉ còn 127 ngàn đồng/cổ phiếu. Với 101 mã tăng giá và có đến 121 mã giảm giá trong đó có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, MSN, FPT, VCB, BID…, VN-Index tạm mất mốc 600, dừng ở 599,99 điểm. Điểm tích cực là thanh khoản vẫn khá cao, tổng giá trị giao dịch đạt 2.265,739 tỉ đồng và khối ngoại tiếp tục mua ròng 113 tỉ đồng. Những ngày tới, VN-Index sẽ kiểm định mốc 600 này trước khi thể hiện rõ hơn xu thế.
Tuấn Thành (DNSGCT)