Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 23-4, trong năm 2017, 266 triệu lao động nhập cư trên khắp thế giới đã gửi số kiều hối kỷ lục 466 tỉ USD về các quốc gia, tăng 8,5% so với 429 tỉ USD của năm 2016.
Nếu tính cả dòng kiều hồi chảy về các nước có thu nhập cao, con số này lên tới 613 tỉ USD trong năm 2017, tăng 7% so với năm 2016.
WB dự báo lượng kiều hối về các nước thu nhập thấp và trung bình trong năm 2018 sẽ lên tới 485 tỉ USD, còn tính chung toàn cầu là 642 tỉ USD.
“Sự phục hồi về lượng kiều hối tốt hơn mức dự báo của chúng tôi nhờ sức tăng cao tại Liên minh châu Âu, Liên bang Nga và Mỹ”, WB nói trong một thông cáo. “Sự phục hồi này cũng nhờ vào giá dầu tăng, đồng Euro và đồng Rúp mạnh hơn”.
Đứng đầu trong số các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất năm ngoái là Ấn Độ với 69 tỉ USD, tiếp đến là Trung Quốc với 64 tỉ USD. Theo sau lần lượt là Philippines và Mexico với 33 tỉ USD và 31 tỉ USD. Việt Nam đứng thứ 10 với 13,8 tỉ USD, tăng từ 11,9 tỉ USD năm 2016 và 13,2 tỉ USD năm 2015.
Theo dữ liệu năm 2016, Mỹ và Saudi Arabia là hai nước có dòng kiều hối chảy ra nước ngoài nhiều nhất với lần lượt 67 tỉ USD và 38 tỷ USD. Trong đó, Mỹ đứng đầu thế giới về dòng kiều hồi suốt 35 năm qua. Những quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất từ Mỹ gồm Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động nhập cư tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Kuwait và Qatar lại cao hơn. Tại các nước Trung Đông này, cứ 5 lao động thì có 4 người nhập cư.
WB nhận định, trong dài hạn, những rủi ro đối với sự tăng trưởng của dòng kiều hối là chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn tại nhiều quốc gia có dòng kiều hồi lớn. Ngoài ra, chiến lược giảm rủi ro từ các ngân hàng và siết quy định của các hãng chuyển tiền – nhằm giảm tội phạm tài chính, cũng sẽ tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng của dòng kiều hối chính thống.
– Theo vneconomy