Hàng loạt doanh nghiệp công nghệ Đài Loan đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các startup công nghệ Việt Nam nhằm đầu tư và phát triển, chuyển giao công nghệ.
Với khoảng 80 doanh nghiệp lớn về công nghệ Đài Loan, có sự tham gia của hơn 26 doanh nghiệp thuộc Mạng lưới Kinh tế Thương mại Đài Loan – Taiwantrade, bốn doanh nghiệp startup tiêu biểu như AdvMeds, xBeacon, Cheng Che Technology, Lumi… trong đó có những doanh nghiệp đã hợp tác thành công ở Việt Nam như Taitra và Tiki (Tiki Taiwan Pavilion) đã đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, nhất là với các startup công nghệ Việt Nam.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh, là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Đông Nam Á. Uớc tính đến năm 2020 có thể đạt quy mô 10 tỉ USD, lượng người mua trực tuyến sẽ chiếm tới 30% dân số. Số liệu mới nhất của Google cho thấy giao dịch trực tuyến của Việt Nam chiếm 4% GDP, đứng đầu Đông Nam Á, cao hơn cả 3,2% của Singapore.
Ngoài thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ, Việt Nam cũng là hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba châu Á, chỉ đứng sau Singapore và Indonesia. Trong những năm gần đây, công ty tăng tốc khởi nghiệp 500 Startups nổi tiếng của Silicon Valley cũng đã nhảy vào thị trường Việt Nam, tích cực đầu tư vào các doanh nghiệp ngôi sao trong tương lai.
Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai cũng cho rằng tiềm năng công nghệ của Việt Nam sẽ biến nơi đây trở thành một trong những cứ điểm quan trọng cho sự phát triển toàn cầu của Google.
Mới đây, một gian hàng thương mại điện tử và startup đặc biệt đã được thiết lập tại Triển lãm Thương mại Sản phẩm Đài Loan (Taiwan Expo 2019) như một trọng tâm nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các startup của hai nước, kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của Q&Me – cơ quan nghiên cứu điều tra thị trường tại Việt Nam – các mặt hàng hot trong mua sắm trực tuyến là điện thoại di động và các sản phẩm điện tử ngoại vi, sản phẩm làm đẹp, thực phẩm và đồ uống; và 90% các nhóm mua sắm xuyên biên giới tin rằng chất lượng sản phẩm ở nước ngoài cao hơn.