Ba học sinh lớp 10 tại TP.HCM tiếp tục sẽ là những đại diện hoc sinh Việt Nam tham dự Festival nhiếp ảnh quốc tế lần thứ 7, dành cho học sinh trung học tổ chức vào đầu tháng 8/2021 tại TP. Higashikawa, Nhật Bản.
Đây là dự án “Vì một thế hệ tương lai cho nền nhiếp ảnh Việt Nam” nhằm phát triển phong trào nhiếp ảnh cho lứa tuổi học sinh trong nước, đồng thời xây dựng tình hữu nghị, giao lưu văn hóa nhiếp ảnh giữa các quốc gia do công ty Bá Hân Image tổ chức.
Kể từ năm 2015, Festival Nhiếp ảnh quốc tế dành cho học sinh trung học trên khắp thế giới được tổ chức hàng năm tại thủ đô văn hóa Nhiếp ảnh Higashikawa, Nhật Bản với mục đích đẩy mạnh tình hữu nghị, sự hiểu biết văn hóa lẫn nhau giữa học sinh các nước qua việc giao lưu nghệ thuật nhiếp ảnh.
Hơn một năm qua do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp. Vượt qua nhiều khó khăn ảnh hưởng của đại dịch nhưng cuộc thi dự án “Vì một thế hệ tương lai cho nền nhiếp ảnh Việt Nam” năm nay được tổ chức qua hình thức online với chủ đề: “Những điều tự hào về thành phố của tôi” (The Pride of My Town) Sau thời gian tuyển chọn, ban tổ chức đã công bố danh sách
3 học sinh đội thi Lâm Viên sẽ đại diện cho học sinh Việt Nam tham dự Fesstival Nhiếp ảnh quốc tế dành cho học sinh Trung học lần thứ 7 năm 2021.
Năm nay, Nhiếp ảnh gia – Nhà báo Na Sơn tiếp tục đảm nhiệm vai trò hướng dẫn đội thi Lâm Viên, là đội thứ 7 của Việt Nam tham dự Festival – Các thành viên của đội Lâm Viên, bao gồm Trần Quang Vinh, Lớp, 10, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Trương Đoàn Yên Giang, Lớp 10, Trường Quốc tế European, TP.HCM; Lê Thảo Nguyên, Lớp 10, 10 Trường THPT Gia Định, TP. HCM.
Hãy cùng xem các tác phẩm ảnh bộ chủ đề của các thí sinh được tuyển chọn để tham dự Festival Nhiếp ảnh Quốc tế Nhật Bản năm nay:
Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn / Trương Đoàn Yên Giang
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, tôi đã học được cách tận hưởng vẻ đẹp mà thành phố tuyệt vời này mang lại. Từ những con hẻm nhỏ hẹp, nơi bạn bắt gặp được nhiều cửa hàng và quán cà phê hấp đẫn và rất đặc biệt; đến những công trình kiến trúc hoành tráng và nổi tiếng có tuổi đời hàng thế kỷ. Chẳng hạn như chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Dinh độc lập, và nhà thờ Đức Bà. Bưu điện trung tâm Sài Gòn cũng không kém phần quan trọng so với bất kì kiến trúc lớn nào khác. Kiểu thiết kế Phục hưng của bưu điện nổi bật hẳn so với các tòa nhà hiện đại còn lại của trung tâm thành phố này. Bưu điện nằm ở ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là một di tích được bảo tồn tuyệt đẹp từ những năm thuộc Pháp, được xây bởi kiến trúc sư người Pháp, Gustave Eiffel.
Từ hình dáng bên ngoài đến kiến trúc bên trong, Bưu điện thành phố cũng còn được biết đến là một trong những bưu điện lớn nhất ở Đông Nam Á, nó thực sự xứng tầm theo đúng cái tên gọi này. Đã hàng trăm năm kể từ khi bưu điện được xây dựng, nhưng vẽ đẹp của nó chưa bao giờ phai nhạt. Xem xét bề ngoài thì Bưu điện mang một màu vàng tươi độc đáo, được bao quanh bởi các điểm nhấn màu trắng cùng với các trang trí cầu kì. Thêm vào kiến trúc cổ kính của nó, có một đồng hồ lớn với hai bên đối xứng với nhau ngay ở trung tâm cổng chính. Ngoài ra còn có những khung cửa sổ cong màu xanh lá cây và được trang trí bởi những viên đá, hình dạng khác nhau, mô tả hoàn hảo kiến trúc thời thuộc địa Pháp.
Sau đó, khi bước vào bên trong Bưu điện thành phố, bạn sẽ có cảm giác bị hấp dẫn mạnh mẽ như được đưa trở lại một nhà ga xe lửa của châu Âu thế kỷ 20. Ngoài ra, điểm nhấn chính của tòa nhà này là bức chân dung lớn cua Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cuối sảnh.
Nội thất của bưu điện gồm có các bốt điện thoại cổ, các bức tranh sơn dầu trên mặt tường, bàn gỗ dọc hai bên và khu vực viết thư dành cho những người thân yêu của mình.
Hơn nữa, bạn gần như không thể bỏ lỡ được khung trần rộng rãi và có mái vòm được thiết kế thẳng hàng với các vòm kim loại, được trang trí bởi hai bản đồ sơn thể hiện tuyến đường bưu điện phía nam Việt Nam tới Campuchia và khu vực Sài Gòn năm 1892.
Nhìn xuống mặt đất dưới chân bạn là những viên gạch được thiết kế rất kì công và độc đáo được trải khắp mặt đất của Bưu điện thành phố này. Biết bao nhiêu người ra vào, biết bao lá thư, thư từ đã được gửi đi, biết bao nhiêu mối quan hệ đã được kết nối và hình thành, biết bao kỉ niệm mà nơi này cất giữ; vẻ đẹp của nó không thể nói lên thành lời.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ / Lê Thảo Nguyên
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, thành phố hiện đại với những tòa nhà chọc trời, phố xá sầm uất, hàng quán đa dạng. Một trong những địa điểm hấp dẫn cho thấy sự sầm uất, nhộn nhịp khi nói về Sài Gòn là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Con phố đã thu hút đông đảo các bạn trẻ, trong đó có tôi.
Tọa lạc tại phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, phố đi bộ Nguyễn Huệ với chiều dài 670m, rộng hơn 64m với thiết kế rộng rãi, mặt đường bằng đá tự nhiên và hệ thống cây xanh mát mẻ. Tuy hình thành chỉ mới mấy năm ( đưa vào hoạt động tháng4/2015), phố đi bộ đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm, yêu thích mỗi khi đến Sài Gòn.
Về đêm, phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút hàng ngàn người, luôn là điểm đến hấp dẫn với cả người dân Sài Thành lẫn khách du lịch bởi nó luôn mang một sức hút nhộn nhịp lạ thường. Mọi người có thể tha hồ đi tản bộ hay ngồi tán gẩu chuyện trò vừa tận hưởng không khí trong lành, khung cảnh náo nhiệt.
Trải nghiệm đơn giản nhất là bạn có thể ngồi một chỗ và ngắm nhìn không khí sôi động đang diễn ra tại phố đi bộ: những em bé đang tung tăng nô đùa, những bạn trẻ đang trượt ván, những gia đình dắt con đi dạo, những cặp tình nhân đang nắm tay nhau tình tứ.
Hình ảnh du khách nước ngoài đang biểu diễn mua rối
Đôi khi bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi tình cờ được tận mắt chứng kiến màn cầu hôn vô cùng lãng mạn ngoài đời.
Về đêm, không khí của phố đi bộ Nguyễn Huệ càng trở nên náo nhiệt, sôi động hơn khi xuất hiện nhiều nhóm nhạc của các bạn trẻ quay quần đàn hát, thu hút hàng trăm người vây quanh.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn là điểm đến hấp dẫn với cả người dân Sài Thành lẫn khách du lịch bởi nó luôn mang một sức hút nhộn nhịp lạ thường cũng là nơi mà bạn có thể tò mò khám phá những món ẩm thực đuòng phố đa dạng, hấp dẫn.
Hy vọng bạn sẽ thoã mãn khi thử trải nghiệm 1 lần trên phố đi bộ Saigon này.
Sài Gòn chuyển động / Trần Quang Vinh
Tích tắc – chỉ cần một giây thôi, vạn vật trên thế giới đều chuyển động. Dẫu biết thế, nhưng khi nói về Sài Gòn, thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên, cách Sài Gòn chuyển động lại rất khác, nó mang một nét đẹp riêng biệt, khác lạ, một nét đẹp rất “Sài Gòn”. Hình ảnh một Sài Gòn chuyển động là những lát cắt sống động ghi lại của thời gian và đối với riêng tôi, đó là điều tự hào và ấn tượng tuyệt vời nhất khi nói về Sài Gòn.
Có những chuyển động, không là sự di chuyển, nhưng lại là, sự thay đổi theo thời gian. Trải dài theo năm tháng lịch sử, Sài Gòn đã trải qua bao cuộc đổi thay. Nếu như trước đây, trông Sài Gòn như một bãi cát khổng lồ, với những ngôi nhà san sát nhau, thì giờ đây, từng toà nhà chọc trời đã làm cho Sài Gòn thêm phần hiện đại. Khi nghĩ về việt nam, hay cụ thể là Sài Gòn, người ta hay suy nghĩ về làng quê sông nước, với con trâu, ngọn lúa, với cánh diều bay cao…nhưng giờ đây đã khác, Sài Gòn muôn màu muôn vẻ.
Sẽ không có một Sài Gòn thật đẹp nếu thiếu vắng xe máy trên đường! Được thống kê là thành phố có nhiều xe máy nhất trên thế giới, phương tiện di chuyển này không biết từ khi nào đã trở thành một phần không thể thiếu khi nói đến Sài Gòn. Nhiều người cho rằng, thật “điên rồ” khi phải di chuyển giữa hàng ngàn chiếc xe xung quanh mình. Không có sự hiện diện của xe máy, Sài Gòn sẽ chẳng có cái không khí tấp nập, sẽ chẳng có sự hối hả vốn dĩ đã ăn sâu trong mỗi con người sống ở thành phố này.
Văn hoá Sài Gòn được thể hiện rõ nhất qua từng con người. Cũng như xe máy, người Sài Gòn như chuyển động không ngừng. Họ chuyển động để học tập, để mưu sinh, và hơn hết, họ chuyển động để tạo nên một Sài Gòn thực thụ.
Trời đã tối dần, đó là lúc mà dòng xe ngược xuôi trở về với gia đình, thế nhưng, người phụ nữ bán hàng rong này lại bồn chồn lo lắng, bên cạnh giỏ hàng đầy ắp.
Tương phản với những chuyển động có phần gấp gáp ấy, Sài Gòn vẫn tồn tại những chuyển động chậm rãi, thư thả. Nếu như có người phải tất bật làm lụng, lo chuyện cơm áo gạo tiền, thì vẫn có những người chọn cuộc sống nhàn nhã, để ngắm nhìn cuộc đời rõ hơn. Và những chuyển động chậm chạp ấy đã tạo nên một sự đối lặp thú vị, làm nên một Sài Gòn đa màu sắc.
Mọi thứ đều chuyển động, mọi nơi đều thay đổi. Nhưng những chuyển động của con người hay sự vật nơi đây lại tạo nên một nét văn hoá, một vẻ đẹp mang tên “Sài Gòn”.
Festival nhiếp ảnh quốc tế dành cho học sinh trung học lần thứ 7-2021 chính thức khai mạc
Đúng 7g (9g Nhật bản) ngày 30/7/2021, Sau lời phát biểu ngắn gọn, đầy tình cảm của Ngài thị trưởng Ichirou Matsuoka, Trưởng Ban tổ chức Festival, buổi lễ khai mạc Festival Nhiếp ảnh lần thứ 7 online trực tiếp chính thức bắt đầu..
Tiếp tục chương trình, cô MC Anna YANAGIYA lần lượt giới thiệu 20 đội đến từ 19 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới. Đội LÂM VIÊN (Việt Nam) ở vị trí thứ 4 dưới sự dẫn dắt của NAG Na Sơn. Sau đó, các thành viên của 20 đội đã tiến hành giao lưu làm quen lẫn nhau qua trang giao lưu online.
Sau ngày khai mạc, 20 đội sẽ có gần 2 tháng để tiến hành thực hiện 2 bộ ảnh với chủ đề: “SỰ LIÊN KẾT” và “HY VỌNG” ngay trên đất nước của mỗi đội. (Hạn chót nhận tác phẩm: 22/9/2021).
Đội LÂM VIÊN là đội thứ 7 đại diện học sinh Việt Nam liên tiếp tham dự LH Nhiếp ảnh Quốc tế dành cho học sinh trung học hàng năm kể từ Festival đầu tiên năm 2015 và là đội thứ hai tham dự Festival online do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid.
Các bạn cùng tham dự lễ khai mạc qua link này:
Cũng như năm trước, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, BTC Festival lần 7-2021 quyết định không mời các đội đến như mọi năm và tiếp tục tổ chức thi Online thông qua mạng Internet.
Cuộc thi được tổ chức với 2 chủ đề bắt buộc: Sự Liên Kết và Hy Vọng. Theo đó, các đội tham dự sẽ nộp 2 bộ ảnh (6 ảnh/ mỗi bộ) được thực hiện trong mỗi nước.