Tại Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Prado ở Madrid (Tây Ban Nha) đang diễn ra một cuộc triển lãm tranh hết sức kỳ lạ: lần đầu tiên trong lịch sử những người khiếm thị được “xem” tác phẩm của những bậc thầy như El Greco, Diego Valaquez, Leonardo da Vinci…
Với tên gọi “Hoy toca el Prado” (Chạm vào Prado), triển lãm mở cửa đến cuối tháng 6-2015 để đón những công chúng đặc biệt, khi mà họ đến bảo tàng nhưng không thưởng lãm tranh bằng thị giác mà bằng xúc giác, nói cách khác họ “xem” tranh giống như cách họ đọc chữ viết bằng hệ thống chữ nổi Braille. Tất nhiên các bức tranh không phải là tác phẩm gốc mà là những phiên bản được in bằng một kỹ thuật in mới có tên là Didú – tương tự kỹ thuật in nổi 3D song nhờ sử dụng các hóa chất đặc biệt trong quá trình in nên các chi tiết trong phiên bản tạo được cảm giác cho người khiếm thị khi họ sờ vào chúng, đem đến cho họ một trải nghiệm hoàn toàn mới.
Cảm nhận tới từng chi tiết trong tranh
Xưởng in Estudios Durero, nơi nghiên cứu và phát triển kỹ thuật in Didú mô tả cách họ thực hiện các phiên bản như sau: “Chúng tôi chọn lọc hình khối và kết cấu thích hợp nhất trên bề mặt để dẫn dắt bàn tay của người khiếm thị (khi họ chạm vào tranh). Các chi tiết nhỏ trên bề mặt thoạt nhìn có thể không đáng chú ý lại trở thành nền tảng để hiểu được bố cục bức tranh hoặc để cảm nhận được chủ đề tác phẩm mà tác giả đã phát triển qua từng hình ảnh trong tranh. Sau khoảng 40 giờ đồng hồ làm việc như thế với mỗi bức tranh, hình khối và kết cấu của bề mặt tranh được xác định và sau đó được in với một loại mực in đặc biệt. Hình ảnh trung thực trên các tác phẩm được in với màu sắc như nguyên bản và với kích cỡ thích hợp sao cho nó có thể được người khiếm thị nhận biết khi chạm vào tranh”.
Trong bài viết trên tờ New York Times số ra ngày 6-3-2015, Raphael Minder tường thuật lại khung cảnh cuộc triển lãm ấy: “Trong buổi sáng mới đây, ông José Pedro González lướt những ngón tay trên một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của El Greco – bức Nhà quý tộc với bàn tay đặt trên ngực. Ông lùi lại rồi bước tới, chạm tay vào đôi mắt nhà quý tộc, cọ xát bộ râu và dần dà tới bàn tay ông ta, lần theo từng ngón tay nhân vật trong tranh. Tất nhiên đó là một bản sao. Thế nhưng thật ngạc nhiên, cái bản sao ba chiều ấy đã khiến cho ông González, 56 tuổi – người bị mù từ năm 14 tuổi có thể trải nghiệm ngay tác phẩm, như ông cho biết: “Tôi cảm nhận được bức tranh này tới chi tiết của từng ngón tay nhân vật”… Triển lãm “Chạm vào Prado” được thực hiện cho những người mù hoặc những người khiếm khuyết thị giác, cho họ cơ hội tạo dựng một hình ảnh trong tâm trí bằng cách cảm nhận nó (bằng xúc giác). Triển lãm chiếm một hành lang của bảo tàng, gần căn phòng trưng bày bản gốc của một ấn bản 3D khác dành cho người mù: đó là bức Mona Lisa nhưng do một học trò của Leonardo da Vinci vẽ lại. Toàn bộ sáu bức tranh in 3D tại triển lãm này đều được thực hiện từ bản gốc thuộc sở hữu của Bảo tàng Prado. Ngoài hai bức nêu trên, còn có bức Chiếc dù của Francisco Goya, Thần Apollo trong lò rèn của Thần lửa Vulcan của Diego Velázquez, bức tĩnh vật Bông a-ti-sô và hoa trong bình thủy tinh của Juan van der Hamen và bức Chúa Jesus gặp Thánh nữ Magdalene của Antonio da Correggio”.
Một người khiếm thị khác đến với triển lãm là ông Andrés Oteo, 56 tuổi, bị mù cách đây 35 năm vì chứng tăng nhãn áp cho biết ông đã được xem bức tranh Nhà quý tộc với bàn tay đặt trên ngực lúc còn trẻ nhưng bây giờ khi được chạm vào từng chi tiết của bản in đã giúp ông nhớ lại những gì mình từng được xem: “Giống như thị giác của tôi đã trở lại vậy”, ông nói.
Một công nghệ in hoàn hảo
Trước đây cũng đã có những nỗ lực từ các bảo tàng nhằm giúp người khiếm thị có thể khám phá vẻ đẹp của các tác phẩm mỹ thuật. Bảo tàng Metropolitan ở New York và Bảo tàng quốc gia London đã từng tổ chức các hoạt động như vậy, với những tour tham quan đặc biệt dành cho người mù, các lớp dạy vẽ cho họ và cả những chương trình “chạm” – qua đó người mù có thể tiếp xúc với các tác phẩm điêu khắc. Còn ở Bảo tàng Louvre tại Paris, phòng trưng bày Tactile cũng có một số tác phẩm điêu khắc dành riêng cho người khiếm thị. Ngoài ra, phải kể đến Bảo tàng quốc gia San Carlos ở Mexico City là một trong những thiết chế mỹ thuật đầu tiên sử dụng phương pháp cắt dán (collage) để làm các phiên bản tranh cho người mù thưởng lãm, hay Bảo tàng mỹ thuật Denver (bang Colorado, Mỹ) đã phối hợp với chuyên gia Ann Cunningham thực hiện một trung tâm mỹ thuật cho người mù.
Dù vậy, ý tưởng người khiếm thị có thể chạm vào những bản in 3D các tác phẩm hội họa là một bước tiến ngoạn mục trong nỗ lực để họ có thể nhận biết được thế giới kỳ ảo của mỹ thuật. Và để đạt được thành quả này, đòi hỏi rất nhiều chi phí đầu tư cũng như những thách thức về mặt công nghệ. Năm 2011, gallery Uffizi ở Florence (Ý) đã trưng bày một bản sao bức Ngày sinh của Thần Venus của Botticelli song còn khá đơn giản so với những bản in 3D tại Prado hiện nay. Một số bảo tàng khác ở Ý cũng đã từng tiến hành in tranh với phương pháp tương tự nhưng chỉ mới ở mức các bản in hai màu đen – trắng. Chỉ với kỹ thuật in Didú của xưởng in Estudios Durero thì công nghệ in tranh ba chiều cho người khiếm thị mới đạt được sự hoàn hảo, khi mà tranh in nổi vẫn có màu sắc trung thực như nguyên bản. Nói như ông Fernando Pérez Suescun, giám tuyển của triển lãm “Chạm vào Prado”: “Với chúng tôi, có lẽ điều quan trọng là thêm màu (vào bản sao), bởi thường thì người khiếm thị vẫn nhận biết một số màu sắc”.
Mỗi bức tranh in 3D tại triển lãm, theo ông Pérez Suescun, có chiều ngang không quá 120cm vì đó là kích thước thích hợp nhất để người khiếm thị nhận biết bằng xúc giác mà không phải di chuyển khi “xem”. Họ còn được hỗ trợ một tai nghe, hướng dẫn thêm về tác phẩm và tác giả khi đến với triển lãm đặc biệt này. Mỗi bản in tranh tại triển lãm có giá thành 6.680 USD. Cùng với Bảo tàng Prado, năm bức tranh thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Bilbao cũg được làm bản sao với công nghệ Didú. Đó là các tác phẩm của El Greco, Artemisia Gentileschi, José de Ribera, Mary Cassatt và Francis Bacon. Tất cả sẽ được trưng bày thường xuyên cho người khiếm thị thưởng lãm…
- Lê Bản