“Sau ba năm học tập tại Đại học Tokyo, năm 2013 mình trở về nước, trở lại cuộc sống ù lì của công chức ăn lương. Mình rơi vào trạng thái lửng lửng lơ lơ, không tìm được hướng đi. Rồi năm ấy xuất hiện những phóng sự về chả cá bẩn, chả cá hàn the,… trên các phương tiện truyền thông. Và câu hỏi “Tại sao không làm chả cá nhỉ?” cứ quặn xoáy trong mình. Mình đã từng ăn chả cá tại Nhật ở nhà một giáo sư của mình mỗi dịp xuân về. Mình thích lắm và đã từng hỏi giáo sư kỹ lưỡng về nó, vì ban đầu mình thực sự không tin rằng chả cá lại có thể ngon và có độ dai tự nhiên đến thế, mà lại không cần một hóa chất nào. Hồi đó, mỗi lần ăn là mình lại nói với giáo sư: “Em sẽ phát triển kinh doanh chả cá tại Việt Nam”… Trong chín tháng đầu, mình không một lần thành công dù ngày nào cũng vùi đầu vào nó. Đến tháng thứ mười thì mới bắt đầu thu được kết quả đầu tiên, lúc đó mình đã mừng quýnh lên và viết thư, gửi hình ảnh cho giáo sư. Giáo sư viết email hồi âm: “Ồ giống như sản phẩm của người Trung Quốc rồi đấy Hồng, bây giờ bước tiếp theo là gì?”. Mình trả lời thầy ngay: “Em muốn quay lại Nhật, tập trung học một khóa ngắn hạn về lĩnh vực này”… Có điều, chi phí sinh hoạt ở Nhật không hề rẻ, mình phải kiếm tiền cho mỗi chuyến đi. Biết các bạn Việt tại Nhật thích chả cá, mình bắt đầu mang chả cá của mình sang bán với giá 400 nghìn đồng/kg, mỗi lần qua Nhật mình đều mang 30 – 40kg chả cá. Hành lý bao giờ cũng một balô, một vali nhỏ và hai vali to đựng chả cá… Sau khi học và hành, khó khăn tiếp theo là phải tìm được đường lối kinh doanh để đưa nghiên cứu ra thị trường. Mình đã sai và mình phải thay đổi chiến lược. Cũng nhờ vậy mà mình hiểu mình cần một đội ngũ hỗ trợ và team chả cá ra đời. Mỗi người một việc, có hoạch định rõ ràng và ai trong nhóm cũng cam kết chịu khổ và trung thành với mục tiêu của dự án (đây là một câu chuyện khác). Sau một thời gian vật lộn để duy trì nhóm, mình đã tiếp cận được nhà đầu tư tầm cỡ có cùng nhiệt huyết vì cộng đồng, chính anh đã cùng mình qua Nhật để gặp gỡ với CEO của công ty sản xuất chả cá nằm ở top đầu tại Nhật và giáo sư của mình, để hợp tác phát triển chả cá tại Việt Nam…”.
Trên đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thu Hồng, người sáng lập Chả cá Kamaboko Nhật vừa nhận giải “Người nữ sáng lập xuất sắc nhất” tại cuộc thi khởi nghiệp Start-up Wheel 2016. Cùng với câu chuyện của chị Hồng là hơn 30 bài chia sẻ khác với những góc nhìn đa chiều về khởi nghiệp đã được ghi lại trong cuốn Sổ tay khởi nghiệp do Công ty cổ phần Văn hóa sách Sài Gòn (Saigon Books) thực hiện và giới thiệu vào cuối tháng 8 vừa qua. Những chia sẻ chân thật này sẽ là những bài học kinh nghiệm hữu ích cũng là lời động viên đối với những người trẻ đam mê khát vọng muốn làm chủ. Vì khởi nghiệp – dù sớm hay muộn – cũng là một dấu ấn đặc biệt trong hành trình cuộc sống. Thất bại hay thành công, cũng là một trải nghiệm giá trị để hướng đến những điều tốt đẹp và lớn lao hơn (Khởi nghiệp: Một chân trên trời, một chân dưới đất, Nguyễn Tử Anh).
Sổ tay khởi nghiệp không chỉ có các bài viết chia sẻ mà còn có những lưu ý quan trọng như: “Hiểu rõ thị trường: 50% thành công trong khởi nghiệp” hay “Doanh nhân cần tìm hiểu mình”… Ngoài ra, sổ tay còn có những câu hỏi căn bản liên quan đến chuyện khởi nghiệp được đặt ra như: Lý do bạn khởi nghiệp? Bạn đã hiểu bản thân đến đâu? Bạn có đủ sức khỏe và khả năng chịu đựng để khởi nghiệp? Các bước lập kế hoạch kinh doanh? Cách tìm kiếm khách hàng? Khi dành thời gian nghiền ngẫm để có câu trả lời cho các câu hỏi này, bạn đã có thể nhìn thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh về câu chuyện khởi nghiệp của chính mình, giúp người đọc soi lại đam mê, động lực khởi nghiệp, thử thách độ khả thi của ý tưởng và có được những gợi ý cần thiết trong từng giai đoạn của quá trình khởi nghiệp. Sổ tay khởi nghiệp khác với nhiều cuốn sách viết về chuyện khởi nghiệp trên thị trường là vậy.
- Xuân Lộc