Với hơn 220.000 người nhiễm HIV được báo cáo, Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan).
Thông tin được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại lễ mítting hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1-12, diễn ra tại Hà Nội sáng 30-11.
Theo thứ trưởng, Việt Nam đã kiểm soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.
Mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 ca nhiễm mới HIV được phát hiện, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS đang trở nên hiện hữu khi tốc độ đầu tư cho công tác phòng chống đang giảm xuống. Bên cạnh đó, các biện pháp can thiệp chưa được triển khai đủ mạnh và tình trạng phân biệt đối xử chưa giảm xuống.
Dịch HIV ở Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở ba nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao: người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm. Việc gia tăng các trường hợp phụ nữ nhiễm HIV mới được báo cáo, chiếm hơn 32% các ca nhiễm mới trong năm 2013, cho thấy sự lây truyền HIV từ nam giới có hành vi nguy cơ cao sang bạn tình.
Thừa nhận tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn đang hết sức nặng nề, thứ trưởng Long nhấn mạnh: “Ðại dịch HIV/AIDS chỉ có thể chấm dứt khi không còn phân biệt đối xử”.
Phân biệt đối xử làm cho những người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS trở thành nhóm người sống ẩn trong xã hội, giấu diếm bệnh tật làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ðể chấm dứt tình trạng này, mỗi người dân cần tự loại bỏ các quan niệm sai lầm về căn bệnh này, loại bỏ những sợ hãi không đáng có, thứ trưởng Long cho biết.
Vì thế, ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS nãm nay tập trung nâng cao vào nhận thức của mọi người và cùng nhau hành động chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)