Trong xu hướng nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thị trường cận biên thì Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với FII vào ròng sáu tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỉ USD.
Sự ổn định của nền kinh tế cùng những nỗ lực hoàn thiện chính sách phát triển thị trường của cơ quan quản lý đã giúp chứng khoán Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển và đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài.
Liên tục mua ròng
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, trong bối cảnh tình hình tài chính, chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, xu hướng nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thị trường cận biên thì Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với giá trị vốn gián tiếp (FII) vào ròng sáu tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỉ USD.
Trước đó, từ năm 2016-2018, vốn FII liên tục mua ròng trên thị trường chứng khoán ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỉ USD/năm.
Phó giám đốc Tư vấn và Phân tích Đầu tư Khách hàng Tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, ông Phạm Lưu Hưng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thường quan tâm đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế nói chung cũng như cổ phiếu nói riêng; quy mô của thị trường cả về giá trị vốn hóa cũng như thanh khoản giao dịch, tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Nói một cách đơn giản, họ quan tâm tới các cổ phiếu có vốn hóa lớn, có tiềm năng tăng trưởng, có số cổ phiếu lưu hành tự do cao và nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng về quy mô và thanh khoản với tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu tính đến hết tháng 6-2019 đạt khoảng 4,3 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 78% GDP của năm 2018, tăng 11,2% so với đầu năm 2019.
Sau 19 năm vận hành, thị trường chứng khoán về cơ bản đã hoàn thiện về mặt cấu trúc (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh), đa dạng hóa về sản phẩm (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, phái sinh và gần nhất là chứng quyền có bảo đảm vừa mới vận hành).
Nhiều năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển cũng như điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai. Có thể nói, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ phát triển nhanh về lượng mà đã có sự chuyển dịch rõ rệt về chất, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng nhận định.
Lực đẩy từ chính sách
Theo ông Trần Văn Dũng, cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách phát triển thị trường chứng khoán, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng đã được trình Quốc hội cho ý kiến, với nhiều điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng hoàn thiện chính sách để thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Tháng 3-2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” nhằm mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế cũng như tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.
Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang tích cực triển khai các giải pháp chính sách về nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn của Công ty cung cấp các công cụ phân tích danh mục và chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI, có trụ sở tại New York (Mỹ).
Cùng với các chính sách vĩ mô, Chính phủ cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Việc xem xét nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai cũng là cơ hội riêng có đầy tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, với lợi thế, tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng xu thế hội nhập tài chính và xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những thị trường giàu cơ hội.
Ông Dũng cho rằng, khi đưa được tiềm năng, cơ hội của thị trường vốn Việt Nam đến gần hơn tới nhà đầu tư nước ngoài và trao đổi, giải đáp được những băn khoăn của họ thì các nguồn vốn đầu tư có chất lượng vào Việt Nam sẽ tăng; các tiêu chí cả về định lượng và định tính của các tổ chức như MSCI hay FTSE Russell sẽ sớm được đáp ứng.
Tuy nhiên, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Tư vấn và Phân tích Đầu tư Khách hàng Tổ chức – Công ty cổ phần Chứng khoán SSI chỉ ra một số khó khăn trong thu hút vốn ngoại. Đó là trong 1-2 năm gần đây, các diễn biến trên thị trường chứng khoán tỏ ra không thuận lợi, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm lại, hoạt động IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng), thoái vốn cũng chậm hơn so với dự kiến và có một số trường hợp khiến nhà đầu tư nước ngoài thất vọng sau khi bị thua lỗ khi tham gia các đợt IPO, thoái vốn trong giai đoạn đầu năm 2018.
Theo vị chuyên gia này, để có thể thu hút được dòng vốn nước ngoài, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước vốn rất chậm chạp trong thời gian gần đây. Hoạt động IPO, thoái vốn phải được triển khai trở lại và ít nhất phải có một số doanh nghiệp nhà nước lớn thực hiện cổ phần hóa ngay trong nửa cuối năm 2019.
Về cơ chế chính sách, hiện nay các thông tin liên quan đến việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Chứng khoán còn khá chung chung (chủ yếu giao lại cho Chính phủ ban hành quy định chi tiết nên nếu các quy định được sửa đổi hơn và được thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019 thì có thể tạo thêm động lực cho các nhà đầu tư.
Đánh giá về tác động của hệ thống pháp luật, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhìn nhận, trong câu chuyện thu hút vốn ngoại, Chính phủ đã đặt ra vấn đề sửa Luật Chứng khoán; trong đó mở room tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (số cổ phần tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu) ở những ngành nghề kinh doanh không bị hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, ông Ngọc cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện quy mô, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
“Nói là kỳ vọng, nhưng việc chậm trễ cổ phần hóa khiến nhà đầu tư “hơi” thất vọng”, ông Ngọc trăn trở.
Ông Ngọc cũng cho rằng, đối với một thị trường xếp ở hạng cận biên như Việt Nam thì điều quan trọng là phải cải thiện tính minh bạch, yếu tố về pháp lý, công bố thông tin và chuẩn mực kế toán.
Những vấn đề như quy chế công bố thông tin bằng ngôn ngữ nước ngoài đã được Chính phủ rất quan tâm. Cơ quan quản lý cũng bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ như quyền chọn, phái sinh, chứng quyền để nâng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Những vấn đề này, cơ quan quản lý đã nhìn ra và đang trong quá trình cải thiện, nhưng cần có thời gian.
“Luật Chứng khoán sửa đổi cần được Quốc hội thông qua, các nghị định ban hành dưới luật để hướng dẫn thi hành cũng cần có thời gian chỉnh lý. Trong một năm tới, tôi tin rằng, việc chuẩn bị sẽ được thực hiện rốt ráo, chắc chắn cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2020-2021 là khả thi”, ông Ngọc nói.