Trả lời phỏng vấn của tạp chí Sputnik, đại diện thương mại Nga tại Việt Nam, ông Maxim Golikov nhận xét: “Việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) ký kết Hiệp định về khu vực thương mại tự do (FTA) và đồng rúp mất giá đã kích thích Việt Nam và Nga mở rộng giao thương”. Theo ông, Nga luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác cơ bản ở châu Á và là đối tác then chốt trong khu vực Đông Nam Á. Thời điểm Nga thực hiện chiến lược tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và thông qua Việt Nam để thâm nhập thị trường các nước khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng trùng với thời gian các nước phương Tây thi hành chính sách cấm vận chống Nga. Tình hình đó càng củng cố nguyện vọng của các công ty Nga trong việc “tìm đường” tới Việt Nam.
Có khá nhiều lĩnh vực mà Nga và Việt Nam đang hợp lực cùng nhau hoặc có kế hoạch hợp tác, đầu tiên phải kể đến ngành dầu khí, khai thác mỏ và chế biến. Tiếp đó là ngành điện, cung cấp trang thiết bị, phụ tùng linh kiện, cải tiến các cơ sở đã có, chế tạo ôtô, dược phẩm, công nghiệp khai thác khoáng sản, lĩnh vực công nghệ thông tin… Việc ký kết Nghị định thư về việc thành lập tại Việt Nam nhà máy lắp ráp xe tải (KAMAZ, VAZ và GAZ Group) cũng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía các công ty và bộ ngành Việt Nam.
Trong khi đó, phía Việt Nam quan tâm tới việc đưa mặt hàng sữa, đồ dệt may và dược phẩm tới thị trường Nga. Các cuộc đàm phán và dự án thí điểm trong lĩnh vực sữa và công nghiệp dệt may hiện đã được triển khai. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sữa TH True Milk của Việt Nam cũng đã công bố dự án về việc tạo lập cụm sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa tại Nga.
Hiệp định FTA được Việt Nam và EEU ký kết cách đây gần một năm. Mặc dù văn kiện này đã được phê chuẩn ở Nga nhưng vẫn cần nhận được sự phê chuẩn từ các đối tác còn lại trong tổ chức. Theo các điều khoản, hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày được Quốc hội các nước thành viên EEU và Việt Nam phê chuẩn. Nếu được phê chuẩn vào giữa tháng này, hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực sau hai tháng nữa.
Trong thời gian chờ đợi, nhiều công ty Việt Nam đã tính đến những cơ hội mới để tăng lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đã tăng 4% trong năm 2015, trong đó xuất khẩu của Nga sang Việt Nam tăng 26%.
Về lĩnh vực du lịch, Việt Nam từ lâu đã dành cho công dân Nga chế độ miễn thị thực trong hai tuần. Hiện Hà Nội cũng đang xem xét khả năng gia hạn khoảng thời gian này lên 30 ngày.
Người dân Nga ngày càng ưa chuộng việc tới Việt Nam du lịch, nhưng sẽ không hề dễ dàng để “dải đất hình chữ S” này có thể thay thế Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập trong danh sách các địa điểm du lịch ưa thích của người dân “xứ sở Bạch dương”, bởi hạn chế trong các chặng bay đường dài và cơ sở hạ tầng du lịch.
K.M (DNSGCT)