Sau khi có tin ông Nguyễn Văn Nên – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ xác nhận Chính phủ đang tính toán vay khoảng 1 tỉ USD thông qua việc phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ, nhiều chuyên gia đã tỏ ra lo ngại về hậu quả của việc lấy nợ mới để trả nợ cũ. Trước mắt, việc phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ ít nhiều biểu hiện sự yếu kém trong nguồn lực tài chính của Nhà nước Việt Nam.
Năm 2005, Chính phủ đã phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu USD với kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,125%/năm, nghĩa là số trái phiếu này sẽ đến hạn trả cả gốc lẫn lãi trong năm 2016. Tuy nhiên, do Chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên, tiếc rằng khoản vay không được sử dụng hiệu quả nên Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho Chính phủ. Đến năm 2010, Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở giao dịch Chứng khoán Singapore để vay 1 tỉ USD với lãi suất 6,75%/năm và số tiền vay được dùng để cho một số tập đoàn kinh tế lớn như Dầu khí, Điện lực, Vinalines… vay lại. Sắp tới, nếu kế hoạch vay được thông qua thì đây sẽ là lần thứ ba Chính phủ vay nợ nước ngoài trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang tăng với tốc độ cao nhất từ khi bắt đầu tiến trình đổi mới và nghĩa vụ trả nợ cũng đạt tỷ lệ cao nhất trong chi ngân sách từ trước đến nay. Điều mà các chuyên gia lo lắng là ngoài việc để đảo nợ, việc sử dụng khoản vay này sẽ như thế nào, nếu cứ theo cách làm cũ thì rồi Nhà nước lại phải “còng lưng” trả nợ thay cho các doanh nghiệp lớn.
Được biết, kế hoạch trả nợ trong năm 2014 do Bộ Tài chính trình đã được Thủ tướng phê duyệt, theo đó Chính phủ phải trả gần 210 ngàn tỉ đồng (tương đương khoảng 10 tỉ USD), trong đó phần phải trả trong nước là gần 160 ngàn tỉ đồng (tương đương 7,6 tỉ USD) và nợ nước ngoài 2,4 tỉ USD (khoảng 50 ngàn tỉ đồng). Trong năm nay, Chính phủ dự kiến vay thêm 22 tỉ USD, trong đó vay trong nước số tiền tương đương 17,5 tỉ USD và vay nước ngoài 4,5 tỉ USD.
Nguyễn Thắng