Tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo tại cuộc họp của ủy ban này. Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng được hai yêu cầu là sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm cơ sở để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, năm học mới đã bắt đầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có quyết định cuối cùng để giúp các học sinh cuối cấp chủ động chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia lần đầu tiên tổ chức trong hè năm tới, do đó Thủ tướng yêu cầu bộ này khẩn trương làm việc để sớm công bố phương án một kỳ thi quốc gia.
Sở dĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm trễ trong việc ra quyết định vì sau khi đưa ra ba phương án thực hiện chủ trương một kỳ thi hợp nhất ngay trong năm 2015 thì đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Nếu các trường phổ thông, các sở giáo dục và đào tạo thiên về phương án 1 vì đó là phương án gần nhất với kỳ thi tốt nghiệp hiện hành thì các trường đại học lại chọn phương án 2 do thuận lợi cho việc tuyển sinh. Riêng phương án 3 bị đánh giá là “quá nặng và rối”. Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, phân tích, tiếp thu các ý kiến đóng góp cho ba phương án tổ chức kỳ thi quốc gia và tham khảo các phương án khác (trong đó có phương án của Đại học Quốc gia Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ sớm đề ra phương án phù hợp nhất, bảo đảm việc đánh giá có tính khách quan nhất, thu được sự đồng thuận cao trong xã hội, giảm tối đa phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh.
Cũng tại cuộc họp trên, Thủ tướng yêu cầu cần có định hướng hoàn thiện hệ thống giáo dục cho phù hợp, theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, làm cơ sở triển khai các nội dung đổi mới khác, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xây dựng xã hội học tập. Thủ tướng đồng ý chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng một chương trình với nhiều sách giáo khoa, vừa có sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động tổ chức biên soạn, vừa có sách do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hoàn chỉnh đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, báo cáo Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 nhằm ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9-12-2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Nguyễn Thắng