Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) là Đại học Tốt nhất Thế giới 6 năm liền 2012-2018 của QS Rankings World, đồng thời là đại học có thu nhập bình quân của tân cử nhân cao nhất nước Mỹ.
Từ những văn phòng ở Silicon Valley đến phòng thí nghiệm của MIT hay các xưởng sản xuất tại Bangalore, mỗi ngày, hàng ngàn phát minh công nghệ xuất hiện, biến đổi và tăng trưởng. Gió đổi chiều khi các kỹ sư bắt đầu kinh doanh các thành tựu của họ.
Một mặt, làn sóng khởi nghiệp nổi lên mạnh mẽ khi các phát minh khao khát bước ra khỏi ổ cứng máy tính để lưu thông với tư cách hàng hóa trên thị trường.
Mặt khác, các doanh nghiệp chạy đua cập nhật và ứng dụng công nghệ để giành lấy lợi thế cạnh tranh. Và như vậy, thế giới thay đổi.
Những chiếc USB bị bỏ quên, 12 tỷ đô-la và nửa tỷ người dùng
Drew Houston nhập học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) khóa 2001. Theo học ngành Khoa học máy tính, cậu sinh viên Drew thường xuyên gặp rắc rối với các đồ án vì tật đãng trí – Drew luôn quên chỗ để các USB.
Thay vì tìm một cái móc đeo USB, Drew bắt đầu nghĩ đến một giải pháp lưu trữ dữ liệu khác.
Tại MIT, Drew gặp Arash Ferdowsi. Arash là người đầu tiên xem clip giới thiệu ý tưởng lưu trữ mới của Drew và hoàn toàn bị ấn tượng. Họ hợp tác phát triển dự án. Quỹ đầu tư nổi tiếng Y Combinator là đơn vị đầu tiên rót vốn cho hai chàng trai. Một công ty ra đời, lấy cùng tên với ứng dụng mà Drew và Arash xây dựng: Dropbox.
Sau 10 năm, Dropbox hiện có hơn 500 triệu người dùng. Từ 2011 đến 2017, Business Insider luôn xếp Dropbox thuộc 10 startups giá trị nhất nước Mỹ và thế giới, là phi vụ đầu tư thành công nhất lịch sử Y Combinator.
Drew Houston và Arash Ferdowsi được Inc., xếp trong danh sách 30 doanh nhân khởi nghiệp dưới 30 tuổi thành công nhất năm 2011. Trong lần phát hành cổ phiếu đầu tiên ngày 23-3-2018 vừa qua, Dropbox được định giá 12 tỷ đô-la.
Công nghệ thay đổi thế giới. Đó là điều mà người ta vẫn nói. Sự hữu dụng của công nghệ phần nào đã lu mờ vai trò của những bộ não kinh doanh.
Dropbox có Y Combinator, Pixar có Steve Jobs – những người nhìn nhận các phát minh như một loại hàng hóa, có thể bán được số lượng khổng lồ trên quy mô toàn cầu.
Chính sự am hiểu thị trường, dòng tiền, hành vi người dùng,… đã đưa các phát minh đến thế giới, và đưa lợi nhuận về các startups.
Chìa khóa ở giảng đường
Khi khởi nghiệp vẫn bị hiểu sai ở Việt Nam thì trên thế giới, các đại học đã đào tạo môn này cho sinh viên từ vài thập niên trước. MIT hay Stanford là những đại học nghiên cứu hàng đầu song họ thúc đẩy sinh viên không chỉ tạo ra những phát minh mà còn nắm vững cách kinh doanh những ý tưởng này.
Bằng cách đó, hai ngôi trường đều đặn tạo ra các tỷ phú. Kể cả khi không trở nên siêu giàu, ít nhất, sinh viên cũng biết khách hàng muốn gì và không rơi vào tình huống tạo ra những sản phẩm chẳng ai mua.
MIT thậm chí đào tạo công nghệ và khởi nghiệp cho học sinh trung học khắp thế giới. Trại hè Khởi nghiệp FutureHack là một trong số các chương trình đó. Các trại sinh 12-18 tuổi từ các nước được tuyển chọn đến FutureHack.
Trại hè đào tạo kiến thức công nghệ và tạo lập – quản trị doanh nghiệp. Giảng viên của FutureHack là giáo sư của MIT, Harvard, Tufts và các gương mặt thuộc danh sách Forbes 30 under 30.
FutureHack phản ánh tư duy kinh doanh hiện đại: sản phẩm, công cụ và lợi thế cạnh tranh đều là Công nghệ. Năm 2017, FutureHack lần đầu tiên có 4 trại sinh từ Việt Nam, được tuyển chọn bởi Viện Hợp tác Quốc tế và Du học iStudent.
– Theo TTO