Dòng thời sự chủ lưu tuần qua tạo ấn tượng cho giới doanh nhân là hội nghị có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội.
Khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự hội nghị, đông gấp bốn lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí…
Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh – thành phố, cùng các đại biểu doanh nghiệp với số lượng 50-100 người mỗi điểm, gần 7.000 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phần phát biểu kết luận đã nhấn mạnh tinh thần chuyển lời nói thành hành động với thái độ bày tỏ quyết tâm. Ông nói: “Hôm nay, chúng ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra một năm quá một lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay vào chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh về quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, phục vụ, mong muốn doanh nghiệp không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư…
Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật, bao gồm cả việc bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật, cải cách thể chế để làm sao mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư.
Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstics, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. Đây là những khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiến tạo không chỉ có tự do kinh doanh sáng tạo mà còn cả an toàn, tài sản vốn đầu tư, không chỉ có chi phí thấp mà rủi ro thấp, để đảm bảo kiểm tra lành mạnh công bằng để mọi người yên tâm đầu tư dài hạn.
Đánh giá về bức tranh kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã có nhiều điểm sáng như doanh nghiệp các nước Mỹ, Nhật… vẫn không ngừng mở rộng đầu tư vào nước ta. Việt Nam đang phấn đấu đứng trong nhóm đầu ASEAN về đầu tư môi trường kinh doanh. Những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng chúng ta vẫn còn nhìn thấy nhiều rào cản phát triển doanh nghiệp, chúng ta đã nhận diện được vấn đề này.
Hội nghị lần này tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp năm 2017 và những năm tiếp theo, diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khi Hội nghị Trung ương 5 vừa kết thúc với thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng cũng nhắc đến những tấm gương doanh nhân đã làm rạng danh Việt Nam, những chiến sĩ, nhà yêu nước, nhà khởi nghiệp đã thành công nhờ biết cung cấp cái người ta đang thiếu, đang cần và kịp thời.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong năm qua VCCI đã tập hợp được 421 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 320 kiến nghị được gửi tới các bộ, ngành. Điều đáng mừng là hơn 90% kiến nghị đã được các bộ, ngành địa phương chủ động xử lý. Ngoài ra, từ tháng 2-2017 VCCI cũng tập hợp thêm 188 kiến nghị mới và hy vọng các kiến nghị này sẽ được lắng nghe, xử lý trong dịp này.
Ông Lộc bày tỏ vui mừng khi Thủ tướng có món quà cho cộng đồng doanh nghiệp năm nay là tránh và không được thanh tra, kiểm tra chéo. “Việc môi trường kinh doanh chậm cải thiện một phần do có tình trạng trên bảo dưới không nghe. Có trên 20 quy định đã rõ là không hợp lý nhưng vẫn được đưa ra” – ông Lộc nói.
Dù nhiều cải thiện trong thông điệp hành động của chính phủ, nhưng thời gian qua doanh nghiệp vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách kiểu sớm nắng chiều mưa. Ông Lộc đề nghị trong ban hành chỉ thị cần nêu rõ thời hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và yêu cầu mỗi năm có một chỉ thị như vậy.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã thẳng thắn nêu lên tình trạng doanh nghiệp đang chịu gánh nặng những chi phí chính thức và cả không chính thức. Tuy nhiên điều ông Thân muốn nhấn mạnh, đó là chi phí không chính thức mà chủ yếu rơi vào các thủ tục liên quan đến tiếp cận đất đai, thuế, hải quan…
Cũng tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng dẫn lại sự kiện Moody’s nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam và xếp hạng 8 ngân hàng thương mại từ ổn định lên tích cực vào tháng 4 vừa qua.
Kết quả đó có giá trị củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện hệ số tín nhiệm để tiếp cận thuận lợi nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường tài chính quốc tế.
Về tình hình tín dụng, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống chỉ chiếm khoảng 15%, và cân đối này đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên để tạo nguồn vốn đầu tư, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán; nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng.
Đối với tín dụng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được quyết định cho vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu cần được hỗ trợ đến hết năm 2017; đồng thời xem xét xử lý các đề nghị của tổ chức tín dụng về việc cho vay bằng ngoại tệ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng ngoại tệ được vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ, mà không làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
- Gia Minh